Trong tản văn có nhiều yếu tố tương đồng với những thể loại như tạp văn, tạp bút…nhưng về cơ bản, tản văn vẫn có những đặc trưng riêng để phân biệt với các thể loại khác của văn học.
Trước hết, tản văn là những tác phẩm văn xuôi ngắn gọn, hàm súc không có cốt truyện. Tản văn là những tác phẩm văn xuôi thường có dung lượng không lớn, phổ biến là những bài văn ngắn gọn, hàm súc. Tính chất ngắn gọn của tản văn có được trước hết là do tản văn thường có cấu tứ dựa trên một tín hiệu trung tâm (một hình ảnh, một chi tiết, mộ tình huống, một nhân vật…) và xoay quanh ý tưởng trọng tâm. Toàn bộ tổ chức tác phẩm hướng tới việc làm nổi bật một chủ âm cơ bản, xuyên suốt có vai trò như một thứ trụ cột làm nên thần thái của tác phẩm, giúp cho tác phẩm có một vẻ đẹp riêng, độc đáo. Hình ảnh, chi tiết trong tản văn có một tầm quan trọng đặc biệt. Các thao tác tạo lập tác phẩm ở tản văn chủ yếu dựa trên sự tương quan của các hình ảnh, sự sắp đặt của các chi tiết theo một logic nhất định nhằm biểu lộ một khuynh hướng tư tưởng của chủ thể.
Thứ hai, tản văn biểu hiện rõ nét cái tôi tác giả. Đặc điểm nổi bật nhất của tản văn so với các thể loại khác là nó bộc lộ rất rõ cái tôi tác giả. Ở tản văn, có cảm giác nhà văn là nhân vật duy nhất cất lên tiếng nói trực tiếp của chính mình về những điều mình quan tâm bởi chủ giữa chủ thể lời nói trong tác phẩm và bản thân tác giả có một sự thân cận đặc biệt. Nguyễn Bùi Khiêm cho rằng “Cầm bút viết tản văn có nghĩa là người viết có ý thức về sự suy nghĩ độc lập và mạnh dạn trình bày những suy nghĩ và cảm xúc thật sự riêng của mình [19]. Nhà văn thường mang lại một cái gì đó mới mẻ, bất ngờ cho người đọc trong cách phát hiện, đề cập, lý giải vấn đề, sự lý giải của nhà văn thường vượt khỏi những lý lẽ thông thường để nhìn cuộc sống ở những chiều kích khác thường với những ý tưởng sâu sắc ít ai ngờ tới.
Thứ ba, cấu trúc của tản văn chủ yếu dựa trên mối tương liên giữa hình ảnh, chi tiết và sự luận giải của cá nhân người cầm bút. Tản văn về cơ bản là loại tác phẩm biểu lộ thế giới tinh thần của chủ thể. Nó không coi trọng thông tin, sự kiện mà cốt là ở cách nhìn, cách lý giải sự kiện, ở sự thể nghiệm những phản ứng tinh
thần trước sự kiện. Sáng tác tản văn đồng nhất với việc người viết tự biểu lộ sự chiêm nghiệm, những suy nghĩ, luận giải của bản thân trước các vấn đề của đời sống. Người viết có thể tái hiện và mô tả, có thể hư cấu các nhân vật, các chi tiết, hình ảnh… Song, nổi lên như một hiện tượng chính vẫn là tất cả con người suy cảm của nhà văn.
Thứ tư, tản văn có cách thức biểu hiện tự do. Tản văn là thể loại tương đối tự do. Từ điển thuật ngữ văn học cũng xác định tản văn có “cách thể hiện đa dạng”
[14, 294]. Tản văn cho phép người viết có thể giải phóng tư tưởng một cách tận độ bằng nhiều con đường, không bị hạn định trong một cái khung chật hẹp nào. Tính chất tự do khiến cho tản văn có thể kết hợp nhiều kiểu loại chi tiết trong chỉnh thể của nó. Có thể là những thông tin có thực, nhưng cũng có thể là những yếu tố kì ảo, hoang đường… Người viết tản văn cũng có thể vận dụng thoải mái các thủ pháp của các thể loại, loại hình nghệ thuật khác như đối thoại trong kịch, ám dụ trong ngụ ngôn, lập thể trong hội họa… Đặc biệt, tản văn có thể sử dụng kết hợp các thao tác tự sự, trữ tình, nghị luận.
Trên đây là những đặc trưng cơ bản của tản văn. Không thể nói về tản văn như một thể loại thuần khiết, trong nó là sự pha trộn, sự giao thoa của nhiều thể loại khác. Cho nên bản chất của nó là rất tự do, đường biên của nó có thể giãn nở tùy theo nhu cầu thể hiện của nghệ sỹ.