Ngôn ngữ “tung tẩy”, dí dỏm, hài hước

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 84)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.1.3. Ngôn ngữ “tung tẩy”, dí dỏm, hài hước

Nếu như ngôn ngữ trầm mặc sâu lắng chạm tới trái tim độc giả, gửi gắm những tâm tư tình cảm thầm kín, khiến người đọc phải cùng ngẫm nghĩ về những nỗi u hoài của nhà văn thì ngôn ngữ tung tẩy dí dỏm, hài hước lại mang đến những tiếng cười sảng khoái, những phút giây được thư giãn thoải mái và rút ra nhiều bài học nhân sinh quý báu. Nếu chỉ sử dụng đơn thuần một thứ ngôn ngữ man mác, trầm buồn sẽ dễ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán. Nhưng đọc tản văn của Đỗ Phấn, người đọc luôn cảm thấy thích thú bởi trong đó ông đã kết hợp sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Tìm đến các trang sách của Đỗ Phấn, độc giả như được phiêu lưu tình cảm và trí tưởng tượng của mình, sống trong một thế giới cảm xúc vô cùng phong phú. Có lúc buồn, thương, lúc miên man, say sưa cùng cảnh vật nhưng cũng có khi vui vẻ, thích chí bởi những đoạn văn hài hước dí dỏm. Cũng có lúc ngôn ngữ có vẻ hài hước đó nhưng đằng sau lại là cái cười đầy chua chát, xót xa.

Khi hồi tưởng lại thời quá vãng, tác giả thường viết với ngôn ngữ pha chút buồn thương khắc khoải, tiếc nhớ về những kỉ niệm thân thương. Nhưng nhiều khi ông hồi cố lại thời khó khăn ấy bằng những nụ cười hóm hỉnh. Cuộc sống mấy mươi năm chiến tranh, căn nhà của của phần lớn người dân lúc ấy chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông. Chật chội khiến cho cả nhà hình thành tác phong sinh hoạt rất có quy củ: “Không ai dám tự tiện vung tay quá mạnh, ngáp quá to, trẻ con từ năm tuổi trở lên là ngừng đánh rắm hoàn toàn. Thần kinh vận động (tiểu não) có lẽ đã phát triển mạnh vào thời kì này…” [33, 38]. Nói về một thời khó khăn bằng giọng điệu tự trào, tác giả đã sử dụng tối đa ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ sinh hoạt để phác họa lại một cách chân thực nhất về cuộc sống lắm cảnh bi hài ngày ấy. Ngày nay nhiều nhà cao tầng, chung cư cao cấp được xây dựng khang trang, cuộc sống của người dân không còn vất vả như trước nhưng cách đây vài chục năm thì đó là cảnh chung của nhiều gia đình. Và gác xép ấy đã khiến con người ta sống theo quy củ lúc nào không biết. Mọi hoạt động đều phải hết sức kiềm chế và nhẹ nhàng. Với cách so sánh hài hước “quăng mình như lũ tinh tinh” cũng đủ cho thấy sự khôi hài của những hành động, thao tác vì hoàn cảnh bắt buộc mà trở nên tự nhiên thuần thục. Cách kể, cách tả của nhà văn không che được nụ cười hóm hỉnh. Cuộc sống có chật chội, khó khăn đấy nhưng lại được tác giả nhìn nhận trong sự thản nhiên đến nhẹ nhàng, và có phần đáng yêu là vì thế.

Phố phường Hà Nội ngày nay đủ các loại hình giao thông vận tải từ thô sơ cho đến hiện đại, nhưng ít ai dám mạnh dạn ra đường nhất là bước chân lên xe bus. Chiếc xe nghiêng ngả, lắc lư theo đường cua gấp của người tài xế cũng đủ làm hành khách xanh mặt: “Bác tài xế có gương mặt còn hơi kém từng trải nhưng tay lái tỏ ra rất già dặn. Chiếc xe vặn mình vượt qua mọi thứ nó gặp trên đường nhiều khi chỉ để…dừng đón khách! Những người đứng trên xe nghiêng ngả như lên đồng tập thể, nét mặt vô cùng trang nghiêm thành kính. Đôi lúc ảnh mắt họ như ngầm bảo nhau cố nhớ mặt bác tài để lần sau lỡ gặp còn biết mà…tránh!” [33, 75], thôi thì lại đi xe máy cho chủ động và an toàn. Vậy là: “ngày mai anh lại quyết định đi xe máy. Anh biết chắc sẽ có người cười thầm cho quyết định chẳng mấy sáng suốt này. Nhưng chả sợ! Người chưa văn minh cũng là người. Khi gặp tai nạn bác sĩ thường chỉ hỏi

