Giọng tiếc nuối, xót xa, ngậm ngù

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 88 - 92)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.2.3. Giọng tiếc nuối, xót xa, ngậm ngù

Khi trả lời phỏng vấn các trang báo, Đỗ Phấn vẫn từng nói nỗi tiếc nuối của ông về một hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ êm đềm sang trọng chưa bao giờ lớn hơn niềm tiếc nuối về một văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Một đứt gãy vĩnh viễn không thể hàn gắn lại được nữa khi mà dân số tăng vọt với cuộc nhập cư như bây giờ. Nhưng đọc các trang tản văn của ông, chúng ta vẫn nhận ra sự tiếc nuối, ngậm ngùi của nhà văn khi nhìn thấy thời gian và cuộc đời dâu bể đang từng ngày, từng giờ xóa nhòa đi hình ảnh một Hà Nội êm đềm và bình dị xưa kia. Thành phố đông đúc, tấp nập là thế mà ông lại thấy Hà Nội vắng. Vắng đi những tiếng tàu điện leng keng, vắng tiếng còi tầm của Nhà hát lớn…vắng cả những con người sống nền nếp, chỉn chu, nhẹ nhàng thanh lịch. Tất nhiên, phát triển là một quy luật tất yếu, thành phố không thể mãi đứng yên, giữ nguyên một hình hài diện mạo. Để phù hợp với sự

phát triển của thời đại, bộ mặt của thành phố cũng phải dần thay đổi. Nhưng điều đó sẽ không đáng nói nếu như cách sống và thái độ ứng xử của người dân Hà Thành vẫn giữ được nét đẹp tinh túy ngày trước. Những con đường góc phố, lớp người lưu dấu vết bình yên, thanh lịch một thuở nay không còn nhiều, lại thêm bộ mặt nhôm nhoam, xù xì của thành phố hiện tại làm nhà văn thấy ưu phiền, dằn lòng trước sự đổi thay chóng vánh.

Đọc các tập tản văn của Đỗ Phấn, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh cái chợ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Có cả những phiên chợ quê trước đây, và có cả những nơi không biết có nên gọi chợ? Nếu những phiên chợ quê cách đây vài chục năm đem lại cho nhà văn cảm giác chân phương, thật thà, gần gụi thì những chợ cóc tự phát mọc lên, đuổi đâu chạy đấy của ngày hôm nay và cả những khu chợ nhìn xuống như âm phủ khiến ông lắc đầu ngán ngẩm và tiếc nhớ nười xưa cảnh cũ trong những phiên chợ trước đây: “Có thể không tiếc gì cái chợ nếu như sau này nó trở thành một cao ốc. Nhưng những cánh tay bàng gầy guộc cứng cỏi dọc ngang rối bời in lên nền mây sáng?... Rồi biết tìm ở đâu?” [33, 139]. Bước chân vào một góc chợ thành thị của ngày hôm nay, khách hàng lắm khi chuốc lấy sự bực dọc nhiều hơn là mua được món đồ ưng ý. Người người chen lấn không có một mét không khí riêng dành cho mình. Chợ phả ra đủ các loại mùi, mùi hàng hóa, mùi thức ăn, mùi cống rãnh và cả mùi cơ thể người nồng nặc. Đâu còn những ngôi chợ nép mình dưới những cánh tay bàng gầy guộc cứng cỏi dọc ngang, đâu còn những gánh hàng hoa tươi rói, và cũng đâu còn những người bán hàng bình thản không săn đón chát chua chào mời. Các câu hỏi liên tiếp đặt ra, hỏi nhưng mặc định đã có câu trả lời. Những hình ảnh thân thương đó đã lùi vào quá vãng, chỉ còn tồn tại trong kí ức, hoài niệm. Không thê tìm đâu những hình ảnh như thế trong thành phố ngày nay. Điều đó khiến nhà văn cảm thấy không thể không tiếc nuối, xót xa. Nhất là khi “vạn dặm xa vẫn là những phiên chợ quê mùa ấm áp hình như đã làm cho con người đủ tự tin và nghị lực để sống ở những nơi lạ lẫm…” [35;118]. Chỉ một thoáng hình ảnh chợ phiên năm nào cũng khiến con người ta đủ can đảm để sống tiếp với thành phố lạ lẫm hôm nay.

Thành phố càng ngày càng được mở rộng về diện tích và tăng dần về số lượng người nhập cư. Có biết bao mảnh đời chen chúc nhau trên mảnh đất có phần hạn chế về diện tích sống này. Tuy nhiên, vẫn là tạm ổn với những ai có nhà ở, công việc ổn định, nhưng với những phận hoa, phận người trôi dạt hàng ngày trên từng nẻo phố, góc đường cuộc sống của họ đè nặng những gánh lo. Họ là những cô bé nhà quê, không được học hành nhưng rất hiền lành chăm chỉ đã phải lận đận lên thành phố xin giúp việc: “cô gái giúp việc nhà cho anh nói đã học hết lớp chín ở quê, nhà nghèo quá phải ra thành phố kiếm việc làm thêm… Nhiều tháng sau anh mới biết cô bé không hề biết chữ”, nhưng vẫn còn chưa nghèo, chưa khổ bằng: “cô hàng đồng nát hàng tháng qua nhà anh mua báo cũ… Sức vóc mảnh mai ấy không ngờ lại phải gánh một ông chồng nát rượu cùng đàn con ba đứa ở quê…” [33, 89]. Những mảnh đời éo le đó phải tạm xa gia đình, quê hương để kiếm kế sinh nhai chốn phố phường nhộn nhạo. Mỗi người một số phận, một cảnh đời và tất cả đều đáng thương. Vì khó khăn, đói nghèo họ phải trôi dạt tới mảnh đất này. Họ là những chấm nhỏ lay lắt trong bức tranh bộn bề Hà Nội. Viết về Hà Nội với tất cả những gì chân thực nhất không thể thiếu bóng dáng của họ. Mặc dù họ không phải là những người Hà Nội sang trọng, lịch thiệp nhưng họ là những con người tảo tần, đảm đang, chịu thương chịu khó rất đáng ngưỡng mộ. Họ là những người mẹ, người chị chấp nhận phần gian khổ, khó khăn về mình để những người thân yêu ở quê nhà được no đủ, yên ấm. Vì thế khi viết về họ, nhà văn dùng những ngôn từ cảm thông, nhẹ nhàng, trân trọng nhất.

