Vị trí của Hà Nội thì không có tuyết

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 33 - 35)

Khi chuyển từ nghề cầm cọ sang nghề cầm bút, cái nhìn tinh tế, quan sát kĩ lưỡng của một họa sĩ vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ trong cách viết tản văn của Đỗ Phấn. Đây là một thế mạnh và cũng là “vốn liếng” khi ông gắn đời mình với nghiệp văn chương khó nhằn. Con mắt của một họa sĩ giúp ông phát hiện và cảm nhận sự vật,

sự việc một cách nhanh nhạy, thấu triệt hơn. Những chi tiết, hình ảnh và các sắc màu…tất cả được vẽ bằng chữ nghĩa giàu màu sắc như một bức tranh hội họa. Ông thường day dứt về một Hà Nội xưa đã phôi pha những vẻ đẹp êm đềm, bình dị, và trăn trở về một Hà Nội ngổn ngang trăm bề như hiện tại. Tản văn Hà Nội thì không có tuyết vì thế thường đan xen những xúc cảm xáo trộn, có lúc cồn cào nỗi nhớ nhưng cũng lắm khi bực dọc, khó chịu. Số lượng hơn chín mươi bài tản văn của ông trải theo chủ đề bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Mỗi mùa một nỗi nhớ, một kỉ niệm riêng gắn với từng con đường, góc phố Hà Nội. Bốn mùa thương nhớ, trọn năm nặng lòng với mảnh đất thân yêu. Một tập tản văn hơn ba trăm trang cho thấy sức viết đáng kinh ngạc của một họa sĩ, người đã chọn nghiệp viết như một công việc chuyên môn, góp vào bên cạnh những cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn một giọng điệu nhất quán, chừng mực mà chứa đầy triết lí nhân sinh.

Nói về mùa xuân là ta nghĩ ngay đến Tết cổ truyền của dân tộc. Trong tâm thức của người Việt Nam, tết đến xuân về là thời khắc thiêng liêng chuyển giao sang năm mới hòa với không khí ấm áp đại đoàn viên của gia đình. Nhưng để có thể tái hiện lại được không khí ấm cúng, hạnh phúc ấy bằng những tác phẩm nghệ thuật không phải là điều mà ai cũng làm được. Đỗ Phấn chẳng ngại ngùng, e dè mà chia sẻ một cách thành thực với cái nhìn của một chuyên gia trong ngành: “họa sĩ đương đại rất ít người vẽ về không khí tết cổ truyền ở thành phố, hoặc có thì cũng hồi cố; vẽ lại những cảnh hội hè tết nhất nông thôn với hình ảnh cây nêu, cờ, phướn, đánh đu, chọi gà. Giả và gượng gạo” [35, 53]. Mùa Hạ là mùa của những cơn mưa bất chợt, sầm sập kéo đến rồi lại tan biến nhanh chóng. Nhưng mỗi lúc như vậy, được đầm mình dưới cơn mưa mát lạnh thì con người ta mới quên đi những bức bối tích tụ bấy lâu; mưa còn đem lại cơ hội buôn bán nho nhỏ cho một số người: “Rất vô tình, bạn cũng như tôi là người rất thích mưa. Hai đứa cứ như thế đội mưa phóng thẳng mặc cho những nhà mặt phố ven đường chèo kéo bán áo mưa gọi đến lạc cả giọng… Không chỉ chúng tôi và những người bán áo, càng ngày càng có nhiều người thích mưa. Mỗi người một lí do cứ mưa là biết” [35, 170].

Viết về Hà Nội một thuở, ông nhớ lại những tháng ngày thơ ấu tươi đẹp được chơi đùa trên triền đê rộng dài xanh mượt cây cỏ: “Con đê Nam Hồng, đoạn đi qua thành phố những năm 60 thế kỉ trước là một dải đất cao xanh rì cỏ. Nó như một sợi chỉ mềm mại làm ranh giới giữa thành phố và ngoại thành… Lũ trẻ trong phố ngày nghỉ tìm ra bờ đê đổ dế, bắt cào cào. Tìm cỏ gà chơi chọi. Xuống chân đê đào lên những cục đất sét mịn màng về chơi pháo tập tang…” [35, 231]. Có lúc ông còn được thả mình trên những con dốc thân thương, được cùng bạn bè truy tìm những chú ve mỗi buổi trưa hè... Những câu văn lướt êm như một làn gió thu nhưng để lại bao nhung nhớ trong lòng. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hồn hậu làm sống dậy cả một vùng kí ức tươi đẹp năm xưa. Hà Nội thì không có tuyết nhưng lại có những hạt băng của nỗi nhớ, của kỉ niệm, của nỗi niềm thầm kín sẽ đọng lại mãi trong tâm khảm của người nghệ sĩ Đỗ Phấn.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w