BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN
2.1.1. Bức tranh phong cảnh Hà Nội đậm chất trữ tình, thơ mộng
Hà Nội thủ đô mến yêu, có biết bao điều muốn nói khi nhắc tới một Hà Nội thơ mộng, bảng lảng trong sương khói Hồ Tây. Đỗ Phấn yêu Hà Nội với tất cả vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Khi được thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên trong lòng thành phố là những lúc tâm hồn ông được thư thái nhất. Giọng văn, ngôn ngữ cũng mượt mà bay bổng hơn. Con mắt của một họa sĩ giúp ông nhìn và quan sát cảnh vật cũng tinh tế và nhanh nhạy hơn người khác một bậc. Từng động thái nhỏ, diến biến tinh vi của vạn vật đều lọt vào tầm nhìn của nhà văn và bị phát giác.
Trong mưa xuân, tiết trời ẩm thấp nồm nàm khó chịu, mấy ai còn thời gian để ý tới mặt người, mặt phố. Và cũng chẳng mấy ai quan tâm xuân đến tự bao giờ. Nhưng với một người nghệ sĩ thì khác. Họ nhạy cảm và tinh tế khi phát hiện ra: “Những con phố trầm mình dưới mưa bụi. Cây trứng cá ngấm lạnh từ trước Tết cháy đen những tán lá xanh cuối cùng…” [35, 14]. Xuân về, vạn vật sinh sôi nảy
nở. Dù vậy có mấy ai biết trước khi lột xác để hình thành những chồi non lộc biếc thì cây cối cũng phải chịu biết bao đày ải. Cái se sắt của mùa đông làm thân cây tái tê ngấm lạnh, chiếc lá cũng nhạt bớt màu xanh và khi cơn mưa bụi phủ xuống mặt đường, những tán lá kia như bị tạt a xít cháy đen xám xịt. Cây cựa mình muốn rũ bỏ vài chiếc lá đỏ cuối cùng nhưng lá còn vương vấn chưa muốn buông rơi. Khoảnh khắc vi diệu ấy không mấy ai để ý. Cây âm thầm chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết để khi xuân về có thể nhú màu xanh tươi mát cho phố phường. Còn chúng ta thì vô tình lướt trên những con phố ấy nhưng lại thản nhiên áo tối, thản nhiên mắt người, chỉ biết thưởng thức màu xanh mà không mấy khi để ý những gì cây đã trải qua. Với cái nhìn khi đứng ở xa khi nhìn cận cảnh, nhà văn Đỗ Phấn đã giúp người đọc nhận ra sự chảy trôi của thời gian, của cuộc sống con người.
Hà Nội nổi tiếng với những khu công viên mát rượi màu xanh cây lá, líu lo chim ca. Đỗ Phấn cảm thấy nhớ thương tiếng chim vườn Bách Thảo năm nào: “Con chim rẻ quạt chiều nào cũng về. Luồn lách trong đám lá chò tối sẫm. Cất tiếng rít khan bảng lảng mê hoặc. Tiếng hót mảnh như sợi tơ căng ra tít tắp…” [35, 62]. Có thể ví vườn Bách Thảo khi ấy giống như một khu vườn cổ tích. Chim chóc, muông thú có thể tự do bay nhảy, rộn ràng tiếng ca. Nghe thấy tiếng hót của con chim rẻ quạt mà có thể hình dung ra độ mỏng mảnh như sợi tơ của nó thì chỉ có ở đôi tai người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ ấy đã lặng mình lắng nghe mà hình dung, tưởng tượng, và nghiêng mình thưởng thức vẻ đẹp bình yên chốn trần gian. Không gian mở rộng khoáng đạt, lòng người cũng được thư thả, thảnh thơi. Những câu văn lướt êm, mượt mà như nhung lụa góp phần tạo dựng bức tranh sinh động như chốn thần tiên.
