Vị trí của Phượng ơi và Ông ngoại hay cườ

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 35)

Trong bức tranh Hà Nội, có thể coi tập tản văn Hà Nội thì không có tuyết của Đỗ Phấn là gam màu chủ đạo, là hình ảnh trung tâm của bức tranh Hà Thành ngổn ngang nỗi nhớ và ngổn ngang nỗi niềm trăn trở… Và bức tranh ấy sẽ toàn diện, đủ đầy hơn,chân thực hơn về cảnh và người trên mảnh đất thủ đô nhờ những gam màu khác trong hai tập Phượng ơi và Ông ngoạihay cười.

Hai tập tản văn Phượng ơi và Ông ngoại hay cười vẫn cách viết chậm rãi, trầm tư, sâu lắng về cảnh, người, về thế sự đời tư về nhân tình thế thái của đất và người Hà Nội. Trong hai tập họa bằng chữ này, đôi lúc ta sẽ bắt gặp những nụ cười hóm hỉnh, hài hước nhưng đằng sau cách viết có vẻ trào lộng, dỉ dỏm đó là nỗi buồn sâu thẳm của nhà văn khi phải chứng kiến những giá trị tốt đẹp xưa kia dần phai lạt. Câu chuyện của ông tưởng rằng vụn vặt, nhỏ nhoi tầm phào nhưng lại là hiện thực cuộc sống. Cuộc sống ấy được khắc họa chân thực đến từng chi tiết. Mỗi câu chuyện là một mảng của cuộc sống thị thành và cũng là nỗi niềm, tâm trạng của nhà văn. Hai tập sách như bổ sung vào những mảng màu còn khuyết thiếu trong bức tranh toàn cảnh về Hà Nội. Không chỉ có cảnh vật đổi thay mà cuộc sống của người Hà Nội cũng đang dần thay đổi. Con người luôn phải sống trong bon chen, vội vàng

và bị cuốn vào cơn lốc xoáy mà không thể nào thoát khỏi. Rồi cả những kiếp người tha phương cầu thực trên mảnh đất thủ đô. Đời sống của họ bấp bênh, vật lộn trên từng con phố, ngả đường chứ không hề đơn giản, dễ dàng như nhiều người vẫn lầm tưởng… Người sang, kẻ hèn chen chúc nhau, giành nhau từng khoảng trống để mà mưu sinh. Hiện thực cuộc sống không phải lúc nào cũng thơ mộng, lãng mạn như những bản tình ca về Hà Nội. Mỗi người một cuộc sống riêng nhưng dường như họ chung nhau một nỗi buồn cô quạnh mà không còn thời gian để nhận ra. Thành phố tưởng chừng là nơi văn minh nhất lại là nơi có nhiều vấn nạn nhất: tắc nghẽn giao thông, chạy chức, chạy quyền, bệnh dịch vụ…Viết về thành phố của mình không phải vì thế mà Đỗ Phấn bao dung, che đậy cho những khuyết điểm, vấn nạn còn tồn tại. Ngược lại, ông viết tất cả những gì Hà Nội đã, đang và sẽ có. Dù là đẹp hay xấu ông cũng không ngần ngại mà né tránh. Thật lầm lẫn nếu cho rằng Hà Nội có một cái vỏ bọc hào nhoáng sang trọng thì đang phát triển, văn minh, có mấy ai biết rằng đằng sau vỏ bọc ấy, Hà Nội cũng gồ ghề nhôm nhoam, bộn bề trăm ngả. Qua các trang văn của mình, Đỗ Phấn muốn mọi người thấy và hiểu về Hà Nội một cách tường tận, chân thực hơn để có thể yêu Hà Nội với tất cả lòng thành kính và cả sự bao dung, độ lượng. Riêng tập Ông ngoại hay cười, Đỗ Phấn dành nhiều trang để viết về tình cảm gia đình đặc biệt là những câu chuyện đáng yêu giữa ông và đứa cháu ngoại của mình… Tập tản văn thiên về tính chất tự truyện nhưng qua đó người đọc sẽ hiểu hơn về lối sống sinh hoạt, về tình cảm gia đình của một người Hà Nội cũ. Câu chuyện của một người, một gia đình nhưng cũng là của nhiều người, nhiều gia đình khác khi có những công chức về hưu. Lúc tuổi xế chiều còn niềm vui nào hơn là được chơi đùa cùng cháu nhỏ. Mỗi lúc được vui đùa cùng cháu, được trông cháu là những lúc ông lại có dịp ôn lại tuổi thơ của mình. Một khoảng trời kí ức về những cậu bé, cô bé thủ đô ngày xưa đã chơi gì, làm gì và so với lũ trẻ ngày nay khác nhau đến nhường nào đều lần lượt hiện ra. Kí ức xa xôi nhưng hiện về thật gần gũi, thân thương và luôn vấn vương trong tâm trí của nhà văn.

