Dư vị khó quên của những món nhớ

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 70 - 75)

BỨC TRANH HÀ NỘI QUA NHỮNG NÉT VẼ NGÔN TỪ CỦA HỌA SĨ – NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN

2.3.2. Dư vị khó quên của những món nhớ

Điểm qua vài nét hồn nhiên về ẩm thực Hà Nội ngày hôm nay mới thấy nhung nhớ những món ăn đậm đà hương vị, nồng nàn tình yêu của ẩm thực Hà Nội thời cách đây chưa xa. Dư vị khó quên của các món nhớ sẽ còn im đậm mãi trong tâm trí của những người đã từng một lần thưởng thức. Đọc tản văn của Thạch Lam, Tô Hoài hay Băng Sơn… ta thấy bức tranh sống động về thời giới ẩm thực ở Hà Nội. Mỗi món ăn gửi gắm biết bao tâm huyết và tình cảm của người chế biến, thực khách cũng được “mát lòng mát dạ” khi được thưởng thức. Đến với tản văn của Đỗ Phấn, người đọc như một lần được sống lại, được cảm nhận lại vị thơm ngon của từng món ăn ấy và nhiều món ăn khác. Các bài tản văn của Đỗ Phấn viết về ẩm thực không hề thua kém với bất cứ nhà văn nào trước đó.

Hãy xem cách ông kể về xôi và các khâu chế biến của món ăn dân giã này. Xôi là món ăn mà hầu như vùng miền nào cũng có, và mỗi nơi có thể có cách chế biên riêng. Nhưng món xôi Hà Nội ai đã từng được ăn, được nếm náp cảm nhận vị ngon, ngọt béo ngậy của từng hạt gạo quyện với hương hoa tình cảm của con người chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được một món ăn đáng nhớ như vậy. Thành phố là nơi có nhiều loại xôi cùng lúc hơn cả: “Xôi lúa được chế biến khá cầu kì và tinh xảo. Chọn ngô nếp già tuổi đều hạt ngâm qua đêm. Đồ ngô lẫn với gạo nếp cái hoa

vàng. Đãi đỗ xanh vỡ đồ riêng một chõ. Giã mịn nắm lại thành nắm bằng quả bưởi. Hành tím thái tay phi bằng mỡ lợn vàng già. Công đoạn chế biến còn tiếp tục bởi chính bà bán xôi trên vỉa hè. Trải phần tư tàu lá sen ra mẹt đơm xôi vào. Cầm quả đỗ thái như bay như biến sao cho được những lát mỏng nhất mà diện tích lớn nhất phủ lên. Rắc hành phi óng ánh mỡ đều một lượt. Chan một thìa mỡ lợn chảy lên trên cùng…” [35;310]. Được thưởng thức một nắm xôi thơm ngon là một niềm vui nho nhỏ của bất kì ai. Qua cách nhà văn tả kể, chúng ta có thể hình dung để nấu được một nồi xôi thơm ngon không đơn giản chút nào. Xôi là món ăn được chế biến hết sức cầu kì và tinh xảo. Từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến tất cả đều có sự chọn lựa, đầu tư công phu, kĩ lưỡng. Trước khi món ăn đó đến tay thực khách còn phải qua sự khéo léo của những người bán hàng thì nhìn mới ngon. Một món ăn khá nhiều công đoạn, nhưng được thưởng thức nắm xôi như vậy cũng rất xứng đáng với công chờ đợi. Thực khách như để tri ân, đền đáp lại bao tâm huyết, tình cảm của người làm ra khi ăn họ cũng chậm rãi cảm nhận chứ không nhồm nhoàm ăn một cách thô tục. Nhờ các trang tản văn của Đỗ Phấn, ta biết thêm dư vị của một món nhớ. Tuy là món ăn giản dị nhưng cũng cần phải có sự chỉn chu trong các công đoạn và cần cả sự đồng điệu tâm hồn của người chế biến lẫn người thưởng thức. Dù chỉ là thưởng thức một cách gián tiếp, nhưng đọc những bài văn nồng nàn hương vị xôi nếp của Đỗ Phấn, người đọc cũng cảm thấy thỏa lòng cho nỗi nhớ dư vị đồng quê.

