Những thú chơi của người Hà Nộ

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 63)

BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN

2.2.2. Những thú chơi của người Hà Nộ

Từ xưa, Hà Nội luôn nổi tiếng với những thú chơi tao nhã như: chơi hoa, chơi chim, chơi cây cảnh, đồ cổ… Ngày nay những thú chơi ấy vẫn còn. Vẫn có những người thể hiện niềm yêu thích, say mê của mình vào những nhành hoa, bóng cây…nhưng phần nhiều thì lối chơi của họ cũng đã thay đổi và có phần biến tướng.

Nói đến thú chơi của người Hà Nội, đầu tiên ta phải nhắc đến lối chơi hoa của họ. Khi gác lại những ồn ào xáo động bon chen ngoài phố, người Hà Nội lại có những phút giây được đắm mình trong những sắc hoa thắm hồng. Người chơi thì có nhiều hạng và nhiều gu thẩm mĩ khác nhau. Như Đỗ Phấn nhận xét đều có thể chia làm hai hạng: tao nhã kín đáo và trọc phú khoe của. Nếu ở Hà Nội đủ lâu người ta sẽ chuyển hẳn sang hướng chơi thanh tao, kín đáo. Bởi lẽ ở Hà Nội muốn khoe của không phải dễ. Người sành sỏi ở Hà Nội không ít và người có điều kiện về vật chất lại càng nhiều. Nếu phô phang quá sẽ trở nên kệch cỡm và làm trò cười cho thiên hạ. Chơi hoa cũng vậy. Lối chơi thâm trầm, kín đáo, ý tứ, cái đẹp đủ làm duyên cho ngôi nhà của họ là được, không cần phải khoe mẽ. Nếu muốn khoe khoang với

người đời có lẽ chọn thứ chơi khác. Những bông hoa nhỏ nhắn, xinh xắn dường như cũng chỉ phù hợp với những người nhẹ nhàng thâm trầm mà sâu sắc.

Thú chơi hoa của người Hà Nội có nhiều kiểu: hoặc mua về nhà để trang trí và thưởng lãm, hoặc ngắm sắc hoa trên những chiếc xe hoa di động trên thành phố, nếu không thì tranh thủ những dịp đẹp trời như tết đến xuân về đề ngắm sắc hoa trên những chợ hoa truyền thống: “Người Hà Nội đi chơi chợ hoa. Ngắm nhìn chọn lựa giữa tiết trời xuân ẩm ướt rét ngọt ngoài trời. Tiếng mặc cả lao nhao phả hơi nước trắng. Quyết liệt mà ôn hòa…” [35, 19]. Ngày nay, những chợ hoa vẫn còn nhưng giờ có thể mua hoa ở bất cứ chỗ nào trên đường phố Hà Nội, trong siêu thị càng nhiều. Tuy nhiên, hương và sắc hoa không còn được tinh khôi như trước và người mua cũng không nhiều. Như siêu thị chuyên hoa Tết trên bãi cát Tứ Liên trưng bày toàn “những chậu lan ngộc nghệch màu vàng ủng như hoa nhựa và mấy cây đào thế tròn xoay như cái nơm khổng lồ…” [35, 19]. Không còn chút thẩm mĩ nào trong những chậu hoa, cây cảnh như vậy. Chợ hoa bây giờ chủ yếu phục vụ mấy người già kĩ tính đi chơi chợ. Có phải người Hà Nội bây giờ đã không còn thiết tha chơi hoa như ngày trước? Không hẳn như vậy. Vẫn có những căn nhà sang trọng, lịch thiệp được trang trí bằng những bình hoa tươi thắm. Nhiều người dân ở Hà Nội chơi hoa đã trở thành một thói quen: “Hoa tươi là thứ gần như không thể thiếu trong mỗi nhà. Mùa nào thức ấy”. Trong nhà họ có thể thiếu nhiều thứ nhưng không thể thiếu những lọ hoa xinh xắn. Đây cũng là một nếp sống đẹp còn giữ được từ xưa đến nay rất đáng trân trọng và cần được giữ gìn. Thế nhưng nhìn vào cách chơi hoa của một số người Hà Nội hiện nay người ta thấy ái ngại: “…rất nhiều loài hoa mới xuất hiện đều có chung một đặc điểm: hữu sắc vô hương! Và hình như bây giờ lối chơi thời thượng là thế. Chuộng to và khỏe. Giống như “chơi đất”, chơi ô tô vậy” [33, 209]. Thành phố càng ngày càng phình to về sức người, về nhà cửa, xe cộ và thú chơi hoa cũng chạy theo xu hướng đó? Mọi thứ cứ phải to khỏe và lòe loẹt mới được chuộng: “Người Hà Nội bây giờ chơi hoa cũng hình như chuộng to và khỏe. Có lẽ hoa nếu bán cân thì sinh lợi lớn? Bông thược dược to như hoa hướng dương. Hoa trà hoa cúc cũng vậy…” [33, 156]. Tuy nhiên, vẫn còn những người yêu sắc hoa thắm nhuần, kín đáo mà dịu dàng như ông lão trong “Đỗ quyên nở