Cũng có khi xuân đỏng đảnh, thời tiết sắp sang hè mới chịu tràn về mọi nẻo. Mùa xuân khi ấy như mang tâm lí của một con người cũng biết bẽ bàng xấu hổ khi tới trễ: “Khi cái nắng đã chao chát trên những lộc non báo hiệu mùa hè. Chẳng hiểu vì sao lòng người bỗng rộn ràng đến thế. Òa thức cùng với xôn xao lá cành. Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu. Những chiếc lá non đu dưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch...” [35, 65]. Ngòi bút của nhà văn thật
khéo léo khi phác họa thành công khoảnh khoắc linh diệu của đất trời. Dưới cái nắng dịu dàng, hàng cây bồ đề tạo thành một khoảng trời trong veo cao vời vợi. Từng chiếc lá khẽ đu đưa như có tiếng chuông chùa từ chốn xa xăm vọng về. Không gian hư huyền tựa chốn tiên cảnh. Giọng văn mượt mà, giàu hình ảnh, giàu sức gợi dẫn dắt hồn người đọc tới cõi bồng lai nhẹ nhàng, thanh tịnh. Cuộc sống ngột ngạt, xô bồ nơi phồn hoa đô thị tìm được những giây phút như vậy thật đáng trân trọng. Mùa xuân đến muộn đôi khi không phải do cái tính đỏng đảnh, làm duyên mà còn do mùa hè đã gấp gáp, hối hả tìm đến sớm. Khi xuân chưa kịp tới thì nắng đã hoe vàng, hong mình trên khắp con phố “Mùa hè đột ngột đến giống như mùa xuân vừa vội vã dứt áo ra đi. Phố xá chưa kịp nhuốm màu xuân mưa bụi, nắng đã hoe hoe vàng. Đàn kiến lửa ở mảnh sân sau hung hăng rời tổ lùng sục kiếm mồi. Con cóc nhỏ chống cao chân nghiêng ngó hân hoan từ sáng đến giờ bên chiếc bể cảnh gắn non bộ”. [35, 78]. Xuân sang mưa bụi sụt sùi, ít loài vật nào dám ra ngoài trong tiết trời ảm đạm đó. Chỉ đến khi ánh nắng soi chiếu hong khô mặt đất, những loài yếu thế như cóc kiến mới hùng dũng bước ra khỏi tổ kiếm mồi. Khả năng phát hiện và ngòi bút miêu tả của Đỗ Phấn thật tinh tế. Đọc những câu văn trên, ta dễ liên tưởng tới ngòi bút miêu tả thế giới loài vật phong phú của nhà văn Tô Hoài. Bức tranh thiên nhiên sống động giàu hình ảnh, màu sắc hiện ra trước mắt người đọc. Thật khó để nhận biết điều đó nếu ta không dành một chút thời gian nhẫn nại với phố phường và một tâm hồn rộng mở đón nhận cuộc sống.
Đầu hạ, thời tiết chưa thực khắc nghiệt, vẫn có thể thấy chút nắng gió thênh thang trên các nẻo đường, trên môi cười và trong cả những nụ hoa. Vào những khoảnh khắc xen mùa, nếu để ý kĩ một chút, chúng ta sẽ nhận ra những thay đổi kì diệu của tự nhiên, cuộc sống. Tất cả thật nên thơ, đáng yêu. Mùa hạ cũng có những phút giây thật đẹp, thật quyến luyến đó là khi đất trời dịu lại, chút nắng mong manh se lại vì một cơn gió mùa chợt ghé tới. Gió cũng như được ngao du cùng đất trời, mặc sức thênh thang vương mình neo đậu trên môi cười, hoa đẹp. Những cơn gió như được tháo cũi, sổ lồng tỏa đi khắp ngả. Lòng người gửi gắm theo gió cũng thư thái, khoáng đạt hơn: “Tháng Tư, bỗng gió mùa. Chút nắng mong manh vừa chớm
chập chờn trên cây lá đã lắng lại. Se lòng. Thênh thang gió đậu trên những môi cười. Hoa loa kèn ùa ra những nụ xanh rung rinh phố nắng” [35, 88].
