Cuộc sống bộn bề, gấp gáp hối hả trong guồng quay đô thị hóa

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 59 - 63)

BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN

2.2.1. Cuộc sống bộn bề, gấp gáp hối hả trong guồng quay đô thị hóa

Hà Nội – thành phố trẻ, thành phố của những gì diễn ra tốc lực nhất. Cuộc sống của con người cũng cuốn phăng theo cơn lốc đô thị từ bao giờ. Người Hà Nội xưa sống ôn tồn, lặng lẽ, còn người Hà Nội nay cũng chao chát, chỏng lỏn, cấm cảu như ai.

Đất kinh kì là nơi dễ làm ăn buôn bán, hoạt động thương mại có phần phát triển hơn các vùng khác. Nhưng thái độ của những người bán hàng ngày nay thì có lẽ không còn được ôn tồn, lịch sự như trước. Có lời lẽ ngọt ngào mời chào và cũng có cả những lời nói thật mỉa mai, cay đắng. Mùa hè trời nắng chói chang, người dân thành phố giờ có thói quen mặc áo chống nắng ra đường. Theo như nhận xét của Đỗ Phấn chiếc áo đó không chút thầm mĩ “thùng thình như áo đi mượn”, nhưng ai cũng cố gắng mua một cái để bảo vệ làn da, sức khỏe của mình. Những người không muốn giống ai, muốn là một cá nhân độc đáo, họ thấy ngại khi mặc những chiếc áo như vậy, nhưng không mặc áo chống nắng cũng có cái phiền: “Không phải phiền vì nắng. Đi bộ qua những phố bán quấn áo, chị đã bị mời chào từ lịch sự đến thô lỗ: “Mua cái áo này mặc cho đỡ nắng đi em! Kìa nước da làm sao thế? Ăn diện thế kia mà nghèo…” [34, 8].

Không ai có thể phủ nhận sự lên ngôi của các loại hình dịch vụ trong thành phố. Nhờ có dịch vụ tốt mà cuộc sống của người dân cũng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, có một số loại dịch vụ đã trở thành căn bệnh nguy hiểm khiến người dân phải khốn đốn như bệnh viện dịch vụ: “không có “dịch” nào lan nhanh bằng “dịch vụ”. Nghe nói còn lan cả vào bên trong…nhà tù, nhưng vẫn chưa buồn cười bằng ở môi

trường y tế. Nơi được sinh ra để dập tắt các loại dịch…” [34, 14]. Bệnh viện là nơi để dập tắt các loại dịch giờ đây nghiễm nhiên trở thành môi trường tốt để bệnh dịch vụ lan tràn. Có cầu mới có cung. Chính vì tâm lí muốn được phục vụ tốt nhất trong lúc cơn đau bệnh tật nên mới có các loại hình dịch vụ dị đản xuất hiện. Và cũng chính vì những loại hình đó mà khiến cho không ít người cảm thấy khốn cùng, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo.

Trong thành phố, cuộc sống chỉ trong một phường nhỏ cũng có biết bao điều bất cập xảy ra. Với cách viết mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng, Đỗ Phấn đã nêu lên một hiện tượng khá phổ biến ở thành phố hiện nay: sự “biết điều”. Sống ở nơi bon chen, chật hẹp mọi người biết điều với nhau là một điều rất đáng quý. Người người nhường nhịn nhau, chia sẻ với nhau, cuộc sống sẽ dễ chịu biết mấy. Nhưng xem ra câu chuyện không đơn giản như vậy. Và dĩ nhiên sự “biết điều” ở đây cũng phải hiểu theo nghĩa khác. Nó không còn là một thái độ sống mà đã trở thành một nghề ở thành phố. Mà nghề này lại còn đem lại thu nhập cao: Biết điều hình như là một nghề có thu nhập cao thì phải. Phó chủ tịch lương lậu chả ra gì mà xây nhà bốn tầng, mua ô tô bảy chỗ, ngày nghỉ cũng “biết điều” đưa vợ con lên mãi tận Hòa Lạc ăn uống nghỉ ngơi. Sống với toàn người “biết điều” thật dễ chịu. Dân “biết điều” với quan, quan nhỏ “biết điều” với quan lớn[34, 23]. Đây chỉ là một góc khuất nhỏ trong lòng thành phố nhưng lại có tính chất chung cho mọi nơi khi cuộc sống đang từng ngày bị chi phối bởi đồng tiền. Người ta muốn biết điều với nhau cũng cần phải có cách. Đằng sau bức tranh có vẻ hài hước này là một nỗi buồn cho xã hội ngày nay. Con người thời nay sống với nhau mọi thứ đều cần phải có điều kiện. Sự giản dị, chân thành trong đỗi đãi có lẽ chỉ còn rất ít trong thành phố sang trọng hào hoa này.