muộn”. Cất công đi tìm loài hoa đỗ quyên thuần Việt nhưng ông lão đành phải ra về tay không. Nhà văn “thương ông lẩn thẩn” và cũng thương cho lớp người yêu cái đẹp mà không được đáp lại.

Ngoài ngắm hoa, chơi hoa, khi Tết đến xuân về, người Hà Nội còn háo hức đi chơi Tết: “Cái thú đi chơi chợ Tết của người Hà Nội không biết có từ bao giờ. Chẳng biết có phải từ thời bao cấp khó khăn quanh năm không có lúc nào và cũng không có gì để chơi…” [35, 21]. Mặc dù quanh năm suốt tháng vật lộn, bon chen với phố phường nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, lòng người như được gột rửa trở nên thanh tân, háo hức hơn và dĩ nhiên Tết là phải đi chơi chợ. Dù không để mua sắm gì nhiều nhưng cũng là dịp để trí óc và con mắt được nghỉ ngơi, được thả hồn mình trong những môi cười, trong màu hồng của những nhành đào vương trên đôi má của người thiếu nữ. Một chút sắc xuân cho tâm hồn dịu lại, cho cõi lòng được thanh thản và cho gánh nặng cuộc đời như được trút bỏ.

Tết đến, những người quý chữ thánh hiền, những người nặng lòng với chữ nghĩa lại có thú vui chơi chữ. Chơi chữ là một nét đẹp “vang bóng một thời”. Phải là người có hiểu biết và yêu chữ thánh hiền mới có thú chơi tao nhã đến vậy. Người Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ được thói quen chơi chữ ngày tết nhưng thú vui cũng có chút đổi thay, biến sắc: “Góc phố Thuốc bắc dường như đã quá chật chội không đủ chỗ cho các ông đồ cả mới cả cũ ngồi vung bút…Kẻ đứng người ngồi. Lom khom nguệch ngoạc chữ thánh hiền chen lẫn ABC. Trông cứ cỏ rả thế nào?” [33, 156]. Chỉ vài nét phác họa nhanh chóng, Đỗ Phẫn đã dựng được bức tranh khôi hài về một thú chơi có vẻ tao nhã. Thầy đồ ngày nay mọc lên như nấm có thầy đồ thật và có cả những ông “đồ rởm”. Lối chơi thư pháp ngày nay không chỉ có một loại mà còn có cả thư pháp quốc ngữ. Chữ nghĩa phong phú, người viết cũng không ít nhưng tất cả đều “cỏ rả” hài hước chứ không gợi được nét trang trọng của lối chơi vốn kén người, kén thầy như nghệ thuật thư pháp.

Qua tết, người Hà Nội lại có hứng “muốn tìm một quán cà phê vắng vẻ trên đường Ngọc Hà buổi sáng. Kê ghế ngồi ngoài vỉa hè ngắm lên những cây bằng lăng trụi lá…” [35, 16]. Sau những ngày Tết ồn ào, náo nhiệt người Hà Nội lại thèm được nhâm nhi tách cà phê trên những con phố không phải để ngẫm về sự đời nhọc

nhằn, bươn chải mà đơn giản chỉ để được ngắm phố phường bình yên ít tiếng động, tiếng người láo nháo. Những cành cây trơ trụi lúc ấy còn thi vị hơn cả một bài thơ trữ tình, khiến tâm hồn con người được thảnh thơi, thư thái. Một cảm giác bình yên khó tả và khó kiếm tìm.

