Giọng triết luận, suy tư

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 95)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.2.4. Giọng triết luận, suy tư

Đặc điểm của tản văn là thường ngắn gọn, hàm súc, ý tứ cô đọng vậy nên câu từ sức nén lớn. Đỗ Phấn sống trong thành phố bộn bề trăm ngả, có biết bao điều đáng suy nghĩ, trăn trở, vì thế ta thường thấy giọng triết luận, suy tư, trăn trở trong các tập tản văn của ông.

Giọng triết luận nổi bật nên yếu tố luận, bày tỏ quan điểm của nhà văn về các vấn đề quan tâm. Giọng điệu này có thể tạo ra một hiệu ứng mạnh, tác động trực tiếp vào lí trí người đọc, khơi sâu vào sự năng động của tư duy phân tích, cho người ta có được những khoái cảm trí tuệ qua những nhận thức và cách lí giả về đời sống của tác

giả. Nhà văn tổ chức các hình ảnh, chi tiết theo nguyên tắc và logic của lập luận. Nhà văn đưa ra những lời bàn bày tỏ tình cảm chân thực, có tính chất nghiêm túc.

Xã hội văn minh nhưng không phải lúc nào cùng đi kèm văn hóa, tiến bộ. Đọc tản văn của Đỗ Phấn ta sẽ nhận ra điều này. Có rất nhiều vấn nạn đang ngày một gia tăng . Có những điều trực tiếp nhìn thấy nhưng cũng có những thứ dù mắt không thấy, tai không nghe nhưng vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày vã để lại hậu quả khôn lường. Một trong những vấn nạn như thế đó là tình trạng sính bằng cấp, chạy chức chạy quyền…chạy tất cả những thứ gì có thể chạy để có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội: “Thật lạ mọi chức vụ quyền lực trên đời đều là do con người tự nghĩ ra, nhưng vẫn phải làm thêm đủ thứ bằng cấp để chứng tỏ năng lực đảm đương những chức vụ ấy” [34, 72]. Tâm trạng của một người công chức không hám danh hám lợi dám từ bỏ sự nghiệp, chỗ đứng ổn định để theo đuổi hai chữ “tự do” như Đỗ Phấn có lẽ sẽ khó hiểu và khó chấp nhận những chuyện như vậy. Nhưng đó là một thực trạng đang tràn lan trong xã hội hiện nay mà chúng ta không thể không thừa nhận. Có không ít cơ quan, cá nhân vì những danh tiếng hão, vì mục đích tiến thân đã cố gắng thu xếp cho được những bằng cấp, tước vị chẳng liên quan gì tới trình độ thực của họ. Câu hỏi mà tác giả đặt ra có lẽ sẽ không có câu trả lời thỏa mãn, nhất là trong thời đại ngày nay ai cũng cố tìm cho mình một chữ đứng. Chỉ khi nào con người dám bứt mình ra khỏi vòng danh lợi, dám thực hiện lí tưởng tự do ngoài khuôn khổ thì mới hiểu được sự phù du của vật chất xa hoa tầm thường. Đọc những băn khoăn, trăn trở trên của nhà văn ta thấy dáng dấp của những bậc tiền nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…, họ là những danh sĩ nhưng không bao giờ chịu trói buộc mình trong vòng danh lợi. Cốt cách của những bậc hiền nhân như vậy vẫn còn lưu lại trong con người đời thường ngày nay quả thực là một điều đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

Con người cố gắng theo đuổi những giấc mơ viển vông những danh tiếng và chỗ đứng hão huyền, cuối cùng họ thường phải nhận một cái kết buồn như “Nhiều nghệ sĩ nổi danh tài sắc một thì đã bị chôn vùi trong lòng công chúng một cách không thương tiếc...” [34, 73]. Khi chúng ta cứ loay hoay tìm chỗ đứng mà lại là chỗ đứng nguy hiểm như “lòng công chúng” thì ta không thể lường hết mọi chuyện xảy ra. Danh tiếng là thứ con người thường ôm giấc mộng theo đuổi, người ta sẵn