Đọc những lời văn sau của nhà văn, ai lại không rưng rưng mỗi nồi niềm thương cảm cho những tấm thân vất vả, nhọc nhằn, thương cho cả ánh trăng không còn đủ chỗ để neo đậu ở nhân gian, ở chốn phố phường chật chội: “Người thành phố chẳng ai còn nhớ mình ngắm trăng lần cuối cùng vào lúc nào. Cúi mặt mà đi, mong sao tránh được những va chạm đã là may mắn. Trăng trên phố cũng không tìm đâu ra được một khoảng trống đủ để vui vầy…” [33, 123]. Người thành phố vì chạy đua với thời gian, cuộc sống nên cũng mất dần thú vui được ngắm hoa, thưởng nguyệt. Sự vô tình, hờ hững của con người khiến cho ánh trăng cũng buồn sầu trong nụ cười gượng gạo. Trăng muôn thuở vẫn vậy, vẫn bầu bạn với tất thảy mọi người

nhưng người thành phố chẳng ai còn nhớ mình ngắm trăng lần cuối vào lúc nào. Vậy nên, trăng hướng tới những người nông dân lam lũ từ khắp các vùng đổ về thành phố. Mỗi câu văn đều chất chứa nỗi niềm xót xa, thương cảm của nhà văn.

Người dân thành phố không chỉ mất dần đi cảm xúc, thưởng lãm cái đẹp của tự nhiên mà nguy hiểm hơn là ngày càng chai sạn cảm xúc, thờ ơ lãnh đạm với tất cả, nhất là đối với con người. Nhận ra điều này, trái tim của người nghệ sĩ già Đỗ Phấn nhức nhối, chua xót: “Sống giữa một biển người thành phố chai sạn không nước mắt tự dưng thấy cay cay sống mũi. Nụ cười nhạt cam phận hình như còn đắng đót hơn nước mắt rất nhiều?” [33, 54]. Cuộc sống ngột ngạt, bon chen giữa chốn thị thành không đơn giản chút nào, chẳng thể tránh những cay đắng, uất ức trong cuộc đời. Vậy nhưng lại hiếm khi thấy người Hà Nội ngày nay khóc. Họ đã cố kìm nén cảm xúc, nuốt nước mắt vào trong cam phận, hòa mình vào vòng xoáy cuộc đời hay chính cuộc đời chông chênh này khiến họ trở nên gai góc hơn, và mất dần cảm xúc? Những nụ cười nhạt buồn còn se sắt, quặn thắt hơn những giọt nước mắt xối xả lăn dài trên má. Giá như khóc được có lẽ lại tốt hơn. Khóc được, những nỗi buồn tủi, uất ức cũng theo đó mà chảy trôi ra ngoài, cõi lòng sẽ thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn. Còn đau mà cứ phải gượng cười, nỗi đau ấy làm sao cởi bỏ? Người thành phố không biết đáng thương hay đáng trách? Lắm lúc họ vô tình, dửng dưng trước sự đời nhưng thẳm sâu trong tâm hồn những con người đó có những ẩn ức không phải ai cũng hiểu.

Nếu đến Hà Nội trong chốc lát, thưởng lãm vẻ đẹp sang trọng xen lẫn cổ kính của mảnh đất này, người ta sẽ thấy Hà Nội thật đẹp, thật đáng yêu nhưng nếu sống ở đây đủ lâu như lão cao bồi già phố cổ Đỗ Phấn sẽ hiểu Hà Nội không đơn giản như nhiều người tưởng. Chốn phồn hoa đô thị có những cái đẹp nhưng cũng không ít cái lố lăng, cám dỗ. Hà Nội đáng yêu nhưng nhiều lúc cũng đáng buồn. Với Đỗ Phấn nhìn vào bộ mặt xù xì của Hà Nội hôm nay, ông thấy sầu lòng hơn vui. Ông tiếc nuối những hình ảnh bình yên, êm đềm ngày trước, và tiếc cho cả những nét đẹp văn hóa xưa kia . Ông xót xa cho những thân phận nhọc nhằn, lam lũ trên từng con phố, và thương hoài ánh trăng ngàn năm bị người thành phố lãng quên… Tâm trạng nhiều cung bậc ấy đều được diễn tả bằng những con chữ trầm

buồn, chất chứa sức nặng của lòng người, của nỗi lòng tái tê. Giọng văn cũng vì thế mà trùng xuồng như cái gục đầu đầy ủ rũ, vì quá ngán ngẩm, vì quá tiếc nuối và cũng vì bất lực không thể làm gì…

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w