Ngôn ngữ trầm buồn, sâu lắng

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 79 - 84)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.1.2. Ngôn ngữ trầm buồn, sâu lắng

Đọc tản văn của Đỗ Phấn, ta thấy những giây phút người nghệ sĩ được hân hoan, rộng mở đón nhận và ôm cả thế giới vạn vật vào lòng mà nâng niu, trân trọng rất ít. Phần lớn các trang tản văn đều thấm đượm nỗi muộn phiền, trăn trở về sự

thay hình đổi dạng của Hà Nội hôm nay. Những lúc như thế con chữ cũng như trùng xuống, trầm buồn, sâu lắng.

Hà Nội phát triển, các dãy nhà cao tầng, các tòa biulding thi nhau mọc lên, không còn mảnh đất trống trên phố phường Hà Nội. Vậy mà người Hà Nội vẫn ao ước sẽ có thêm nhưng ngôi nhà mới. Giấc mơ về nhà cửa luôn ám ảnh họ. Nhận ra điều này như một vấn nạn, Đỗ Phấn thấy người dân thành phổ thực sự rất đáng thương. Đến những giấc mơ cũng chỉ nghèo nàn đến thế: “Thế nhưng chẳng hiểu vì sao trong mơ lại vẫn cứ muốn có thêm những muộn phiền về nhà cửa như vậy? Trí tuệ sa sút đến mức không thể mơ một giấc mơ ra hồn hay là con người cũng đã mơ theo thuyết phản xạ có điều kiện của nhà bác học Pav – Lôp? Nghĩa là mơ ước mơ ngàn đời…” [34, 77]. Các câu hỏi liên tiếp được đặt ra như một niềm trăn trở, băn khoăn khôn nguôi của nhà văn. Đõ Phấn không thể hiểu nổi tại sao người thành phố luôn phải vật vã với những giấc mơ mộng mị như vậy? Tại sao họ cứ phải tự nhận lấy thêm những muộn phiền? Cuộc sống của họ chưa đủ mệt mỏi hay sao? Và đằng sau những câu hỏi ấy là một nỗi buồn, có đôi chút thất vọng và thương cảm cho những người dân thủ đô. Có lẽ nên cảm thông với họ vì sống trong hoàn cảnh của họ, biết đâu chúng ta cũng sẽ có những giấc mơ như thế. Nhất là khi luôn phải gắn mình với bốn bức tường chật hẹp cả năm cả tháng và cả cuộc đời.

Không chỉ có những suy nghĩ thay đổi mà thái độ và cách ứng xử của con người cũng dần đổi thay. Khi còn đương chức, còn làm việc với nhau thì còn niềm nở, hân hoan đón tiếp nhưng khi đã từ chức, thôi việc thì tình người, tình đồng nghiệp cũng trở nên hững hờ, lạnh nhạt: “Tất cả bỗng chốc trở nên xa lạ, hời hợt. Ông thấm thía sự nghèo nàn của đời sống công chức” [34, 81]. Người dân thành phố không chỉ nghèo về những giấc mơ mà còn nghèo cả về tình cảm, quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Người thành phố giờ đây sống lãnh đạm hơn nhiều. Họ bị cuộc sống làm cho chai sạn cảm xúc hay chính bản thân họ phải trở nên như thế để thích ứng được với thành phố đầy ngờ vực và nghi kị lẫn nhau này. Những con chữ đượm buồn cho nhân tình thế thái.

Đọc tản văn của Đỗ Phấn sẽ thấy nhà văn thường sử dụng rất nhiều từ như: buồn, thương, cô đơn, ngậm ngùi…và hàng loạt các câu hỏi luôn được đặt ra như

thể ông muốn cắt nghĩa cho rõ ràng những nỗi buồn đó. Khi nhìn thấy ngôi chợ nổi tiếng của Hà Nội – chợ Đồng Xuân với “những sạp hàng tối tăm chật chội, những cái nhìn ít thiện cảm với khách lạ, những cô gái quê ra phố phụ việc bán hàng lóng ngóng đến tội nghiệp”, thì tự nhiên những hình ảnh về “một phiên chợ quê – cái thời mua bán đổi chác đơn giản thật thà” lại quay về ám ảnh trong tâm trí nhà văn và ông thắc mắc: “Liệu có thể còn gọi là một cái chợ?” Câu hỏi ấy như để chứng minh thêm sự đổi thay và biến chất đến lạ lẫm của các loại hình dịch vụ, thương mại ở Hà Nội. Trước đây, mỗi khi đến phiên chợ ai nấy đều háo hức, mong chờ. Ra chợ người bán kẻ mua niềm nở với nhau. Mặc dù mua bán đổi chác giản đơn nhưng thật thà và dễ chịu hơn rất nhiều so với không khí tối tăm chật chội và cả cái nhìn không mấy thiện cảm của những người bán hàng ngày nay. “Tội nghiệp” cho những người buôn bán hiện tại và nhớ về một phiên chợ quê cách đây không lâu là những xúc cảm luôn thường trực trong lòng Đỗ Phấn. Và ông đã trải lòng mình như thế trên những câu chữ cũng trĩu nặng một nỗi buồn, niềm trăn trở.

