Dự án đầu tư phải phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 117 - 119)

5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

3.3.3.Dự án đầu tư phải phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu đầu tư cần dựa vào các mục tiêu phát triển KT - XH trong từng thời kỳ. Đồng thời phải lấy quy hoạch của các ngành, vùng làm cơ sở. Thực chất của cơ cấu đầu tư hợp lý là tập trung vốn cho những ngành, vùng cần chuyển dịch. Khi đó, những ngành, vùng này sẽ có sức thu hút các nguồn vốn khác cùng tham gia đầu tư. Do vậy, có thể lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đó là:

- Tăng cường nguồn vốn đầu tư trong các ngành, vùng... hướng vào mục tiêu thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm trong các ngành kinh tế. Trước hết là trong công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

- Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo; phát triển các lĩnh vực văn hoá, hỗ trợ đầu tư cho các vùng khó khăn... cũng phải hướng vào mục tiêu tạo khả năng chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.

- Rà soát và xây dựng chương trình đầu tư bằng nguồn vốn NSNN cho thật hiệu quả, đúng đối tượng. Vốn đầu tư từ NSNN phải giữ vai trò là hạt nhân hướng dẫn và thu hút các nguồn vốn trong nền kinh tế để đảm bảo đủ vốn cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các dự án đầu tư từ NSNN phải có tính chiến lược, mang lại hiệu quả KT - XH chung của ngành, vùng. Nó là cơ sở để triển khai các dự án khác, như: đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển, công nghệ phải xem xét những tiềm năng, lợi thế của những ngành, vùng cần chuyển dịch để từ đó lựa chọn dự án đầu tư thích hợp.

Các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế mà Quảng Bình cần tập trung đầu tư là:

Thứ nhất, những năm tới cần tập trung đầu tư cho các dự án của công nghiệp địa phương chậm phát triển, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở chế biến. Đầu tư và tái đầu tư cho các cơ sở công nghiệp địa phương có lợi thế để thúc đẩy nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm như: chế biến hải sản, vật liệu xây dựng, làng nghề...Đầu tư cho các khu di dân tái định cư, cho đào tạo và chuyển giao công nghệ mới. Đầu tư cho dự án ngoài hàng rào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ đó mới thúc đẩy, kêu gọi được nhà đầu tư vào Quảng Bình.

Thứ hai, đầu tư cho ngành du lịch - dịch vụ.

Đây là ngành mũi nhọn của Quảng Bình, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh. Những năm tới, cần tiếp tục đầu tư đồng bộ cho các dự án du lịch, cụm du lịch để đảm bảo thu hút khách cả trong và ngoài nước (đặc biệt là khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng). Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển KT - XH ở cả đô thị và nông thôn. Ưu tiên đầu tư cho các tuyến giao thông quan trọng; Từng

bước nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cảng biển, cấp điện và cấp thoát nước... nhằm phát triển đồng bộ cho ngành du lịch - dịch vụ.

Thứ ba, đầu tư cho ngành nông nghiệp, ngư nghiệp.

Tăng cường vốn NSNN cho các ngành mũi nhọn có lợi thế so sánh, thực hiện kiên cố hoá kênh mương, xây dựng hạ tầng các làng nghề, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông nông thôn. Cụ thể:

- Đầu tư cho các vùng chuyên canh, các dự án giống cây trồng, gia súc có năng suất cao và đầu tư để chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng trong ngành trồng trọt cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của các vùng. Ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào sản xuất để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng tốt. Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi để đảm bảo tưới tiêu chủ động.

- Chú trọng đầu tư cho các ngành thuỷ sản để tạo ra một bước đột phá, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ngành này. Khởi công xây dựng hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch đã được duyệt. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng để các HTX nông nghiệp phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư hạ tầng nghề cá và hỗ trợ đầu tư các khu chế biến thuỷ, hải sản...

Thứ tư, ngành y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao và các ngành khác.

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ để đảm bảo đầy đủ các yếu tố phát triển của những ngành này nhằm nâng cao mức sống và phúc lợi của dân cư.

- Đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ tin học vào sản xuất và quản lý. Tin học hoá công tác quản lý ở các cơ quan cấp tỉnh; thực hiện nối mạng thông tin.

- Đảm bảo vốn cho các dự án an ninh-quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 117 - 119)