VỐN VÀ VỐN ĐẦU TƯ XDCB TỪ NSNN

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 28)

5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.2. VỐN VÀ VỐN ĐẦU TƯ XDCB TỪ NSNN

Vốn là toàn bộ giá trị của đầu tư để tạo ra các tài sản nhằm mục tiêu thu nhập trong tương lai. Các nguồn lực được sử dụng cho hoạt động đầu tư được gọi là vốn đầu tư, nếu quy đổi ra thành tiền thì vốn đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư.

Bất kỳ một quá trình tăng trưởng hoặc phát triển kinh tế nào muốn tiến hành được đều phải có vốn đầu tư, vốn đầu tư là nhân tố quyết định để kết hợp các yếu tố trong sản xuất kinh doanh. Nó trở thành yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu đối với tất cả các dự án đầu tư cho việc phát triển kinh tế đất nước.

Nghị định số 385-HĐBT ngày 7/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sữa đổi, bổ sung, thay thế điều lệ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã ban hành theo Nghị định số 232-CP ngày 6/6/1981 khái niệm:"Vốn đầu tư XDCB là toàn bộ chi phí cho việc khảo sát, quy hoạch xây dựng, chuẩn bị đầu tư, chi phí thiết kế xây dựng, chi phí mua sắm và lắp đặt thiết bị và các chi phí khác ghi trong tổng dự toán" [15].

Các văn bản pháp luật sau Nghị định này không đưa ra khái niệm về vốn đầu tư XDCB, tuy nhiên thuật ngữ “vốn đầu tư XDCB” vẩn được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn hiện nay. Theo nghĩa chung nhất thì vốn ĐTXDCB bao gồm: chi phí cho việc khảo sát, quy hoạch xây dựng, chuẩn bị đầu tư, chi phí thiết kế

xây dựng, chi phí mua sắm và lắp đặt thiết bị và các chi phí khác theo một dự án nhất định.

- Vốn đầu tư XDCB từ NSNN:

Các nguồn lực thuộc quyền sở hữu và chi phối toàn diện của Nhà nước được sử dụng cho hoạt động đầu tư XDCB được gọi là vốn ĐTXDCB từ NSNN.

NSNN với tư cách là một quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước tham gia huy động và phân phối vốn đầu tư thông qua hoạt động thu chi của ngân sách.

a) Căn cứ vào phạm vi, tính chất và hình thức thu cụ thể, vốn ĐTXDCB từ NSNN được hình thành từ các nguồn sau:

+ Nguồn vốn thu trong nước (thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ bán, khoản cho thuê tài sản, tài nguyên của đất nước… và các khoản thu khác).

+ Nguồn vốn từ nước ngoài (vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, nguồn viện trợ phi Chính phủ).

b) Theo phân cấp quản lý ngân sách chia vốn đầu tư XDCB từ NSNN chia thành:

+ Vốn đầu tư XDCB của ngân sách trung ương được hình thành từ các khoản thu của ngân sách trung ương nhằm đầu tư vào các dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia. Nguồn vốn này được giao cho các bộ, ngành quản lý sử dụng.

+ Vốn đầu tư XDCB của ngân sách địa phương được hình thành từ các khoản thu của ngân sách địa phương nhằm đầu tư vào các dự án phục vụ cho lợi ích của từng địa phương đó. Nguồn vốn này thường được giao cho các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) quản lý thực hiện.

c) Theo mức độ kế hoạch hoá, vốn đầu tư từ NSNN được phân thành:

+ Vốn đầu tư XDCB tập trung: Nguồn vốn này được hình thành theo kế hoạch với tổng mức vốn và cơ cấu vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho từng bộ, ngành và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Vốn đầu tư XDCB từ nguồn thu được để lại theo Nghị quyết của Quốc hội: thu từ thuế nông nghiệp, thu bán, cho thuê nhà của Nhà nước, thu cấp đất, chuyển quyền sử dụng đất…

+ Vốn đầu tư XDCB theo chương trình dự án quốc gia.

+ Vốn ĐTXDCB thuộc NSNN nhưng được để lại tại đơn vị để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất như: truyền hình, thu học phí…

Nguồn vốn đầu tư XDCB từ NSNN phần lớn được sử dụng để đầu tư cho các dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; có vốn đầu tư lớn, có tác dụng chung cho nền kinh tế - xã hội; các thành phần kinh tế khác không có khả năng hoặc không muốn tham gia đầu tư. Nguồn vốn cấp phát không hoàn lại này từ NSNN có tính chất bao cấp nên dễ bị thất thoát, lãng phí, đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên trong nguồn vốn NSNN thì loại nguồn vốn không được đưa vào kế hoạch và cấp phát theo kế hoạch của Nhà nước (vốn để lại tại đơn vị) khả năng quản lý, kiểm soát của Nhà nước gặp khó khăn hơn. Vốn ngoài nước thường phụ thuộc vào điều kiện nhà tài trợ đặt ra, cũng làm cho việc quản lý bị chi phối. Đối với viện trợ không hoàn lại thường do phía nước ngoài điều hành, nên giá thành công trình rất cao…

- Vốn đầu tư từ NSNN được đầu tư cho các dự án sau:

+ Các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh không có khả năng thu hồi vốn và được quản lý sử dụng theo phân cấp chi NSNN cho đầu tư phát triển.

+ Hỗ trợ các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực cần có sự tham gia của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

+ Chi cho công tác điều tra, khảo sát lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ; quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn khi được Chính phủ cho phép [21].

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w