sàng “mua danh ba vạn”, có những người bi đát đến mức chỉ có “hữu danh vô thực” họ cũng cam lòng. Danh lợi là thứ dễ cám dỗ con người, có người thành danh nhưng cũng lắm kẻ bị cái danh vọng đó “chôn vùi một cách không thương tiếc”. Chỗ đứng và danh vọng không biết có ma lực gì mà như một con thiêu thân ai cũng lao vào, rồi đến khi trượt ngã trong vòng danh lợi lúc đó họ mới giật mình nhận ra sự vô nghĩa của nó. Với con mắt, suy nghĩ của một người sống từng trải, chứng kiến không ít sự đổi thay của cuộc đời Đỗ Phấn không còn lạ lẫm gì những nghiệt ngã do ham muốn hư vinh gây ra.

Khi thấy người bạn cũ của mình thay hình đổi dạng khác trước rất nhiều, để có một bộ mặt ấy, người bạn đã nhờ tới công nghệ thẩm mĩ và chi không ít tiền vào việc đó, Đỗ Phấn chợt buồn lòng và rút ra kết luận: “thoáng buồn, tôi chợt nghĩ thì ra con người ta tối tăm mặt mũi làm lụng toan tính không khéo cũng chỉ để sau này có đủ tiền sửa sang lại cái phần lấm láp ấy mà thôi” [34, 131]. Thật buồn khi biết được đồng tiền vất vả kiếm được không thể mua lại tuổi thanh xuân trên nét mặt, cũng không thể xóa hẳn đi những lấm láp ngày nào, nếu có chỉ là bộ mặt giả tạo, đơ cứng mà công nghệ thẩm mĩ tạo nên. Vậy mà có mấy ai biết được điều đó. Họ lao thân, “lấm mặt” cả đời lo toan nhưng cùng lắm cũng chỉ đủ tiền sửa sang lại cái phần lấm láp ấy mà thôi. Một sự thật đau lòng nhưng không phải ai cũng hiểu.

Có thể không quá khi ví cuộc đời này giống như một sân khấu lớn và ở đó có đủ mọi vai cho con người sắm. Cuộc sống này có mấy ai luôn được là chính mình hay suốt đời chúng ta phải đóng vai một người khác? Những hỉ nộ, ái ố, nhưng đố kị, ghen ghét…tất cả đều có và dường như ai cũng cố giấu đi sau một bộ mặt khác khó có thể nhận ra. Đỗ Phấn day dứt khi viết: “Bao nhiêu tuổi thì con người bắt đầu thôi không tìm hiểu xem đằng sau mỗi sự vật sự việc có những gì xảy ra?... Phần lớn khi biết được thì đã quá muộn” [34, 142]. Mọi thứ diễn ra trong cuộc đời này có khi trực tiếp xuất hiện chúng ta có thể nhìn thấy, cảm nhận được, tuy nhiên cũng có những điều, những thứ vẫn tồn tại nhưng núp bóng, ẩn mình đằng sau sự vật khác mà chúng ta không dễ gì phát hiện ra. Không thấy không có nghĩa là không có. Vì vậy, con người cần học cách quan sát, nhìn nhận cuộc đời và khi xem xét lí giải sự việc nên chăng con người cần có cái nhìn toàn diện, thấu triệt hơn để tránh khỏi

những hối tiếc muộn màng. Phải chăng đó cũng là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông qua các trang văn của mình?