Khi khác ông lại thấy thương cho những phận công chức về hưu. Họ là những người trí thức chân chính nên ngay cả lúc được phép ngơi nghỉ thì họ cũng không muốn trở thành người vô ích. Muốn làm gì đó đóng góp cho xã hội hay chí ít là cũng cảm thấy mình đã không lãng phí thời gian và rồi họ ôm ấp biết bao kê hoạch nhưng có lẽ tuổi già sức yếu nên những dự định tốt đẹp đó mãi chỉ là dự định nằm trong trí óc. Đỗ Phấn thấy “thương bạn nhưng tôi đã không dám ngăn cản “hoài bão” của anh. Ít ra vẫn còn một chỗ dựa, một niềm tin cho những người như tôi, như anh, như ai ai nữa tôi chẳng thể biết hết.” [33, 59]. Dường như có một mối đồng cảm sâu sắc giữa những người có cùng cảnh ngộ. Đỗ Phấn từng trải qua và có lẽ vì thế ông hiểu những hoài bão của người bạn và cũng thấy nhen nhóm một chút niềm vui khi người già sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Tuy vậy, buồn vẫn nhiều hơn vui vì những hoài bão đó bị hạn chế bởi tuổi già, bởi sức yếu, bệnh tật ốm đau và giá như tuổi tác có thể đếm ngược trở về tuổi thanh xuân thì tốt cho người già biết nhường nào. Câu từ như những lời giãi bày tâm can, như sự sẻ chia chân thành của những người già đáng kính.

Nhìn dòng người hối hả, chen chúc trên các con phố như dòng bụi bất tận Đỗ Phấn cảm thấy ngao ngán thay, và thương cho những con người đó ngày nào cũng chen chân, góp phần làm nên dòng sông bụi – những hạt bụi cô đơn mà không hay biết: “Thành phố càng đông người thì dường như người ta lại càng cảm thấy cô đơn. Chẳng ai còn đủ thời gian và sức khỏe để nghĩ đến mọi người. Mấy triệu nỗi cô đơn hay là mấy triệu hạt bụi người dửng dưng trên phố?” [33, 15]. Câu văn trải dài như một nỗi buồn lê thê, ngán ngao cho nỗi cô đơn của kiếp người. Tưởng rằng đông thì sẽ vui hơn, nhưng sự thật thì mỗi người là một hạt bụi cô đơn trôi dạt. Những hạt bụi đó đi cạnh nhau, nhìn thì giống như hòa vào nhau nhưng lại là những hạt bụi tách biệt hẳn với những hạt khác. Nhiều lúc đi trên đường, người sát người nhưng cũng không ai bận tâm xem ai đang đứng cạnh mình. Đi giữa một rừng người, một con sông bụi mà vẫn có cảm giác đang đi một mình. Ai cũng vội vàng, lãnh đạm không một ai mong muốn đứng lặng giờ lâu ngước mắt nhìn…khói xe và bụi người. Đi trên phố cũ nhưng chỉ bẵng đi một thời gian mọi vật có thể thay đổi không còn chút dấu vết nào ngoài tên đường, tên phố: “Hàng quán nước chè lổn nhổn trên lối đi ngày nào đã vắng bóng không biết từ bao giờ. Người cũ nhìn lâu hóa ra lạ hoắc. Anh chợt thấy buồn, dừng chân giữa phố…” [33;36]. Đoạn văn trĩu nặng một nỗi buồn se sắt. Không chỉ có cảnh lạ mà người quen giờ cũng lạ. Bước chân ngập ngừng không biết có nên bước tiếp trên con phố ấy không. Cái dừng chân sững lại như một cái giật mình bất ngờ không tin nổi vào mắt mình những gì đang tồn tại, đang diễn ra. Cảm giác tha hương có lẽ là cảm giác khó gọi thành tên của nhà văn lúc ấy.

Khi không muốn bước chân ra phố, không muốn làm hạt bụi cô đơn, nhà văn muốn tìm những giây phút thư thả trong những quán bia. Tuy nhiên, những nơi như vậy cũng không đem lại niềm vui là bao nhiêu mà chỉ thấy thấm thía nỗi mất mát: “Ngồi trong quán bia hơi không có mãi che đã nhiều năm, hôm nay bỗng ngẩn mặt lên bầu trời xanh ngắt thênh thang. Mới thấm thía nỗi mất mát êm đềm thật đáng sợ. …” [33, 20]. Từng câu chữ sâu lắng để lại dư âm khắc khoải trong lòng người đọc. Nỗi mất mát của con người nhiều khi không phải ai cũng nhận ra. Một khoảnh khắc êm đềm, bình dị được ngắm trời xanh mây trắng, được thả hồn cùng nắng, ngao du

