BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN
2.1.2. Những nét vẽ về một Hà Nội trẻ quen mà lạ
Lần giở các bài tản văn của Đỗ Phấn viết về Hà Nội, hầu như lúc nào cũng thấy ông bận bịu với những trăn trở, băn khoăn về lối sống, về những gì đang diễn ra, đang làm cho Hà Nội xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên, đọc tản văn của ông, ta dễ bắt gặp các nhan đề gắn với kỉ niệm, với quá vãng nhớ nhung: Gọi tên cho đỡ nhớ; Cuối năm sực nhớ, Gọi từ ấu thơ, Gọi từ quên lãng, Màu của nỗi nhớ, Nằm ngắm hoa xưa, Nẻo xuân nhung nhớ, Ngàn năm thi cử, Nhớ nhung mưa phùn, Nhớ về quê nhà, Nhớ về cây Hà Nội… Ông bức xúc và than thở về một Hà Nội bụi bặm và ô nhiễm không khí đến rợn người. Khác hẳn với những trang văn đầy chất thơ khi thể hiện tình yêu Hà Nội. Viết về những bất cập của Hà Nội, Đỗ Phấn đã sử dụng bút pháp tả chân và giọng điệu tưởng như dửng dưng mà bộc lộ rất rõ nỗi ngán ngẩm, ê chề.
Văn phong thể hiện rất rõ con người Đỗ Phấn. Người đọc dễ hình dung ra một con người giản dị, kiệm lời, trầm ngâm, im lặng quan sát và thể hiện một cách từ tốn, hóm hỉnh trước bất cứ một sự vật, sự việc nào. Nhưng khi đối mặt với cái tục, cái xấu, cái phản cảm “những góp ý nhẹ nhàng thanh lịch theo kiểu người Hà Nội thường không có kết quả”, cho nên trong tản văn của Đỗ Phấn, rất nhiều đoạn, nhiều chỗ ông phải dùng cách nói châm biếm, vui vẻ, nhẹ nhàng mà thật thấm thía. Như khi ông nói về hậu quả của bụi đối với người dân thành phố: “Người thành phố bây giờ có tật hay ngoáy mũi. Ngồi đâu ngoáy đấy. Bôi lên thành ghế, lên cạnh bàn, lên tờ báo đang đọc. Trẻ con bôi lên áo nhau là chuyện thường, có đứa còn ăn… Về đến nhà lại đâu vẫn đóng đấy. Ngoáy…”. Những nét tao nhã thanh lịch của người Hà Nội khi xưa dường như không còn. Phố xá ngày một đông đúc, chật chội, không
khí bị ô nhiễm nặng, ngầu bụi, nên đôi khi sinh ra những tật xấu không được thanh nhã cũng là điều dễ hiểu. Đoạn văn có nụ cười hóm hỉnh của người viết nhưng sâu sắc vô cùng về tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động. Không biết người dân thành phố phải hít bao nhiêu thứ khác nữa ngoài bụi khi các nhà máy xí nghiệp thi nhau mọc lên như nấm.
Giao thông đường phố ngày trước, ngã năm là một quảng trường rộng. Chỉ lủng lẳng một đèn tín hiệu, người thưa, xe vắng, đèn vắng nhấp nháy suốt ngày, hiếm khi va quệt… Giao thông cũng như cuộc sống của người dân thành phố khi ấy êm đềm và bình dị, an toàn. Nay thì đã khác hẳn, cứ như thành phố mang bộ mặt khác: “Bây giờ đi qua ngã năm mới biết sức tưởng tượng của ngành giao thông công chính là vô bờ bến. Dải phân cách cứng mềm chằng chịt, bồn hoa uốn lượn loanh quanh, vạch sơn cho người đi bộ, rừng cột cắm các biển báo không đếm xuể và cơ man nào là mũi tên” [34, 233]. Giao thông hiện đại, nâng cấp hơn nhưng tai nạn…cũng nhiều hơn. Nước ta đầu tư không ít cho giao thông những mong sinh mạng của người dân sẽ được đảm bảo an toàn. Nhưng chính thái độ, ý thức kém của người dân đã giết chết họ. Thành phố đông đúc như nêm vậy mà trên đường phố, nhất là vào những giờ cao điểm họ quên mất phải nhường nhịn nhau, ra sức chen lấn, phóng nhanh vượt ẩu và tất nhiên va quệt, cãi cọ… Cả thành phố lúc nào cũng cấm cảu, khó chịu.
Đỗ Phấn đã sống và gắn bó với mảnh đất Hà Nội hơn nửa đời người, tuy nhiên mảnh đất này ngày càng trở nên lạ lẫm với ông. Dù là đứa con của quê hương nhưng trước sự biến đổi thần tốc ông không còn nhận ra quê hương của chính mình. Một Hà Nội trẻ vừa quen lại vừa lạ. Từng góc phố, hàng cây không còn nguyên hình hài như vài chục năm cách đây. Thành phố được mở rộng hơn, các làng xóm xưa kia nay đều là thành thị. Cảnh vật, con người, cuộc sống…mọi thứ đều đổi thay. Nếp sinh hoạt, cuộc sống bình dị, êm ả xưa kia đã lùi vào dĩ vãng. Chính vì thế mà khi đọc các tập tản văn của Đỗ Phấn, chúng ta thường bắt gặp tâm trạng lạc phố, cảm giác lạc lõng, chơ vơ giữa Hà Nội ngổn ngang trăm bề: “Quãng phố không đầy trăm mét chiều dài. Chưa hết hai tiếng rao dồng nát. Người và xe lèn
chặt… Người dâng lên như nước. Tràn sang cả hai bên vỉa hè mà đi. Đi lại trên đường không phải là một nghề. Nó chỉ phục vụ cho các nghề khác…” [35, 151].