Đọc hai tập tản văn của Đỗ Phấn, người đọc sẽ thấy niềm vui chẳng tày gang, cảm xúc chủ đạo vẫn là một nỗi buồn hoang hoải. Như ông nói cuộc sống của

ông buồn nhiều hơn vui, phải chăng điều đó khiến cho những trang văn của tác giả cũng man mác buồn như vậy? Hay chính sự đổi thay dâu bể của xã hội, của thành phố và khi ông không còn khả năng tự pha loãng mình trong xã hội ồn ào, bon chen ấy mới là nguyên nhân chính khiến ông không thể vui? Câu trả lời dành cho độc giả. Đọc tản văn của Đỗ Phấn, ta sẽ hiểu ông yêu mảnh đất thủ đô đến nhường nào nhưng giờ đây nó quá xa lạ với ông. Thành phố của ông đó mà cứ như bước chân tới một vùng đất lạ. Hỏi sao không buồn cho được khi sống trong lòng quê hương lại có cảm giác mất quê, cảm giác như người lạ?

Chính các tập tản văn trên đã góp phần tạo nên diện mạo Hà Nội hoàn chỉnh trong sáng tác của Đỗ Phấn. Dù là viết về người hay cảnh thì tất cả đều mang linh hồn của mảnh đất kinh kì. Vẫn còn những dấu vết xưa nhưng phần nhiều đã thay hình đổi dạng, mang hơi thở, sức sống của thời đại văn minh và cả những bộn bề ngổn ngang không muốn nói của một thành phố trẻ. Cuộc sống luôn là như vậy. Giống như một bức tranh sẽ có những gam màu khác nhau, có gam màu tươi sáng và đôi lúc cũng cần xuất hiện những màu xám tối để tôn nền bức tranh. Dẫu có buồn cho những nhôm nhoam của một thành phố trẻ thì cũng qua đó mà ta biết trân trọng và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc, nâng niu trân quý như Đỗ Phấn và nhiều người khác đang làm.

Sự nghiệp sáng tác văn chương của Đỗ Phấn chưa đủ lâu dài bằng những năm tháng ông làm trong lĩnh vực hội họa. Song, không vì thế mà sự nghiệp cầm bút lại tỏ ra kém thế hơn so với nghề cầm cọ. Trong khoảng thời gian ngắn mà ông có thể viết liên tục và cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có giá trị không phải là điều mà nghệ sĩ nào cũng làm được. Và trong số những tác phẩm của Đỗ Phấn, tản văn là những viên gạch đầu tiên giúp người nghệ sĩ bén duyên với văn chương, chữ nghĩa. Cũng từ những viên gạch ấy, ông thể nghiệm bút lực của mình với nhiều thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn…và thể loại nào cũng đạt được thành công nhất định. Dù vậy, tiêu biểu hơn cả vẫn là những tập tản văn về Hà Nội với lẽ buồn thương, vương vấn, suy tư để lại trong tâm trí người đọc hình ảnh một bức tranh Hà Nội thật ấn tượng với đầy đủ sắc màu và cung bậc cảm xúc…

Khi tình yêu trong ta đủ lớn, đủ mãnh liệt, nhu cầu được bộc lộ và thể hiện nó là là điều tự nhiên, tất yếu. Xuất phát từ một tình yêu thành kính, trân trọng với quê hương Hà Nội thân yêu, và với tấm lòng ưu hoài, trăn trở trước những đổi thay thần tốc của Hà Nội, Đỗ Phấn đã kí thác tình yêu, tâm sự của mình vào những tập tản văn chứa chan xúc cảm, giàu màu sắc, hình ảnh. Các tập tản văn Hà Nội thì không có tuyết, Phượng ơiÔng ngoại hay cười là những tập tranh màu thú vị về Hà Nội, giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về một Hà Nội xưa và cả Hà Nội của những phút giây hiện tại. Đây đều là những tập tản văn đặc sắc, tiêu biểu cho một tâm hồn sâu sắc, một trái tim mẫn cảm với đời và một lối viết thú vị, cuốn hút. Mỗi sáng tác của nhà văn Đỗ Phấn là một mảng cuộc sống với đầy đủ sắc thái, cung bậc cảm xúc. Chiêm ngưỡng, thưởng thức những tác phẩm ấy, độc giả không chỉ có thêm tri thức về Hà Nội mà còn hiểu hơn về tài năng, tấm lòng trắc ẩn của một nhà văn nặng lòng với quê hương.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 35)