Quan điểm các quốc gia về vấn đề hội nhập

Một phần của tài liệu Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 59 - 61)

- Về chính trị: Hội nhập quốc tế giúp các quốc gia tăng trưởng kinh tế từ đó khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế giúp cho việc củng cố

2.1.2.1.Quan điểm các quốc gia về vấn đề hội nhập

Hiện nay, quan điểm chung của các nước trên thế giới khẳng định hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế đang là một xu thế khách quan. Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đơn thuần là tiến hành các quan hệ giao dịch song phương mà phải bằng những hình thức cao hơn là hội nhập vào các tổ chức và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Toàn cầu hóa kinh tế dẫn đến vấn đề xem xét lại khái niệm chủ quyền quốc gia. Về vấn đề này ở Việt Nam và các nước trên thế giới có những quan điểm khác nhau.

* Quan điểm hội nhập kinh tế làm xói mòn chủ quyền quốc gia. Quan điểm này cho rằng, hội nhập kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ đối với chủ quyền quốc gia. Toàn cầu hóa đang làm lung lay cả những quan niệm truyền thống về nhà nước, vai trò chức năng của nhà nước và chủ quyền quốc gia, chủ quyền kinh tế của mỗi nước dẫn đến sự tiêu vong của nhà nước - dân tộc (nation - state) truyền thống. Điều đó được lý giải ở việc nhìn nhận với sự phát triển ngày càng cao của xu thế toàn cầu hóa, tính độc lập của các quốc gia bị mất dần, nhiều quyền lực của nhà nước bị xói mòn và chuyển vào tay các thực thể khác, đồng thời nhiều vấn đề hiện vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nhà nước đơn lẻ như vấn đề môi trường sinh thái, các luồng di chuyển vốn, các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia... Có quan điểm còn nêu ra vấn đề "Trong tương lai gần, các thể chế toàn cầu, các khối kinh tế, các công ty xuyên quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ và trong tương lai xa chúng sẽ quyết định các quan hệ

kinh tế quốc tế" và "các công ty xuyên quốc gia dưới sự bảo trợ của WTO và OECD có khả năng đứng trên các chính phủ và trở thành một "chính phủ siêu cấp", ít chịu ràng buộc và dần dần làm lu mờ chủ quyền của các quốc gia".

* Quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế là sự thực hiện chủ quyền quốc gia: Có một số quan điểm lại nhìn nhận chủ quyền quốc gia trong tiến trình hội nhập toàn cầu hóa kinh tế một cách tích cực hơn. Quan điểm này cho rằng, những tác động của toàn cầu hóa đối với chủ quyền quốc gia là khách quan và không tránh khỏi. Do vậy, các quốc gia cần phải xem lại vấn đề chủ quyền quốc gia hay nói cách khác san sẻ, hòa hợp chủ quyền với những quốc gia khác để cùng nhau giải quyết những vấn đề có liên quan đến lợi ích của chính quốc gia mình. Điều đó cũng có nghĩa là quan điểm về chủ quyền đã thay đổi và việc thông qua những thiết chế, hình thức hợp tác quốc tế, cũng chính là sự thực hiện chủ quyền quốc gia.

Những người ủng hộ các quan điểm này lập luận, sự thay đổi, tác động đối với chủ quyền quốc gia thể hiện chủ yếu ở việc lựa chọn và quyết định các chính sách kinh tế, xã hội của quốc gia. Với sự chủ động hội nhập, các chính phủ không hề từ bỏ hoặc giảm bớt quyền lực nhà nước của mình, thậm chí về một số mặt quyền lực này, nhất là khả năng thực thi quyền lực, còn được củng cố và mở rộng hơn nhờ có sự hợp tác quốc tế và kết quả của "quá trình học hỏi". Quan điểm này được minh chứng thông qua mô hình Liên minh Châu Âu (EU). * Quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế góp phần củng cố chủ quyền quốc gia. Có quan điểm đi xa hơn khi cho rằng, chính hội nhập, qua hội nhập mà củng cố được chủ quyền quốc gia. Cơ sở của lập luận này là trong thế giới ngày nay, không hội nhập thì sớm muộn sẽ lệ thuộc vào nền kinh tế nước lớn này hay nước lớn khác. Song khi đã hội nhập, trở thành thành viên của tổ chức quốc tế thì một mặt, có khả năng tranh thủ được các lợi thế của sự hợp tác, mặt khác có cơ hội đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững chủ quyền. Theo quan điểm của tác giả, hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết và việc hội nhập khu vực, thế giới là một nhu cầu khách quan của các quốc gia.

Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế chính là sự thực hiện chủ quyền quốc gia. Do đó, với việc hội nhập kinh tế mà biểu hiện đặc trưng của nó là gia nhập vào các tổ chức, liên kết kinh tế có những tác động tích cực đối với chủ quyền quốc gia, nói một cách khác, chủ quyền quốc gia có thể được củng cố và đảm bảo hơn. Đặc biệt điều này hết sức có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển [40].

Từ những quan điểm trên ta thấy hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tham gia hội nhập khu vực và quốc tế cho phép quốc gia sử dụng những cơ sở pháp lý cần thiết như chế độ tối huệ quốc (MFN); đối xử quốc gia (NT); cơ chế giải quyết tranh chấp... để đấu tranh chống bị phân biệt đối xử, chèn ép trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Tất cả các tổ chức và liên kết kinh tế quốc tế đều có những ưu đãi và miễn giảm dành cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. Tham gia vào các tổ chức liên kết kinh tế, các quốc gia cần điều chỉnh lại cơ chế kinh tế, sắp xếp, bố trí lại ngành, lĩnh vực kinh tế, sắp xếp, đẩy mạnh các cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng... qua đó tăng cường vai trò và hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước. Như vậy hội nhập quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 59 - 61)