Món nhớ cách đây khoảng vài chục năm còn phải kể tới những đĩa ốc thơm nức mùi chanh bưởi. Gánh quà vặt cổng trường ngày trước không bao giờ thiếu hàng ốc. Nhìn những đĩa ốc nóng hôi hổi được múc ra đặt cạnh bát nước mắm dấm đường gừng ớt hấp dẫn vô cùng: “Nước mắm dấm đường gừng ớt dậy mùi hấp dẫn được pha chế bằng nước luộc ốc cho nhạt bớt. Trẻ con có một hào thì ăn ốc vặn múc ra chiếc đĩa con hôi hổi mùi lá bưởi. Mảnh sắt tây cắt hình tam giác nhọn làm đồ nhể ốc. Chỉ có năm xu thì làm đĩa ốc mút. Dùng đồng hai xu mà bẻ chiếc đuôi nhọn để mút. Thỉnh thoảng đệm thêm một ngụm nhỏ nước chấm cay sè…” [35, 306]. Ốc loại nào thì có cách thưởng thức của loại ấy, và đều hấp dẫn với lũ trẻ ngày đó. Ngoài ốc chấm còn có bún ốc cũng ngon không kém, và chế biến cũng hết

sức cầu kì: “Chọn ốc nhồi rêu bám xanh rì ngâm kĩ hàng tuần với nước vo gạo. Hấp ốc bằng dẫm bỗng nếp cái. Mươi con ốc dùng chiếc mỏ thép đập đuôi nhể ra bấm ruột thả vào bát. Nước chấm trong veo múc bằng giuộc nứa chỉ vừa ấm gan bàn tay. Ăn với bún lá mỏng tèo trằng nõn. Tuyệt không dùng đến bất cứ thứ rau dưa gia vị nào. [35;307]. Từng câu chữ như đánh thức các giác quan của người đọc để tận hưởng vị ngon ngọt của món ăn. Đó là biệt tài của nhà văn. Chỉ bẳng vài nét phác họa nhưng có thể trưng bày trước mắt người đọc một tô bún ốc thơm lừng thật khó có thể cưỡng. Nhìn con ốc giòn tinh ngọt lịm, béo bùi cùng những lát bún lá trắng nõn, chắc hản ai cũng muốn được đưa ngay vào miệng mà cảm nhận vị giòn giòn sật sật của ốc, vị ngọt thơm của lát bún trắng.

Ngoài những món ăn đặc sắc, độc đáo trên, đến với Hà Nội cách đây không lâu, ta còn được thưởng thức nhiều món ăn khác đủ bốn mùa trong năm ở những con ngõ nhỏ: mờ sáng lên ngõ Hồng Phúc ăn bát canh bánh đa đỏ. Da cá trắm rán giòn béo ngậy lơ thơ trong bát nước dùng xanh nõn màu dọc mùng; cũng có thể vào ngõ Thọ Xương ăn xôi xéo và bánh cuốn bình dân hoặc sang ngõ Cấm Chỉ ăn xôi giò chả Bà Điếc; sang trọng hơn có thể tạt qua ngõ Hàng Hành ăn bát bún thang cầu kì kiểu cách với đủ cả mắm tôm cà cuống; giữa trưa thả bộ vào ngõ Phất Lộc làm một mẹt bún đậu mắm tôm, rau kinh giới non tơ chấm vào bát mắm váng mỡ rán đậu ngọt bùi cay chua xuýt xoa đến hết vẫn thèm… Không thiếu gì những món ăn bình dân mà lại ngon ở Hà Nội khi ấy. Bức tranh ẩm thực rất phong phú và bắt mắt. Trong từng món ăn ta thấy được sự chỉn chu, cầu kì của người Hà Nội xưa. Dù là kinh doanh, buôn bán nhưng người Hà Nội khi ấy không vì lợi nhuận mà quên đi việc bỏ tâm huyết vào trong từng món ăn. Mỗi món ăn ra đời được chắt chiu biết bao tâm huyết, tình cảm của người chế biến. Mỗi món ăn lại cho thấy sự đảm đang, tinh tế khéo léo của người Hà Thành. Người Hà Nội thật khéo để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người bởi những món ăn đáng nhớ như thế.

Yêu lắm một Hà Nội bình dị, êm đềm và yêu lắm một Hà Nội lúc nào cũng sực nức mùi thơm quyến rũ của những món ăn dung dị mà đáng nhớ. Qua đó, ta càng yêu hơn sự duyên dáng, tinh tế của người Hà Thành gửi trọn vào từng món ăn. Một Hà Nội như vậy biết tìm đâu bây giờ? Vẽ lại bức tranh ẩm thực của phố

phường Hà Nội khi xưa không phải nhà văn đã hoàn toàn thất vọng với nền ẩm thực Hà Nội của phút giây hiện tại mà chỉ là những món ăn của ngày hôm nay dù có được trang trí cầu kì, sang trọng đến đâu đi chăng nữa cũng khó có thể gợi lại được đúng mùi vị dân giã mà nồng nàn quyến rũ như xưa. Chính điều đó càng làm cho nhà văn nhớ đến nao lòng các món ăn một thuở. Ôn lại từng món ăn qua trang văn cũng là cách Đỗ Phấn thưởng thức lại cho thỏa nỗi nhớ nhung với những món ăn đậm đà hương vị, lắng đọng tinh hoa của đất trời và của tình người Hà Nội.