đau chỗ nào, không ai dám động chạm đến việc văn minh hay dã man gì cả…” [33, 74]. Từng câu từng chữ đều mang một nụ cười dí dỏm, bông đùa, hài hước của nhà văn, cuộc sống nhờ đó mà được nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Khi nói về những bụi bặm, ồn ào đường phố, thường thì tác giả ngao ngán, uể oải; mệt nhoài gồng lên cả những con chữ. Nhưng cũng có khi ông đón nhận nó trong cái nhìn giản đơn hơn bằng cách nói trào lộng: “giữa bộn bề khói bụi, tiếng ồn và cả hiểm nguy ở những giao cắt ngã tư, không phải ai cũng có can đảm ra đường chỉ với phương tiện là…đôi chân! Chạy thì va vấp, thở thì hít vào đủ thứ trừ… không khí trong lành. Gặp người quen lại càng khổ. Chuyện trò huễnh hoãng, cả hai đều muốn tìm cách nhanh chóng chia tay…” [33, 91]. Đôi khi lắc đầu, né tránh mãi không đành, không ai có thể giam mình mãi trong bốn bức tường, cũng không ai có thể ngăn được một người khỏe mạnh ngừng đi nhất là với một người yêu thích du lịch, ngao du sơn thủy như nhà văn. Quả thực ra đường có phần ngại ngùng, e dè như nhà văn nói nhưng đó là một phần của cuộc sống phố phường không thể tránh được. Cách nói tung tẩy dù sao cũng giúp người đọc cảm thấy bớt căng thẳng hơn trong không khí vốn dĩ ngột ngạt, bức bối như ở Hà Nội.

Hay khi ông giới thiệu về món quà tặng của người bạn với vẻ đầy nghi hoặc đó nhưng cũng không quên kèm theo nụ cười hóm hỉnh: “Đây là loại bùn đặc biệt, có những vi lượng khoáng chất giúp cho làn da trẻ lại, bớt nếp nhăn (hay bớt phải suy nghĩ?) và cho bạn vẻ đẹp “Rạng ngời mà không chói lóa…” [33, 96]. Thắc mắc là một chuyện còn ông chắc hẳn cũng rất vui khi có người bạn quan tâm tới mình. Không biết người bạn đó có ẩn ý hay không nhưng có người bạn luôn nhớ tới mình như vậy cũng đủ hạnh phúc rồi. Từng câu từng chữ đều thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh, tự trào của nhà văn.

Khi được tắm tiên với các chiến hữu của mình, nhìn bộ dạng nửa che, nửa đậy ngại ngùng xấu hổ của bạn, nhà văn cũng phải phì cười: “Áo quần giày dép vứt tứ tung trên cát. Bạn khum hai bàn tau gầy guộc che vào cái chỗ trước đây đã từng là “phần nhạy cảm” làm tôi phát phì cười. Tôi biết chắc, cứ “lộ thiên” như mình bây giờ cũng chả dọa được ai huống hồ…!” [33, 109]. Níu kéo thời gian trở lại là niềm mong ước của người già. Đoạn văn nhẹ nhàng, thư giãn tâm hồn người đọc bởi tình

cảm bền lâu trong sáng của người cao tuổi. Hay khi thể hiện niềm thương cảm cho cụ Rùa ở Hồ Gươm không phải là ngôn ngữ bi ai, đau xót mà lại là những con chữ tung tẩy, trào tiếu: “Thương thay cho cụ Rùa Hồ Gươm chỉ vì có sức khỏe phi thường mà trở nên cô quả. Con cháu anh em đều đã “thăng” từ tám đời?” [35, 212].

Nhờ có những đoạn văn sử dụng ngôn ngữ hài hước như trên, chúng ta mới thấy được sự phong phú ngôn từ của nhà văn. Và tất cả các con chữ đều được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc cần thiết và đều có giá trị nghệ thuật gợi nhiều suy nghĩ, cảm xúc trong lòng độc giả. Như Đỗ Phấn từng chia sẻ ông chuyển sang nghề viết văn không nhằm mục đích để tạo ra một thứ gì đó có tính chất văn chương màu mè mà chỉ đơn giản là ghi lại những khoảnh khoắc trong kí ức cũng như ông muốn tái hiện lại bức tranh Hà Nội hiện tại với tất cả tình yêu, niềm trăn trở suy tư mà ông dành cho mảnh đất thiêng liêng này. Độc giả hãy đón nhận tản văn của nhà văn với tâm thế như vậy để hiểu và cảm được các bài tản văn của ông sâu sắc hơn, cũng như để chúng ta có thể kết nối trái tim, cái nhìn của mình với tráí tim và cách nhìn của nhà văn, và để hiểu, yêu Hà Nội với tất cả những gì chân thành nhất.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w