Cuộc sống của một thành phố trẻ lúc nào cũng ầm ĩ, bạt náo. Đâu đâu cũng tiếng người, tiếng động cơ gầm rú. Sống trong thành phố luôn phải căng mắt, căng tai nhìn, nghe những âm thanh chát chúa ấy, người Hà Nội chỉ muốn được “đắp tai” cho yên cái sự ưu phiền: “Vài năm nay máy khoan bê – tông đã can thiệp rất sâu vào đới sống dân phố. Tuy không trực tiếp gây sự với ai nhưng mức đột thách thức không thua gì anh Chí năm xưa ở làng Vũ Đại!” [34, 53]. Những tiếng khoan lộng óc, inh ỏi suốt ngày. Chỗ xây cầu đường, chỗ làm nhà cửa, chỗ sửa cửa quán…những tiếng rít

của máy khoan như muốn vít chặt vào lỗ tai hành hạ những nạn nhân bất đắc dĩ. Nhiều lúc cư dân thành phố chỉ muốn bịt tai, che mắt để khỏi phải nghe, phải thấy những âm thanh nhức nhối ấy. Nhưng dường như sống trong môi trường đó lâu rồi người ta thành quen và cũng không còn muốn phản ứng lại. Họ chấp nhận trong sự miễn cưỡng vì họ biết trong đời họ ít nhất một lần họ cũng góp phần tạo nên những âm thanh chói tai ấy. Không ai nỡ trách ai không phải vì tình làng nghĩa xóm đã được nâng lên một “tầm cao mới”. Chỉ là giữ ý để lo cho chính mình một ngày nào đó cũng phải rước đám “thiên lôi” ấy về tra tấn lỗ tai hàng xóm.

Trong cách dạy dỗ con cái của người dân thành phố hiện nay cũng có nhiều điều đáng bàn. Mọi người hầu như ai cũng quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con mình một cách thái quá. Không gian sống của bọn trẻ bó hẹp trong nhà, trong trường. Nếu có muốn thay đổi không khí cũng cần phải có người lớn đi kèm. Có gia đình chăm bẵm là vậy nhưng cũng có gia đình nuôi dạy con cái lại có phần kém hơn cả cách chăm thú cưng: “nay đã thấy nhiều nhà giàu nuôi chó cảnh, chăm bẵm dạy dỗ rất tử tế. Trong khi con cái lại thả rông ngoài xã hội để chúng nhặt nhạnh tha về đủ những thói hư tật xấu. Những thứ không đóng góp gì cho sự phát triển nhân cách”. Cuộc sống đầy đủ về vật chất, họ lo hưởng thụ mà quên đi sự quan tâm giáo dục với con cái. Đây cũng là một góc khuất trong cuộc sống nội thành mà ít ai dám thừa nhận.

Hà Nội là nơi sinh cơ lập nghiệp của nhiều người. Người làm trong văn phòng, người làm ở tạp hóa, cơ quan…và cũng không thiếu những người vất vả nhọc nhằn, chênh vênh trên những con đường với gánh hàng rong còm cõi: “Sáng dậy dạo quanh khắp phố phường nội thành, không phố nào vắng bóng những gánh hàng rong lũ lượt mời chào” [33, 40]. Một đặc điểm làm nên đặc trưng của Hà Nội ngày nay là bất cứ ngôi nhà nào ở mặt phố cũng đều kinh doanh buôn bán. Có những khu phố chuyên kinh doanh về một mặt hàng những cũng có những phố hàng gì cũng có và loại người ngào cũng xuất hiện. Người mua hàng thì “tuôn ra một tràng dài trôi chảy như được thu sẵn vào băng từ”, còn kẻ bán cũng không “tránh khỏi lối sinh hoạt màu mè kẻ chợ nhiêu khê mất trật tự”.