Ở Hà Nội còn có thú vui “tắm tiên”. Không biết có nên gọi là thú vui khi trước đây từ già cho đến lớn bé đều thích được trầm mình, bơi lội dưới dòng sông đỏ ngầu phù sa. Trẻ con đã đành vì chúng vốn hiếu động. Nhưng người già cũng không bỏ qua bởi vì “ở vào cái tuổi nhôm nhoam này có lẽ đó là một trò chơi lành mạnh hiếm hoi” [33, 109]. Người già ở thành phố thường tận dụng thời gian bằng cách dạo phố, tập dưỡng sinh, vui văn hóa văn nghệ phố phường và…cũng không nhiều hoạt động dành cho các cụ. Vậy nên để được thay đổi và gần gũi với sông nước quê hương hơn thì có lẽ đi tắm tiên là thú chơi cũng lành mạnh và đem lại niềm vui cho tuổi già.

Người thành phố có điều kiện và yêu mến các vật xưa cũ còn có thú chơi đồ cổ. Nhưng giờ những vật cổ không còn nhiều: “Những món đồ như những chứng nhân thầm lặng nghìn năm nay ngày mỗi hư hao..”, người Hà Nội cũng đổi cách chơi. Họ không chọn những đồ sứt méo, mốc meo như “dàn đồng ca méo miệng” nữa mà “trong nhà người Hà nội mới bây giờ phổ biến chơi đồ sứ Giang Tây Cảnh Đức trấn. Chau chuốt, nuột nà, tròn trịa đến thách thức?” . Nhìn vào cách chơi của người Hà Nội hôm nay mới thấy được sự đổi thay về thị hiếu thẩm mĩ, về quan niệm cái đẹp của mỗi thời. Không còn lối chơi kín đáo, coi trọng giá trị thời gian, thẩm mĩ của món đồ mà thay vào đó người Hà Nội chọn cách chơi theo xu hướng hiện đại, phô trương, khoe khoang hình thức. Tất nhiên, mỗi thời kì có sự thể hiện khác nhau, không thể áp suy nghĩ, cách cảm nhận của thời này vào thời khác, người này vào người khác, nhưng một lối chơi có phần khoe mẽ như vậy sẽ vô tình làm giảm đi độ sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn người chơi. Chỉ là một thú chơi nhưng Đỗ Phấn đã giúp người đọc nhận ra được sự thay đổi của thời gian, cuộc sống con người.

Người Hà Nội còn có thú chơi khác cũng rất tao nhã là chơi chim. Tiếng hót của những chú họa mi có khả năng thanh lọc tâm hồn diệu kì: “Mùa đông năm ấy nó bắt đầu cát tiếng hót. Những âm thanh của núi rừng hoăng vắng pha chút sầu

muộn bức bối phố phường là tôi lắm lúc như lạc vào một thế giới khác. Một thế giới của riêng mình không hẳn là vui nhưng tràn đầy hy vọng…” [33, 48]. Âm thanh chao chát của phố phường khiến con người mệt mỏi, bức bối nhưng âm thanh của loài vật khiến lòng người dễ chịu như được trở về với thiên nhiên hòa vào giai điệu bất tận của muôn vật. Tiếng hót của họa mi cũng vậy. Những thanh âm trong trẻo mượt mà của chú chim khi cất lên khiến con người như mơ như mộng miên man vào một thành phố khác mà ở đó ngập tràn niềm vui và hy vọng chứ không đáng buồn rầu thất vọng như thế giới hiện thực đang diễn ra từng ngày trong thành phố. Bên cạnh những thú chơi có phần biến chất thì âm thanh trong trẻo của những chú chim thực sự là món quà đem lại niềm vui cho mọi người.

Qua những mảng màu về cuộc sống về thú chơi của người Hà Nội, độc giả có thêm tri thức và hiểu về người Hà Nội hơn, hiểu cách họ sống như thế nào và cả khi họ nghỉ ngơi, vui chơi ra sao. Nhưng dù là khi họ hòa vào cuộc sống với vật lộn bon chen hay lúc họ nghỉ ngơi, thư giãn thực hiện những niềm đam mê, thú chơi lành mạnh, ta thấy người Hà Nội hôm nay vẫn chất chứa một nỗi ưu phiền. Dường như cuộc sống đã khiến họ mệt mỏi đến mức khi được nghỉ ngơi thư giãn họ cũng không còn chút bay bổng của tâm hồn để cảm nhận, thưởng thức cuộc sống. Gọi là thú chơi nhưng vẫn còn chút lo lắng, gấp gáp trong cách họ chơi. Tâm thế không hoàn toàn được thảnh thơi, tự do để cảm nhận hết cái hay cái đẹp, cái tao nhã mà những thú chơi đó mang lại.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 63)