Hà Nội hồn nhiên ẩm thực

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 68 - 70)

BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN

2.3.1. Hà Nội hồn nhiên ẩm thực

Nếu như trước đây Hà Nội nổi tiếng với văn hóa ẩm thực trang nhã, độc đáo, cầu kì, thì ngày nay những nét đặc sắc đó có phần phai lạt, nhường chỗ cho những bữa ăn cấp tốc, nhanh gọn và có phần ồn ào. Trong bàn tiệc: “Đồ ăn được dọn ra nhanh chóng. Thịt ngan luộc nóng hổi bày cạnh những cọng hành trần xanh biếc trông thật mộc mạc hấp dẫn…” [33, 52]. Có vẻ như người Hà Nội cũng chăm chút cho từng món ăn đấy, hình thức thì bắt mắt, hấp dẫn nhưng chất lượng thì còn phải xem lại, ngon mắt nhưng chưa chắc đã ngon miệng. Một món ăn được gọi là ngon khi nó phải đạt chuẩn từ hình thức đến chất lượng. Ngon từ khâu chế biến đến cách thưởng thức. Những bữa tiệc theo phong cách cung đình có vẻ sang trọng, vậy mà khi ăn thì vô vị “chả lấy gì làm ngon”. Thức ăn, đồ uống cứ hồn nhiên bày ra ngập bàn và các thực khách thì cũng cứ vô tư hò hét, chúc tụng không quan tâm lắm đến hương vị của món ăn.

Hà Nội nổi tiếng với biết bao món ăn giờ đây lại có thêm những đặc sản của vùng miền Ba Vì như bánh tẻ. Mác Hà Nội nhưng chất lượng xem ra gửi lại ở Ba Vì. Thưởng thức những chiếc bánh ấy mà “nghẹn ngào” khó nuốt trôi: “Và bánh tẻ thật buồn như tên gọi. Làm gì có mùi thơm gạo lức quyện với hành phi mỡ lợn như ở chùa Mía? Bột dẻo phát nghẹn như đất sét quánh. Đến cái lá chuối khô gói bánh cũng non già lẫn lộn…” [33;128]. Nhìn cô gái bán hàng dịu dàng, khoan thai cắt từng miếng, khách hàng háo hức chờ đợi được thưởng thức một món ăn ngon, được cảm nhận sự duyên dáng của người con gái, của người chế biến hòa trong mùi thơm của chiếc bánh. Nhưng sự thật khiến thực khách phải thất vọng. Ăn chiếc bánh vô duyên hết thảy. Chỉ nghe cách nhà văn tả kể lại cũng đủ làm người đọc cảm thấy ngao ngán về món ăn tưởng chừng cũng cuốn hút như người bán.

Nhắc tới ẩm thực Hà Nội không thể không nhắc tới những hạt cốm thơm dẻo của làng Vòng. Nếu như đọc “Một thứ quà của lúa non: Cốm” của Thạch Lam, ta được biết cốm là món ăn tinh hoa của đất trời, của lòng người Hà Nội. Thạch Lam đã dành cả tấm lòng trân trọng và thành kính của mình khi nói về thứ quà này. Bởi nó là món ăn cao quý và thanh tao. Từng hạt cốm được kết tinh chất quý trong sạch của trời, của hoa màu đồng nội. Còn khi đọc những trang văn của Đỗ Phấn ta biết thêm một sự thật về những gánh hàng cốm ngày nay, ăn hay không phải cân nhắc kĩ càng: “Dạo vài bước trên phố vào lúc sáng sớm chợt bắt gặp cô hàng bán cốm dạo. Đèo hai thúng cốm bằng chiếc xe máy lấm lem bùn đất đến độ không còn biết được trước đây nó đã từng màu gì. Cạnh thúng giắt một mớ túi ni – lông xanh đỏ các màu…” [33, 165]. Còn đâu nét tao nhã, thanh khiết của món ăn nức tiếng một thời? Ngày nay, vì lợi nhuận kinh doanh, nhiều người còn bất chấp trộn phẩm màu vào để hạt cốm có màu sắc đẹp hơn. Những món ăn như vậy vô tình đã đánh mất thương hiệu, niềm tin vào nền ẩm thực ngày nay. Muốn được thưởng thức hương vị của đồng nội, thứ quà của lúa non, người ta chỉ có thể lần tìm trong sách vở, văn chương. Thật đáng buồn!

Khám phá Hà Nội, nhất là vào các buổi sáng ta sẽ thấy có rất nhiều hàng xôi được bày bán. Đủ các loại xôi. Duy chỉ một điều, xôi ở Hà Nội “không còn mấy những hàng xôi đúng phong vị ngày xưa…” [35, 311]. Thời đại công nghiệp hóa nên mọi thứ đều được làm một cách công nghiệp. Các món ăn ít được đầu tư và gửi gắm tình cảm của người chế biến vào trong món ăn thì càng không. Khách hàng cũng không còn đủ thời gian để thưởng thức hương vị của nắm xôi nếu có. Nhiều người ăn xôi mục đích không phải tìm lại hương vị của đồng nội mà cốt chỉ để thỏa mãn nhu cầu của dạ dày cho kịp giờ đi làm.

Hà Nội còn có rất nhiều những quán ốc, và những món liên quan tới ốc. Mặc dù ở Hà Nội ngày nay ao chuôm không còn nhiều nhưng không vì thế mà số lượng ốc lại ít đi. Và dường như món ốc cũng thu hút được rất nhiều người nhưng như cách nói của Đỗ Phấn: ăn uống cho đỡ nhớ là chính chứ cũng chẳng lấy gì làm ngon và cũng chẳng hơn ốc nhà là mấy: “Vài năm sau nữa cho đến tận bây giờ đã có thêm rất nhiều hàng đặc sản ốc trên mạn Hồ Tây. Ốc được chế biến ra hàng chục

món… Chỉ khác ăn ốc nhà ở chỗ không phải đổ vỏ. Cái đặc sắc nhất ở vùng này không phải là ốc mà là tên quán” [35, 307]. Điều làm nên tên tuổi của một quán ốc không phải ở chất lượng mà là ở tên quán. Thật trớ trêu cho nền ẩm thực của thành phố ngày nay.

Văn hóa ẩm thực của Hà Nội hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú nhưng những món thực sự đáng ăn, đáng để thưởng thức thì không nhiều.Tuy nhiên, để đáp lại công sức của người chế biến, người Hà Nội vẫn hồn nhiên ăn uống, vô tư ủng hộ. Các món ăn dù không có chút hương vị gì nhưng cũng được bầy bán tràn lan để đáp ứng nhu cầu và để chứng tỏ văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng sinh động không thua kém bất cứ vùng miền nào. Qua các nét phác họa của Đỗ Phấn, người đọc thấy Hà Nội cũng thật nhiều kiểu dạng: sang trọng lịch sự cũng có mà lếch thếch, nhôm nhoam cũng nhiều, và trong tim của mỗi người lại có một Hà Nội riêng cho mình.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w