Những khi tắc nghẽn giáo thông hay những khi mất điện không đèn, như một bầy ong vỡ tổ, thành phố trở nên hỗn loạn với dòng người đông đặc: “Thành phố

chợt đông lên gấp mấy lần, các ngã tư ùn tắc những bộ mặt cáu kỉnh, những gắt gỏng chen lẫn tiếng còi xe chói lói. Ai cũng nghĩ rằng mình mới là người cần phải đi trước” [33, 111]. Không ai muốn nhường nhịn ai trong cảnh bức bối ngột ngạt ấy, cáu kỉnh và gắt gỏng om sòm. Cuộc sống của người dân thành phố mất hẳn sự lịch thiệp, nhã nhặn, ai cũng gấp gáp, hối hả và cáu gắt… Có lẽ cũng không nên trách họ khi cuộc sống nơi phố phường có quá nhiều áp lực, đầu óc và tứ chi lúc nào cũng phải hoạt động hết công suất.

Dạo một vòng trên phố Hà Nội, các bậc phụ huynh không thể không lo lắng cho tương lai của thế hệ con em mình. Người ta sẽ thắc mắc về chuyện lũ trẻ đến trường ôm ấp nhau đi lại thản nhiên trên phố: “Con gái nhuộm tóc xanh đỏ, mặc quần trễ rốn. Phấn đấu thêm mười phân nữa là có một chiếc quần chỉ gồm có hai ống mà thôi? Tốc độ nhanh đến chóng mặt.” [33, 164]. Không biết có phải trẻ con thành phố ngày nhỏ bị bó buộc, o ép nhiều quá hay không mà khi chúng lớn hơn một chút là ra sức tháo cũi sổ lồng, thể hiện cái tôi của mình. Nhìn thấy những đứa trẻ như vậy, người ta không thể không ái ngại, lo lắng cho tương lai con trẻ. Người dân thành phố cặm cụi, lao mình vào công cuộc kiếm tiền để làm gì khi con em mình lại bỏ bê, thờ ơ? Lối viết châm biếm nhẹ nhàng của nhà văn nhưng không phải là không thấm thía, đắng đót.

Bằng những nét phác họa nhanh, mỗi bài tản văn của Đỗ Phấn góp phần tái hiện một cách chân thực cuộc sống ở Hà Nội từng ngày, và sự đổi thay chóng vánh về cuộc sống, cách sinh hoạt của người dân thành phố. Trước đây, người dân Hà Nội sống nhẹ nhàng, nền nếp, thanh lịch bao nhiêu thì nay cuộc sống ấy lại biến động, xáo trộn và nhiều bất cập bấy nhiêu. Tất cả đã khoác lên mình một diện mạo mới và có cùng chung đặc điểm là ồn ào, hối hả, cáu kỉnh. Cuộc sống tưởng rằng tiện nghi hơn sẽ khiến con người ta dễ chịu hơn nhưng ngược lại tiện ích của vật chất nhưng cau có về tinh thần. Họ sống có thực sự thoải mái và hạnh phúc khi không giao thiệp với người ngoài dù là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau? Người dân Hà Nội ngày nay lãnh đạm hơn rất nhiều. Tưởng rằng vui vẻ, hoạt náo nhưng thực ra đầy ngờ vực, nghi kị lẫn nhau. Họ nghi ngờ nhau và luôn sống trong sự cảnh giác cao độ. Cuộc sống của họ chỉ thấy những muộn phiền lo lắng. Lo cho kịp đến

công ty, cơ quan đúng giờ, lo cho kiếm được nhiều tiền, lo cho con cái vào trường tốt nhất… Cuộc sống nặng nề ngột ngạt không có mấy phút giây nghỉ ngơi cho tâm hồn. Đọc tản văn của Đỗ Phấn ta còn nhận ra một điều: người dân thành phố luôn gấp gáp, hối hả chạy đua kiệt sức như vậy nhưng chưa bao giờ họ đến được với cái đích mà họ mong muốn. Không được anh nhàn mà hưởng thụ thành quả mình làm ra, con cái cũng không sống theo cách như họ muốn. Lúc nào cũng gánh trên lưng một nỗi lo, cuộc sống như vậy chẳng phải rất đáng thương sao? Những ai có suy nghĩ làm công dân của thủ đô là sung sướng thì có lẽ nên suy nghĩ lại. Bước chân vào thành phố và chấp nhận mưu sinh ở đây cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận căng mình lên mà sống. Sống bon chen, vật lộn với dòng người như cả một cánh rừng bất tận mà ai cũng bon chen như mình.

Cuộc sống đô thị hóa buộc con người ta phải lựa chọn cách sống như vậy. Gấp gáp, hối hả chạy đua cùng thời gian. Tuy nhiên, không phải lúc nào người Hà Nội cũng nháo nhào, vật lộn mưu sinh mà cũng có lúc họ được nghỉ ngơi thư giãn và thực hiện những niềm vui của mình.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w