Quản lí hoạt động hướng dẫn tự học của giảng viên

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động tự học của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường đại học hòa bình (Trang 40 - 42)

Hoạt động dạy của giáo viên mang tính quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và chất lượng dạy học nói riêng. Đặc biệt trong đào tạo theo tín chỉ, việc quản lí hoạt động dạy, chú trọng tới hướng dẫn tự học cho sinh viên là một khâu quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Có nhiều kỹ thuật để việc hướng dẫn tự học của giảng viên cho sinh viên mang lại hiệu quả cao:

Thứ nhất, xác định được phong cách học của từng sinh viên. Đây là một nội dung mà khi hướng dẫn tự học cần lưu ý và tận dụng. Phương pháp học của một người là sự kết hợp giữa cách người đó tiếp thu và tổ chức, xử lí thông tin. Có sinh viên có xu hướng tiếp thu tốt qua ngôn ngữ nói, những sinh viên này phù hợp với những giờ tư vấn của giảng viên; có sinh viên lại tiếp thu tốt hơn qua thị giác, đối tượng này phù hợp với phiếu học tập mà giảng viên giao về nhà để tự nghiên cứu;…Trong thực tế, phần lớn chúng ta bắt gặp nhiều phong cách học tập trong cùng một con người, vì vậy, những cách phân chia trên chỉ mang tính chất tham khảo, có tính tương đối và có trọng số ưu tiên khác nhau giữa những đối tượng cụ thể khác nhau. Nhưng nếu khi lên lớp, giảng viên nắm bắt được phong cách học tập của số đông sinh viên trong lớp sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc lựa chọn phương thức ưu tiên để chuyển tải nội dung dạy học.

Thứ hai, cung cấp công cụ tự học như phiếu học tập, bản đồ tư duy để sinh viên có thể tự học hiệu quả. Hướng dẫn sinh viên vẽ bản đồ tư duy, hãy khuyến khích sinh viên “cá nhân hóa” bản đồ tư duy của riêng mình vì mỗi sinh viên có cách tư duy riêng.

Thứ ba, hướng dẫn sinh viên cách ghi chép để sinh viên có tư liệu liên kết việc học trên lớp và tự học ở nhà. Ghi chép có kỹ thuật, có khoa học và hợp lí cũng tạo động lực cho sinh viên tự học ngoài giờ lên lớp.

32

Thứ tư, hướng dẫn sinh viên cách liên tưởng trong quá trình tự học. Liên tưởng giúp sinh viên nhớ được những nội dung rời rạc, đồng thời giúp sinh viên ghi nhớ những lí thuyết khó và các nội dung trừu tượng.

Thứ năm, hướng dẫn sinh viên cách đọc tài liệu trong quá trình tự học. Bắt đầu đọc bằng việc đọc nhanh, đọc lướt để tăng khả năng lĩnh hội và liên tưởng khi đọc. Đọc một cách chủ động, đọc ý tưởng, không quá chú ý đến ngôn từ, huy động càng nhiều giác quan khi đọc càng tốt. Điều quan trọng là kết hợp đọc với lập bản đồ tư duy cho bản thân để ghi nhớ nội dung sâu hơn.

Thứ sáu, hướng dẫn sinh viên đưa ra tư duy nghiên cứu khoa học vào việc nghiên cứu tài liệu trong quá trình tự học. Để có một ý tưởng khoa học phải qua các giai đoạn: thu thập và xử lí thông tin; tập hợp tri thức lí luận và thực tiễn; trăn trở và ấp ủ, từ đó các ý tưởng sẽ dần xuất hiện, cuối cùng là thẩm định và áp dụng. Khi nghiên cứu tài liệu với tư duy của nhà khoa học, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự đặt cho mình các câu hỏi: mình có thể làm gì với những điều đang nghiên cứu; những gì mình đã có so với những điều mình đang nghiên cứu và những điều này đưa đến cho mình những ý tưởng gì, thực hiện mục đích học tập nào.

Như vậy, để quản lí hoạt động hướng dẫn tự học của giảng viên có hiệu quả, nhà quản lí cần chú trọng tới các nội dung quản lí như: quản lí phương pháp dạy học thông qua quy chế chuyên môn, thông qua chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, thông qua kiểm tra đánh giá việc thực hiện mục tiêu giảng dạy của giảng viên đối với từng học phần. Đầu mỗi học kỳ, Tổ trưởng bộ môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn để thảo luận về những nội dung chuyên môn hay những vấn đề về phương pháp giảng dạy, kỹ năng tư vấn tự học, phát triển tài liệu, dụng cụ học tập, phương pháp kiểm tra - đánh giá để giúp sinh viên có kỹ năng tự học khoa học.

Nhà trường sẽ thực hiện việc theo dõi, chỉ đạo thực hiện các hoạt động hướng dẫn việc tự học cho sinh viên của các giảng viên; quản lí công tác kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của sinh viên. Nếu một trong những nguyên tắc của dạy học là cần đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò tự giác, tích cực, độc

33

lập của người học và vai trò chủ động của người dạy thì nguyên tắc này đòi hỏi phải phát huy tính tự giác, tích cực, của người học dưới tác động chủ đạo của người dạy trong mọi khâu của quá trình dạy học.

Tổ chức dự giờ, góp ý cho giảng viên để làm thế nào trong giờ lên lớp giảm thiểu cách học thụ động, ỷ lại, quá trông chờ hoàn toàn vào kiến thức mà bài học đem lại, giảm các buổi giảng bài và thay vào đó là sự hướng dẫn của giảng viên... Việc kiểm tra này cần được thực hiện định kì và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, bổ sung, điều chỉnh khi cần thiết. Nếu nói rằng tự học là biểu hiện tập trung nhất, cao nhất về tinh thần chủ động, tự giác, ý thức học tập của người học thì hoạt động quản lí cũng chính là hình thức giúp phát huy cao nhất những đặc điểm ấy của người học..

Tự học vốn là hoạt động mang tính chất tự do, tự nguyện, độc lập nhưng nếu không được hướng dẫn, thiếu sự hỗ trợ thì hoạt động này cuối cùng cũng chỉ là hoạt động đơn thuần là tự phát. Do đó việc tự học của người học cần được nhà trường đặc biệt quan tâm, giúp đỡ từ việc định hướng đến thực hiện, điều kiện thực hiện; từ việc giúp cá nhân thực hiện hiệu quả đến việc nhân rộng và phổ biến các điển hình tự học.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động tự học của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường đại học hòa bình (Trang 40 - 42)