Cuộc sống chốn thị thành luôn ồn ào xáo động. Vì những bon chen, vật lộn mà con người buồn phiền lo lắng nhiều hơn là hoan hỉ tươi cười. Những giây phút được nghỉ ngơi thư giãn, được thả hồn mình vào thiên nhiên khoáng đạt là những phút giây đáng quý trọng đối với người thành phố. Từng khu vườn, công viên ghế đá, bờ hồ thường là nơi lựa chọn tốt nhất để họ cởi bỏ những muộn phiền trong lòng: “Mình và bạn lững thững đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào lúc chín giờ sáng. Những chùm hoa Vô ưu trĩu nặng bừng nở sắc vàng cam chói sáng trong vòm lá xanh như điệu múa của con kì lân sặc sỡ ngày hội. Muộn phiền tan vào khoảng trời hanh nắng trắng rộn ràng ngọn hoa…” [35,93]. Ngòi bút miêu tả và sức tưởng tượng của nhà văn thật phong phú. Vạn vật tưởng như vô tri vô giác, hữu hình nhưng vô tình như bông hoa Vô ưu kia lại rực rỡ chói lòa, diệu kỳ đến vậy. Những nỗi buồn chất chứa bấy lâu đều theo tên của loài hoa sống động đó mà tan vào hư không. Vô ưu – không lo lắng buồn phiền. Tên hoa như hữu tình hữu ý chứ không hẳn vô tình như ta thường nghĩ.
Trong tản văn của Đỗ Phấn, thường xuất hiện hình ảnh của nhân vật “tôi” rất thích mưa. Và dù là mưa bụi hay những cơn mưa rào khi được phác họa dưới ngòi bút của Đỗ Phấn, tất cả đều có sắc thái chứ không hẳn là một hiện tượng của thời tiết, tự nhiên. Ông có biệt tài miêu tả những cơn mưa và những biến đổi thần diệu của đất trời. Từ khi hình thành cho đến khi trút nước xuống nhân gian, cơn mưa đều được con mắt của người nghệ sĩ quan sát tỉ mỉ không bỏ qua một chi tiết. Từng quầng mây đen vần vũ kéo đến báo hiệu một cơn mưa nặng hạt sẽ ập tới, phố xá cũng trễ nải hơn mọi khi. Bắt đầu là: “Bầu trời xám xịt. Cồn cào mây. Tan tầm chiều, phỗ xá trễ nải cựa mình…”, sau đó cơn mưa cũng ấp tới “Cơn mưa tầng thấp đã sà xuống trên mái phố. Thinh không oi ả sẫm. Những con chuồn chuồn ớt bạc màu tao tác quay vòng ngay sát mặt người...” [35, 104]. Từng đợt mưa trút xuống hối hả, gấp gáp như lá của trời. Mưa khến cho mọi hoạt động trong lòng thành phố dừng lại và như thể làm ngưng đọng cả thiện ác bon chen so bì của đời thường.
Mưa rửa sạch bụi đường thành phố, rửa sạch cả bụi trong lòng người. Đỗ Phấn viết về mưa giàu xúc cảm như một người nhạc sĩ đệm đàn cho một bài hát hay. Đọc những bài viết về thành phố dưới mưa, ta thêm yêu hơn những cơn mưa bụi khi xuân sang. Bởi lẽ chỉ khi có mưa thành phố mới có sự bình yên trân quý. Không gian phủ sương mờ tựa lớp nhung mịn màng. Vạn vật như được ngưng kết, im lặng đến lạ kì. Trong màn mưa mờ ảo, thành phố khoác trên mình chiếc áo bàng bạc tím. Dòng người cũng nhòe mờ dưới lớp mưa mù… Tất cả trở nên thi vị và hữu tình hơn trong con mắt của nhà văn mỗi khi mưa xuống.
