2. Giải pháp về phía doanh nghiệp
2.3. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ xuất khẩu
Phát triển nguồn nhân lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Yếu tố con người mang ý nghĩa quyết định vì vậy đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả lao động chính là đảm bảo cho phát triển bền vững cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực của ngành hàng thủ công mỹ nghệ tuy dồi dào, khéo léo, sáng tạo tuy nhiên còn nhiều hạn chế như trình độ tay nghề còn yếu, có ít nghệ nhân tay nghề cao, chưa có tác phong làm việc công nghiệp...(đã được đề cập ở chương 2). Để phát triển đồng thời khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực phục vụ cho công tác xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, tác giả xin đề xuất một số biện pháp sau:
- Mỗi doanh nghiệp cần thành lập hoặc củng cố bộ phận tổ chức - quản lý nhân sự đủ mạnh, lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài và ưu tiên đãi ngộ cao cho công tác tổ chức nhân sự.
- Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải gắn chặt với mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nhu cầu đào tạo phải căn cứ vào tầm quan trọng và
vị trí mỗi công việc, nhu cầu hiện tại và trong tương lai của từng loại hình nghiệp vụ. Chọn đối tượng để đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng họ trở thành chuyên gia ở từng lĩnh vực nhằm tăng hiệu suất làm việc.
- Thành lập quỹ đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực bằng cách trích từ quỹ phúc lợi hoặc từ nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp bạn và các hiệp hội ngành nghề tạo quỹ chung cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động dưới sự bảo trợ của Nhà nước.
- Sử dụng lao động đúng vị trí, đúng chuyên môn nghề nghiệp và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người có đóng góp cho việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp, người có năng suất và hiệu quả lao động cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách minh bạch trong việc giải quyết lao động dư thừa.