Khái niệm hiệu quả vốn đầu tư XDCB

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 29 - 30)

5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.3.1.Khái niệm hiệu quả vốn đầu tư XDCB

Nói tới đầu tư là nói tới hiệu quả đầu tư, vì hiệu quả đầu tư là mục đích cuối cùng của đầu tư. Hiệu quả đầu tư được thể hiện trong mối quan hệ giữa lợi ích thu được do đầu tư mang lại và chi phí bỏ ra để thực hiện đầu tư. Do mục đích đầu tư khác nhau nên tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư ở mỗi thời kỳ cũng khác nhau [29,30]. Khi đánh giá hiệu quả của hoạt động đầu tư, cần xem xét dưới hai góc độ:

- Dưới góc độ vi mô: Hiệu quả của hoạt động đầu tư là chênh lệch giữa thu nhập mà hoạt động đầu tư đó mang lại và chi phí bỏ ra, đó là lợi nhuận. Phạm trù này được xem xét ở góc độ một doanh nghiệp (hay một đơn vị) nên mục tiêu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.

- Dưới góc độ vĩ mô: Hiệu quả hoạt động đầu tư được xem xét dưới góc độ của toàn bộ nền kinh tế. Nó không chỉ bao gồm hiệu quả kinh tế mà còn bao gồm cả hiệu quả xã hội như: mục tiêu an ninh - quốc phòng, vấn đề lao động việc làm, cơ cấu kinh tế, mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên; những thay đổi về điều kiện sống, lao động, môi trường; về hưởng thụ văn hoá, phúc lợi công cộng, chăm sóc y tế và quyền bình đẳng…

Đối với vốn NSNN, mục đích đầu tư thường không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà vì lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài. Do đó, đối tượng sử dụng NSNN để đầu tư là những dự án mang lại lợi ích cho toàn xã hội, có sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.

Để hoạt động đầu tư có hiệu quả, cần có chiến lược đầu tư dài hạn đúng quy hoạch (quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kinh tế - xã hội…) phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội … của đất nước. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt để xác định bước đi phù hợp với mục tiêu chiến lược, từ đó bố trí kế hoạch đầu tư cho các dự án theo ngành và theo vùng; đảm bảo cân đối, hợp lý với khả năng vốn cho phép. Chất lượng và hiệu quả những nội dung trên phụ thuộc nhiều vào việc xác định quyền hạn,

trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương trong việc ra quyết định liên quan đến chủ trương đầu tư (huy động vốn đầu tư, thẩm định và ra quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế - kỹ thuật và tổng dự toán, phân cấp quản lý và giao kế hoạch, cơ chế đấu thầu, giải ngân và quyết toán…).

Do nguồn lực khan hiếm, trong khi nhu cầu đầu tư luôn cao hơn khả năng đầu tư của nền kinh tế, đòi hỏi vốn đầu tư phải được sử dụng có hiệu quả trong từng thời kỳ nhất định. Với một khối lượng vốn ban đầu có hạn nhưng lại có thể thoả mãn tốt nhất nhu cầu đầu tư nhằm góp phần thoả mãn tối đa nhu cầu xã hội.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm hoàn thiện sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước ở tỉnh Quảng Bình (Trang 29 - 30)