Sau cơn mưa thường sẽ xuất hiện cầu vồng lung linh màu sắc. Gặp cảnh đẹp, chiêm ngưỡng sắc màu của tự nhiên cũng làm cho lòng người hân hoan, rộn ràng hơn: “buổi sáng thức dậy, cơn mưa lớn vừa dứt. Một cầu vồng bảy sắc bất chợt hiện dần lên trước khung cửa sổ. Anh say sưa ngắm nhìn, lòng hân hoan như ngày mới lớn…” [33;19] Cầu vồng như chiếc cầu nối gắn kết hồn người hòa hợp với thiên nhiên. Khoảnh khắc diệu kì đó thật hiếm hoi nên khi nó xuất hiện tâm trạng con người cũng háo hức hơn. Những khao khát thầm kín của người thành phố đôi khi cũng thật giản đơn, niềm vui của họ không phải là cái gì đó quá lớn lao mà chỉ là được hít khí trời trong lành, được ngắm nghía cảnh đẹp của thiên nhiên và thả hồn mình vào trong đó.
Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất ở Hà Nội. Thu quá đỗi ngọt ngào, hữu tình. Cái nắng vàng sóng sánh như mật vàng vương tỏa khắp các con đường, đậu cả trên những cánh hoa rực rỡ khiến ai cũng phải xao lòng: “Cuối thu, nắng trải vàng như mật trên tán cây phượng vĩ sắp đến kì buông lá. Hoa mẫu đơn tràn vào phố trên những chiếc xe đạp len lỏi khắp mọi ngóc ngách, đỏ rực như những chùm pháo hoa” [34, 168]. Sắc màu của những chiếc xe hoa làm dịu bớt cái ồn ào xáo động của thành phố. Thiên nhiên dịu dàng để phố phường cũng như được nghỉ ngơi, thư thả. Đỗ Phấn cảm thấy thật khó lòng bỏ qua những phút giây bình yên hiếm hoi ấy, nên ông cố gắng kiếm tìm, cố gắng trân trọng.
Thành phố lên đèn, mặt phố trang hoàng những ngọn đèn rực rỡ sắc màu. Đẹp đấy nhưng có phần giả tạo và gượng gạo. Muốn phiêu bồng với trời mây cho
vơi đi nỗi nhọc nhằn bươn chải phải đến “báu vật” Hồ Tây. Ánh sáng của trăng, luồng sáng của thiên nhiên lướt trên mặt hồ êm ả mới có thể làm ta quên đi nỗi buồn phiền chốn nhân gian: “Ánh trăng bồng bềnh miên man, dẫn dụ làm người đi quên mất rằng đang tiến gần đến bóng tối của phần thành phố mới mở phía tây. Trăng dịu dàng lặn xuống. Chỉ để lại vấn vương trên những lùm cây xa tít một vài đốm sáng lung lay nhung nhớ. Mặt hồ tím biếc dần hiện rõ. Đằng đông, ánh nắng đã xôn xao trên những ngọn xà cừ chót vót xanh…” [35, 227]. Trăng luôn có sức dẫn dụ kì lạ. Dưới làn nước lăn tăn sóng, ánh trăng bồng bềnh hư ảo. Trăng lan tỏa xuống mặt nước, nước quyện hòa, ôm ấp ánh trăng. Khi trời gần về sáng, trăng dịu dàng lặn xuống mặt nước. Sắc vàng dịu nhẹ của trăng nhạt dần nhường chỗ cho ánh nắng xôn xao của ngày mới. Có thể coi đoạn văn trên là bản tình ca lãng mạn về trăng và nhà văn Đỗ Phấn lúc này là người nghệ sĩ giàu có nhất. Không chỉ giàu có về vốn từ, khả năng biểu đạt các con chữ mà ông còn giàu có về những xúc cảm nghệ thuật trong việc khắc họa bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình.