Đó là chân dung của một Hà Nội trẻ được phác họa nhanh, ghi lại sự biến đổi thần tốc của Hà Nội vài chục năm trở lại đây. Không còn thể nhận ra Hà Nội như ông đã từng gắn bó với nó. Hà Nội đã mang một hình hài dáng vẻ khác, nhôm nhoam, lộn xộn… Thành phố Hà Nội như ông nhận xét là một Hà Nội trẻ cứ sục sạo, ầm ầm không một chút bình yên. Ngay từ sáng tinh mơ Hà Nội đã láo nháo, sồng sộc người đi lại.
Thành phố ngày một trẻ hơn với những mở mang xây dựng bất chấp những quy tắc dành cho giao thông. Người lớn tuổi đứng trên lề đường và cũng là bên lề cuộc sống giờ thấy cuộc sống vô cùng bí hiểm với họ. Họ không thể nhận ra Hà Nội của mình biến đổi như thế từ bao giờ. Mặc dù không trực tiếp nói thành lời nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra nỗi buồn ngậm ngùi của nhà văn trước những đổi thay khó hiểu của thành phố. Ông thấy thành phố thật lạ lẫm, ông chưa thể chấp nhận hình ảnh mới này nên cảm xúc nhớ thương luyến tiếc một Hà Nội xưa luôn thường trực hiện về. Hà Nội mới luôn ồn ào, tấp nập mà những lớp người như Đỗ Phấn lại cần một không gian yên bình, êm ả. Khi không thể dung hòa được với nó, cũng chưa thể chấp nhận nó, người ta thường cảm thấy buồn và có đôi chút thất vọng. Có lẽ đó cũng là tâm trạng của nhà văn khi viết nên những tập tản văn này. Ông yêu Hà Nội bình yên thơ mộng, và ông thấy mình lạc lõng trước một Hà Nội phăng phăng sức trẻ như ngày hôm nay. Giờ đây có lần kiếm khắp ngõ phố con đường cũng không thể tìm kiếm “một Hà Nội ẩn phía sau những chao chát buôn bán mặt tiền. Một Hà Nội nền nếp khuôn phép và cũng không kém phần mộng mơ sang trọng của thời quá vãng”. Tất cả đã lùi vào quá khứ nhường chỗ cho một Hà Nội trẻ huyên náo.
Thành phố ồn ào, xáo động. Nhưng tình cảm của người dân thành phố ngày càng chai sạn. Họ ít khi bận lòng với những người xung quanh, khóc thương cho ai đó lại càng không. Phải chăng cuộc sống đô thị thời hiện đại nhiều vui ít buồn? Hay con người quá bận bịu không còn đủ thời gian dành cho nước mắt? Chẳng thể nào biết được. “Chỉ thấy lâu rồi không mấy người khóc lóc. Kể cả ở đám ma trong phố cũng hiếm hoi những sụt sùi. Phe nước mắt hình như suy yếu?”. Cuộc sống cơm áo
gạo tiền, chạy đua cùng thời gian khiến họ không còn thì giờ để quan tâm người khác để mà bận lòng với người khác.
Nhờ các bài tản văn của Đỗ Phấn, người đọc được thấy lại đời sống đô thị đang diễn ra từng ngày. Trên phương diện này, so với những nhà văn như Hồ Anh Thái hay Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn là người đến sau, chính vì thế mà ông phải tìm và đã tìm được lối đi riêng của mình. Ông viết về Hà Nội với tất cả những gì đang có, đang diễn ra chứ không chỉ hoài niệm về một thành phố nên thơ, trữ tình hay chỉ vẽ những mảng màu tươi sáng về Hà Nội mà quên mất phần khuất lấp, góc tối tăm trong đời sống nhốn nháo giữa chốn thị thành. Phải là người yêu Hà Nội thiết tha, Đỗ Phấn mới trăn trở nhiều đến thế.
Đô thị ngày một phát triển dài rộng mãi ra và trở nên lạ lẫm hơn với vẻ sang trọng của những tòa nhà cao chọc trời, của những khu trung tâm thương mại sầm uất: “Những cái chợ cửa ô dần biến mất vào trung tâm để trở thành những siêu thị, những cao ốc cho thuê văn phòng. Đó là việc tất yếu. Như trẻ con thành phố học hết lớp 12 là cứ nghiễm nhiên phải lên học lớp trên” [33, 138]. Chúng ta không thể sống mãi với thời bao cấp với những mái nhà lúp xúp, lô xô như trước đây. Phát triển là một quy luật tất yếu, sẽ không ai thấy phiền lòng nếu sự phát triển ấy kèm theo cả sự phát triển về văn minh, văn hóa của con người. Tuy vậy, đọc tản văn của Đỗ Phấn và có sống trên mảnh đất thủ đô, chúng ta mới hiểu văn minh không phải lúc nào cũng đi kèm với văn hóa. Cuộc sống của con người được nâng cao về vật chất nhưng đời sống tinh thần dường như có phần sa sút. Những nét đẹp văn hóa trước đây đã bị tan loãng. Điều đó cũng lí giải vì sao một nghệ sĩ Đỗ Phấn yêu Hà Nội da diết, đắm say lại luôn cau mày, buồn bã, lắc đầu, bực dọc với những đổi thay ngang ngược đang làm cho vẻ đẹp Hà Nội héo úa, tàn phai.