Mối quan hệ của nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia với các nguyên tắc khác

Một phần của tài liệu Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 35 - 38)

với các nguyên tắc khác

Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được ghi nhận trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc ngày 24/10/1945 và được long trọng ghi trong Tuyên bố ngày 24/10/1970. Chúng có mối liên hệ trong một chỉnh thể thống nhất, 7 nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế không tồn tại một cách độc lập riêng lẻ với nhau, không phân chia theo một trật tự, giá trị pháp lý nào, không nguyên tắc nào cao hơn nguyên tắc nào, vi phạm một nguyên tắc dẫn đến vi phạm những nguyên tắc khác.

Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và cấm đe dọa sử dụng vũ lực có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau. Trong nội dung nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong hoạt động quốc tế đã bao gồm yếu tố tôn trọng chủ quyền mỗi quốc gia. Nếu các quốc gia thực hiện đầy đủ nội dung của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chính là đã tôn trọng độc lập, chủ quyền các quốc gia.

Cùng với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, với việc tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế, hiện nay cộng đồng quốc tế đang dần thừa nhận vai trò cũng như tính hiệu quả của các biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của các tổ chức quốc tế như: EU, ASEAN,

Liên hợp quốc. Việc các quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp hòa bình trong giải quyết các tranh chấp quốc tế chính là đã tôn trọng chủ quyền các quốc gia, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế chính là nền tảng cho nguyên tắc tôn trọng chủ quyền các quốc gia.

Khi quy định nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia trong những vấn đề chung, Tuyên bố năm 1970 đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy tư tưởng, kinh tế của các nước đang phát triển; đồng thời xác lập việc hợp tác giữa các quốc gia vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của họ trong quan hệ quốc tế. Liên hợp quốc không quy định các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác trong quan hệ quốc tế ở mức độ thế nào mà tùy thuộc vào chính quyết định của các quốc gia xuất phát từ tình hình thực tế và năng lực của mỗi quốc gia chính là tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia và cũng chính là tôn trọng chủ quyền các quốc gia. Hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở của chủ quyền quốc gia và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Trong bất cứ sự hợp tác nào thì vấn đề tôn trọng chủ quyền giữa các quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, không một quốc gia nào được lợi dụng việc hợp tác trong quan hệ quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác hay nói cách khác là xâm phạm chủ quyền quốc gia khác.

Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết đã thể chế hóa quyền của một quốc gia trong quan hệ quốc tế và buộc các quốc gia khác phải tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của quốc gia này. Quyền dân tộc tự quyết là một nội dung nằm trong nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Các quốc gia khác không được phép can thiệp vào quyền dân tộc tự quyết của một quốc gia có chủ quyền. Nhưng để có quyền dân tộc tự quyết thì trước hết quốc gia đó phải là một quốc gia có chủ quyền. Quyền dân tộc tự quyết chính là sự thể hiện chủ quyền của một quốc gia và các quốc gia khác tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của quốc gia chính là tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nếu các quốc gia

tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia thì quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia mới được thực hiện đầy đủ, toàn vẹn.

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác chính là một nội dung của việc tôn trọng chủ quyền quốc gia hay nói cách khác tôn trọng chủ quyền quốc gia chính là không can thiệp vào nội bộ quốc gia đó. Nếu nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia không được thực hiện một cách nghiêm túc thì chắc chắn rằng việc các quốc gia mạnh hơn tìm cách chi phối, điều khiển các quốc gia yếu hơn về kinh tế, chính trị là điều không thể tránh khỏi. Như vậy, để một quốc gia độc lập có chủ quyền thì không một quốc gia nào được phép dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp nhằm chi phối, điều khiển quốc gia đó.

Nguyên tắc Pacta sunt servanda chỉ được áp dụng đối với các điều ước quốc tế có hiệu lực, tức là đối với những điều ước được ký kết một cách tự nguyện trên cơ sở bình đẳng. Luật quốc tế đòi hỏi các quốc gia thực hiện tận tâm, có thiện chí và đầy đủ các nghĩa vụ của điều ước. Có thể nói nguyên tắc Pacta sunt servanda có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thế giới ngày nay, vì trong quan hệ quốc tế không tồn tại bộ máy hoàn toàn thực hiện chức năng cưỡng chế tuân thủ quy phạm pháp luật quốc tế, mà việc thực hiện nó phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào thiện chí và tính tự giác của các bên chủ thể. Nguyên tắc này chính là điều kiện để các quốc gia tham gia Hiến chương Liên hợp quốc phải tuân thủ các quy định trọng hiến chương và đầu tiên và trước hết là tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Việc các quốc gia tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế là cơ sở đảm bảo thực hiện nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và thực hiện chúng một cách đầy đủ, nghiêm túc trong quan hệ quốc tế.

Tóm lại, các chủ thể của luật quốc tế đầu tiên và trước hết phải tôn trọng chủ quyền quốc gia mới đến các nghĩa vụ quốc tế khác. Việc các chủ thể Luật quốc tế tuân thủ thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc

gia là cơ sở cho việc thực hiện các nguyên tắc khác và đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là những quy phạm đặc biệt được xây dựng trên cơ sở đồng thuận của các quốc gia trên thế giới, là nguyên tắc nền tảng của luật quốc tế. Vì vậy, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ quốc tế, việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Chúng có mối quan hệ khăng khít, bổ trợ cho nhau, nếu một chủ thể của luật quốc tế thực hiện nguyên tắc này mà không thực hiện nguyên tắc kia là vi phạm luật quốc tế.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)