Hà Nội còn gắn liền với con sông Hồng phù sa bồi bãi. Dòng sông cũng như một sinh mệnh biến đổi theo từng mùa: “Tháng chạp mùa nước cạn, dòng sông loáng bạc lờ lững trong sương sớm. Không còn gương mặt đỏ ngầu trong giận dữ sôi réo mùa lũ, con sông hiền từ lách mình qua những doi cát đỏ phù sa…” [33, 88]. Khi vào mùa nước cạn, con sông cũng trở nên hiền từ và thơ mộng hơn. Dòng sông lấp lánh ánh bạc lững lờ trôi trong sương sớm là một hình ảnh tuyệt đẹp khi đặt cạnh bức tranh nhốn nháo ngày thường của phố phường Hà Nội. Nếu mùa lũ con sông sôi sục ngầu đỏ giận dữ thì khi mùa nước cạn về lại hiền lành đáng yêu như thiếu nữ Hà Thành năm xưa. Hai bên bờ giờ đây được trồng thêm những vườn đào thắm sắc tăng thêm sự hấp dẫn của dòng sông. Con sông quê hương, con sông in dấu một thời thần tiên của nhà văn, nên ông viết về nó với tất cả tình yêu, lòng tri ân của một người con. Sông Hồng không chỉ là con sông gắn liền với tuổi thơ của nhà văn mà còn là linh hồn của mảnh đất thủ đô, đại diện cho con người nơi đây: “Gió sông Hồng bốn mùa quấn quýt như tính khí người con gái đất kinh kì. Chẳng mấy khi nồng nàn bỏng cháy nhưng cũng chưa bao giờ hờ hững xa xôi. Chợt nghĩ,
phải chăng đó chính là di tích nguyên vẹn bền vững nhất của Thăng Long ngàn năm?” Với lối so sánh độc đáo, nhà văn đã gợi lên được đặc trưng của dòng sông: luôn luôn quấn quýt, giao hòa, e ấp như thiếu nữ Hà Thành. Người con gái ấy thanh lịch dịu dàng, chẳng mấy khi nồng nàn cháy bỏng nhưng cũng chưa bao giờ hờ hững vô tình. Cái duyên của sự ý nhị làm nên sức hút đặc biệt, để lại bao nhớ thương cho những ai từng biết tới. Mỗi khi viết về dòng sông quê hương, tác giả đều dùng những mĩ từ giàu sức gợi nhất để miêu tả, ngợi ca nó. Tuy nhiên, sống trong lòng thủ đô, Hà Nội là quê hương duy nhất của Đỗ Phấn vậy mà tác giả lại luôn nhung nhớ nó. Không xa mà nhớ phải chăng đó là tâm trạng của một người đa sầu đa cảm, của một trái tim giàu tình yêu thương?
Khi những cơn gió mùa tràn về khắp nẻo hanh hao, tê buốt báo hiệu một mùa đông giá lạnh đã tới. Trong cái tê lạnh của mùa đông, mọi vật như đang co mình lại, bóng cây hao gầy chỉ còn trơ trọi vài lá trên cành: “Mùa đông đến. Chỉ còn nmột chiếc lá chín đỏ trên cành. Dòng người bình thản dẫm lên xác lá, bóng của họ nhạt nhòa trong lao xao mỗi bước.” [34,27]. Vẫn là cái nhìn quan sát tỉ mỉ và tinh tế, nhà văn đã phác họa những nét gợi thật đúng thần thái của mùa đông. Thời tiết hanh hao, cảnh vật tao tác và con người bình thản dẫm lên từng xác lá để rớt lại những tiếng lao xao, man mác. Đọc tản văn của Đỗ Phấn người đọc sẽ thấy điểm chung của những bức tranh thiên nhiên mà nhà văn khắc họa là sự tĩnh lặng. Nếu có âm