Cuộc đời chúng ta có trải qua những ngày nắng mới biết yêu những ngày mưa, có nếm trải mùi vị đắng cay mới biết trân trọng những hạnh phúc mà mình đang có. Có nhiều thứ mà ta chỉ có thể nhận ra khi đã trải qua những thử thách, giông bão của cuộc đời. Nếu như giông bão của thiên nhiên có thể khiến con người ta xích lại gần nhau “Người ta nhớ về nhau, lo về nhau mà bỏ qua rất nhiều lỗi lầm cho nhau” thì sóng gió, giông tố cuộc đời không hẳn đã như thế: “Thiệt hại của người này có khi lại là lợi lộc của người khác. Qua cơn sóng gió ắt hẳn có người bị ghét như kẻ thù, lại có người cao đẹp đến…đáng thương” [34, 167]. Trải qua những thăng trầm, khó khăn thử thách thì tính cách, bản chất của con người mới được bộc lộ. Và nhiều khi sự thật lại quá phũ phàng so với những gì tốt đẹp trước đó: thiệt hại của người này là lợi lộc của người kia. Họ lợi dụng, tranh giành tước đoạt của nhau và dĩ nhiên sẽ có những người bị ghét như kẻ thù và có những người cao đẹp đến đáng thương. Đó là những quy luật của cuộc đời mà đôi mắt, trí tuệ của một người từng trải như Đỗ Phấn chiêm nghiệm được. Đó cũng là sự đời chân thực luôn diễn ra dù đôi khi chúng ta không muốn. Với nhà văn, sóng gió của cuộc đời giúp ông hiểu rõ hơn về kiếp trầm luân của đời người: “Sóng gió trong cuộc đời mỗi con người dù vô hình vẫn đủ làm người ta nổi chìm xa cách. Chợt thấy hạt cát dưới chân như lời nhắc nhở về trầm luân của một kiếp người mang mang sóng vỗ[33, 104]. Trong chúng ta dù muốn hay không đều phải trải qua những thăng trầm, sóng gió nhất định và những lần như thế ta bị cuốn đi một phương trời nào đó, cuộc sống trải qua không ít lần đổi thay, lăn lộn… Sóng gió cuộc đời đủ làm người ta nổi chìm xa cách và với những trái tim mẫn cảm như Đỗ Phấn, ông dễ động lòng trắc ẩn về kiếp trầm luân của đời người.

Khi xã hội càng văn minh, càng hiện đại thì cảm xúc của con người ngày càng bị triệt tiêu và cũng dần lãnh đạm, hờ hững với nhau. Đó là những góc khuất tối tăm của một xã hội tân tiến. Cuộc sống càng phát triển thì nguy cơ về một thế giới ảo càng cao và “hình như con người hiện đại đã quá chán tiếp xúc với nhau bằng xương bằng thịt, hay đó chính là cái góc khuất tăm tối nhất trong mỗi người chúng ta?” Cuộc sống vật chất đủ đầy có đem lại cuộc sống như mơ ước khi mà

người hờ hững, vô tình với người, người lạnh nhạt, nghi kị với người? Liệu có một góc khuất nào trong thành phố không phải là góc khuất tăm tối mà là góc thư thái không? Qua những dòng viết trên, người đọc cũng chợt hiểu rằng cuộc sống càng hiện đại thì tình cảm, cảm xúc của con người càng có nguy cơ bị vật chất hóa. Đó là một điều đáng lo ngại và cũng là niềm trăn trở, suy tư của nhà văn khi sống trên mảnh đất thị thành này.

Với các gia đình cách đây vài chục năm ở Hà Nội chẳng lạ gì với những chiếc gác xép chật hẹp mà có biết bao chuyện bi hài diễn ra trên cái gác xép ấy. Nhưng cũng nhờ đó mà người ta biết trân trọng nhiều điều. Nhưng còn gác xép trong tâm hồn con người, nhà văn không hiểu nó nằm ở vị trí nào: “chẳng hiểu cái “gác xép” trong tâm hồn mỗi người nằm ở phần nào của bộ não song anh tin rằng rất cần có nó” [33, 39]. Gác xép chật chội đó tưởng rằng cực chẳng đã nhưng không hẳn vậy nhờ đó mà con người mới có dịp để nhìn ra cuộc đời rộng lớn này và thấy được niềm vui hạnh phúc khi được sống trong không gian rộng rãi… Các tập tản văn của Đỗ Phấn tưởng rằng viết về những điều vụn vặt, nhỏ nhặt nhưng kì thực thì có biết bao triết lí sống được ẩn đằng sau những con chữ ấy.