cùng gió mây có lẽ chỉ tồn tại trong đầu óc những người nghệ sĩ hay những trang văn trữ tình mà thôi. Người Hà Nội ngày nay không còn đủ thì giờ để bận tâm điều đó. Và dĩ nhiên họ đánh mất phút yên bình mà họ không biết. Nỗi mất mát ấy có thật đáng sợ? Chỉ đến khi lẫm chẫm bước vào tuổi già, đủ thảnh thơi để suy nghĩ có lẽ họ mới nhận ra và mới thấy nó đáng sợ đến mức nào. Không thể nói những dòng suy tư trên của nhà văn như một lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người hãy biết trân quý những khoảnh khắc bình yên, êm đềm trong cuộc sống, nhưng qua đó chúng ta cũng ngộ ra nhiều điều. Từng con chữ, lời lẽ không phải đao to búa lớn, hầm hổ gì mà tựa như lời tâm tình, sẻ chia nhẹ nhàng nhưng khiến người đọc phải suy ngẫm phải nhìn lại cuộc sống của chính mình. Đó là sức mạnh của văn chương hay đúng hơn là sức mạnh của tâm hồn nghệ sĩ đã chạm tới trái tim độc giả.

Cuộc đời của con người nhiều khi lặn lội cũng chỉ mong tìm được hai chữ bình yên. Vậy nên có được những phút giây êm đềm thật đáng quý trọng, còn mất đi những giây phút đó chẳng phải cũng rất bất hạnh sao? Có một nỗi mất mát khác cũng tái tê không kém đó là mất đi những kỉ niệm tươi đẹp, không có gì đáng để nhớ. Điều đó tưởng thật buồn cười vì ai lại chẳng có kí ức, tức là sẽ có cái để nhớ. Nhưng đây là một sự thật với những đứa trẻ tương lai được sinh ra ở thành phố, bởi lẽ “chỉ ít hôm nữa thôi, gió mùa về sẽ cuốn đi tất cả những gì còn vương vấn heo may. Và cũng chẳng còn bao lâu nữa, hồ sen này sẽ biến thành đất đai để con người chen chúc chia nhau từng mảnh rời của kỉ niệm? Lũ trẻ rồi sẽ được sinh ra ở đấy. Chúng có gì để nhớ?” [33, 113]. Có thể chúng cũng sẽ có những nỗi nhớ nhưng chắc hẳn trong miền kí ức của chúng sẽ không còn hình ảnh một hồ sen sẫm màu rì rào tiếng lá khô cọ mình, không còn được cảm nhận hơi thở của đất trời cuối thu rất thật và cũng rất mong manh…

Được sống trong thành phố trẻ sôi động, được sống trong những ngôi nhà đẩy đủ tiên nghi, được làm việc trong những văn phòng chuyên nghiệp hiện đại, được làm ăn buôn bán dễ sinh lời…người thành phố nghĩ rằng mình được rất nhiều và họ không biết hoặc không muốn biết những nỗi mất mát khác. Mỗi người có quyền lựa chọn, quyết định cuộc sống cho riêng mình. Tuy nhiên, khi biết đích đến của người thành phố đơn giản chỉ là: “được bồi hồi lắng nghe tiếng chuông chùa

Trấn Quốc… Được nhìn thấy diện mạo toàn vẹn của một con phố không người. Thấy những môi cười hết dấu lo âu. Thấy lũ trẻ từng bừng đón xuân trong những bộ quần áo không phải là đồng phục. Thấy những người già thanh thản tự tin dạo bước ở bên ngoài ngôi nhà của mình…” [35, 12], ta sẽ thấy sự lao tâm khổ tứ bươn chải, vật lộn một đời của họ thật đáng thương. Họ vất vả hy sinh một đời cũng chỉ mong cầu sự bình yên, vậy tại sao lại đánh mất những điều giản dị đó trong khi có thể được tận hưởng từng phút từng giây? Tại sao phải gồng mình lên, bon chen với đời để làm hạt bụi cô đơn? Tại sao không sống chậm lại một chút để nắng gió, mây trời giúp lòng người nhẹ nhõm, thư thả? Bằng lối viết chậm rãi, ngôn từ như những lời tâm tình, sẻ chia giãi bày, khi lại sâu sắc như những lời nhắc nhở, nhà văn đã tạo ra một dư chấn trong lòng người đọc và trong lòng những ai là công dân thủ đô.

Qua đây có thể thấy, ngôn ngữ trầm mặc, sâu lắng trong tản văn của Đỗ Phấn như một thứ bột màu quan trọng trong việc phác họa chân dung Hà Nội nhiều muộn phiền hơn là niềm vui thanh thản và đặc biệt là trong việc khắc họa chân dung một nhà văn đầy u hoài, trăn trở, lo lắng trước những đổi thay của thành phố Hà Nội. Ngôn ngữ nhẹ nhàng nhưng lắng đọng chất chứa cảm xúc nỗi niềm của một người Hà Nội cũ.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w