Nếu đã từng chiêm ngưỡng các bức họa của Đỗ Phấn, ta sẽ nhận thấy trong các bức tranh ấy rất ít các chi tiết rườm rà mà thường xuất hiện những đường nét cơ bản được tô đậm bởi các gam màu phong phú, đa dạng. Dù nhiều màu sắc nhưng tranh của Đỗ Phấn không gây cảm giác phô trương mà gần gũi, dung dị và cũng không kém phần thâm trầm, sâu sắc. Cách vẽ này đã ảnh hưởng tới lối viết văn của ông. Khi sáng tác, Đỗ Phấn không đưa quá nhiều chi tiết phụ vào, nhờ đó các hình ảnh chủ đạo càng được khắc họa rõ nét. Hơn nữa, đến với các sáng tác của ông, độc giả sẽ thấy được sự tương tác diệu kì của hội họa và văn chương. Chính nghệ thuật hội họa đã nâng cánh cho nghệ thuật văn chương và ngược lại các tác phẩm văn chương đã mở rộng phạm vi phản ánh, khám phá chiều sâu cuộc sống cho ngành hội họa. Mỗi sáng tác của nhà văn Đỗ Phấn đều được lấy cảm hứng từ cuộc sống ngay trong lòng thành phố và phản ánh qua lăng kính tinh nhạy, sâu sắc của nhà văn. Đó có thể là bức tranh về Hà Nội với nhiều diện mạo khác nhau: một Hà Nội đậm chất trữ tình, thơ mộng; một Hà Nội gồ ghề, xù xì, gấp gáp, hối hả và cũng có thể là một Hà Nội nhung nhớ với nhiều món ẩm thực phong phú, những thú chơi nhàn tản và một Hà Nội đầy phiền muộn với sự ầm ào, nhốn nháo… Các tập tản văn của Đỗ Phấn là những bức tranh đa dạng về cuộc sống, về người Hà Nội mà ở đó cuộc sống, con người, văn hóa sống… đều được tái hiện lại một cách chân thực, sắc nét. Điều đáng chú ý là ông không chỉ phản ánh một cách đơn thuần mà còn lồng vào đó tình cảm, thái độ và những suy nghiệm của bản thân trước sự vật, sự việc. Chính điều này đã tạo nên hứng thú cho độc giả, khiến họ say mê nghiền ngẫm các tác phẩm của ông. Đọc các bài tản văn của Đỗ Phấn, độc giả có thể tìm được tiếng nói chung, những tình cảm tương ứng vì những xúc cảm của nhà văn ít nhiều

cũng đồng hành cùng tình cảm của bạn đọc. Và khi đã sống ở Hà Nội nhiều năm tháng, họ càng thích thú hơn vì được hiểu Hà Nội một cách tường tận, được cùng nhà văn bộc lộ tình yêu, niềm trăn trở dồn nén bấy lâu. Thưởng lãm bức tranh Hà Nội được vẽ bằng ngôn từ sẽ làm người đọc thấy thú vị hơn so với thưởng thức qua những bức ảnh, bức tranh bất động. Qua các sáng tác của Đỗ Phấn, người đọc không chỉ được sống lại với Hà Nội một thuở mà còn cảm nhận thấy hơi thở cuộc sống đang diễn ra từng ngày. Đúng hơn, tìm đến với văn chương Đỗ Phấn, độc giả sẽ thấy được một Hà Nội chuyển động từng phút, từng giây chứ không phải Hà Nội tĩnh lặng, vô hồn. Bức tranh Hà Thành được tái hiện lại qua những con chữ, nhưng có thể làm sống dậy cả quá khứ lẫn hiện tại, đây là một thành công của Đỗ Phấn. Ông không chỉ làm cho những bức tranh bằng ngôn từ của mình sinh động, có hồn mà còn có sức lay động, ám ảnh tâm trí người đọc, buộc họ cùng chiêm nghiệm, suy ngẫm chứ không thể thờ ơ, lãnh đạm trước cuộc sống. Ở một góc độ nào đó có thể khẳng định Đỗ Phấn đã truyền cảm hứng, tình yêu, nỗi trăn trở của mình tới độc giả, tới bất cứ ai dành sự quan tâm tới Hà Nội khiến họ cũng day dứt, bồi hồi như chính nhà văn. Một tác phẩm văn học có thể làm đổi thay cách cảm nhận, suy nghĩ của con người theo hướng tích cực đó là một thành công tuyệt vời của nghệ thuật văn chương và của người nghệ sĩ.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w