Nhìn thấy sự hồn nhiên thái quá của văn hóa ẩm thực ngày nay, tác giả đi tìm nguyên nhân của nó: “Hình như chính sự thiếu thốn đó làm cho con người khi đủ đầy sung sướng đã đem theo toàn bộ những dồn nén thèm khát ngày xưa đến bàn tiệc để thỏa sức hò hét khoe khoang. Tác phong ẩm thực hồn nhiên chốn đông người ngay nay không phải vô cớ được sinh ra!...” [33, 53]. Mọi thứ không tự ngẫu nhiên phát sinh, tất cả đều có nguyên nhân, lí do tồn tại và tác phong ẩm thực nhồn nhiên ngày nay cũng vậy. Qua tản văn của Đỗ Phấn giúp ta hiểu thêm cuộc sống hiện đại, vật chất đủ đầy không đồng nghĩa với việc con người sẽ sống văn minh, có văn hóa. Không phải cứ có tiền là sang trọng. Những tác phong khoe mẽ, hét hò trên các bàn tiệc chỉ là do sự “dồn nén thèm khét ngày xưa” bùng nổ mà thôi.

Nói về thương mại và bản chất của con người, nhà văn có những triết luận rất sâu sắc: “Ranh giới giữa lương thiện và lừa đảo đôi khi cũng mịt mờ như tính năng của đồ vật, công dụng của thuốc men hay thực phẩm bổ dưỡng nào đó được rao bán”. Cuộc sống ngày nay mọi giá trị đều tồn tại. Có lành mạnh nhưng cũng có

cả những bất lương và ranh giới để phân biệt điều đó cũng thật mong manh. Có lẽ chúng ta đã hiểu một phần vì sao người thành phố ngày nay lại sống trong sự lãnh đạm và nghi kị nhiều hơn. Bởi lẽ nếu họ không chọn cách sống như vậy rất có thể lòng tốt của họ sẽ bị lợi dụng, sự lương thiện của họ sẽ bị phường bất lương trục lợi... Càng sống đủ lâu người ta sẽ ngộ ra nhiều điều thật giả ở đời và cảm thấy ngao ngán cho sự nhiễu loạn của dòng đời, nhất là ở những nơi phố xá thị thành…

Nhìn lại sự phát triển của thành phố, Đỗ Phấn đặt nghi vấn, xét lại bản chất thực của sự phát triển đó và ông kết luận: “Thành phố tưởng như phát triển hóa ra chưa hẳn thế? Hình như nó đang bắt đầu lại một quá trình từ hơn trăm năm về trước. Chỉ thay ngói nâu tường trứng mốc rêu bằng nhà cao tầng san sát giống nhau cả về kích thước lẫn thẩm mĩ…” [33, 207]. Sự phát triển của thành phố hiện nay, dưới cách lí giải của nhà văn chỉ là sự bắt đầu lại một quá trình từ hơn trăm năm về trước. Tức là bản chất sự phát triển của thành phố cũng không khác gì nhiều thời gian gọi là chưa phát triển, vậy có thực sự là thành phố đang phát triển không hay chỉ là sự thay đổi chiếc áo này bằng chiếc áo khác còn cốt lõi thì vẫn vậy? Người đọc không khỏi giật mình về những suy nghĩ của tác giả, hơn nữa những suy nghĩ đó không phải là không có lí. Nhìn vào những bộn bề nhôm nhoam của thành phố hiện nay không biết có nên gọi là phát triển?

Như vậy, đọc tản văn của Đỗ Phấn, ta con thấy những suy nghĩ thấu đáo, cặn kẽ của một người sống từng trải, có nhiều kinh nghiệm nên cách nhìn sự việc rất sắc sảo. Ngôn từ mộc mạc giản dị, thủ thỉ như một lời tâm tình, chia sẻ nhưng chứa đựng biết bao triết luận quý báu về cuộc đời. Mỗi trang văn của ông giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời, và có cái nhìn khâm phục với vốn sống của người nghệ sĩ già… Giọng điệu triết luận suy tư của nhà văn làm cho các trang tản văn của ông thêm phần giá trị và có ý nghĩa hơn, và cũng để lại những day dứt, ấn tượng sâu đậm hơn trong lòng người đọc. Bởi lẽ dù có nói gì mà các trang tản văn của ông không có chiều sâu thì khó tạo ra dấu ấn, phong cách riêng và khó để lại ấn tượng với người đọc. Hạt nhân triết luận, lí giải cắt nghĩa cuộc sống của một nhà văn giàu kinh nghiệm sống như Đỗ Phấn làm cho các trang văn của ông thêm chiều sâu và thêm sức sống trong lòng độc giả.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 95)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w