* Với phát triển bền vững toàn cầu: Trong bối cảnh toàn cầu, tự do thương mại hóa quốc tế hiện nay, nhận thức về vấn đề tôn trọng chủ quyền quốc gia ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Nguyên tắc đã chỉ ra chủ quyền quốc gia là tối cao, là bất khả xâm phạm, khẳng định mỗi quốc gia đều bình đẳng trên trường quốc tế nên quốc gia có quyền tối cao khi quyết định trong đối nội và đối ngoại và tất cả các quốc gia trên thế giới phải tôn trọng chủ quyền quốc gia khác. Vì ngày nay các quốc gia phải chung tay góp sức giải quyết một số vấn đề quan trọng như môi trường sống, bảo vệ trái đất, sự phát triển của nhân loại nên rất cần sự đồng lòng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nếu các quốc gia không bắt tay với nhau để giải quyết các vấn đề chung của nhân loại và sự hợp tác không trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia thì các vấn đề chung rất khó giải quyết. Do vậy, tôn trọng chủ quyền quốc gia chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững của toàn cầu.
* Với việc giải quyết các tranh chấp trên thế giới và trong khu vực:
Trong thời đại ngày này vấn đề lợi ích được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, nhiều quốc gia đều hướng tới cùng một lợi ích là kinh tế và nếu các quốc gia không biết dung hòa vì lợi ích chung của nhân loại thì việc xung đột lợi ích tất yếu xảy ra. Có nhiều cách giải quyết xung đột như đối thoại trực tiếp, thông qua đàm phán, thương lượng, thông qua một tổ chức, quốc gia thứ ba nhưng đôi khi các quốc gia không tìm được tiếng nói trung chuyển từ đối đầu sang chiến tranh vấn đề sẽ trở lên phức tạp.
Liên hợp quốc bằng cách này hay cách khác luôn giúp các nước tìm thấy tiếng nói chung. Nguyên tắc tối cao của Liên hợp quốc trong việc đàm phán thương lượng là tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế đã được thể chế hóa trong Hiến chương Liên hợp quốc. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc là tôn trọng chủ quyền quốc gia và các quốc gia cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc này. Do vậy, nguyên tắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là căn cứ pháp lý trong đường lối giải quyết tranh chấp quốc tế và khu vực.
* Với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia: Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc, lãnh thổ là biểu hiện của nền độc lập dân tộc và bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia. Bảo vệ biên giới, lãnh thổ chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia chống lại mọi hình thức ngoại xâm. Vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ các quốc gia phải giải quyết trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế.
Để giải quyết những tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp về biển nói riêng, tại Điều 2.3 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia là phải giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Điều 33 của Hiến chương liệt kê những cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế chủ yếu như: thương lượng, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án và những thỏa thuận đàm phán, dàn xếp khu vực. Tất cả những cách thức giải quyết tranh chấp này phải tuân theo nguyên tắc nhất trí (đồng thuận) và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia chính là căn cứ pháp lý quan trọng để các quốc gia vận dụng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Tóm lại, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và như vậy nguyên tắc có hiệu lực với tất cả các quốc gia đã ký kết, tham gia và phê chuẩn Hiến chương. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý
nguyên tắc này còn được coi là quy phạm đặc biệt được xây dựng trên cơ sở đồng thuận của các quốc gia trên thế giới. Mặt khác, về mặt nội dung đây là nguyên tắc nền tảng của trật tự pháp lý quốc tế. Thiếu nguyên tắc này làm căn cứ cho các quan hệ quốc tế, trật tự chính trị pháp lý quốc tế sẽ bị đe dọa, trạng thái cùng tồn tại giữa các quốc gia có chủ quyền có thể bị phá vỡ. Hơn nữa, nguyên tắc còn là tư tưởng, quan điểm chính trị pháp lý cơ bản chỉ đạo làm cơ sở xây dựng và thi hành luật quốc tế hiện đại. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong luật quốc tế hiện đại, là kim chỉ nam cho mọi ứng xử trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.