Giọng trào lộng châm biếm nhẹ nhàng, sâu cay

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 92)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.2.1. Giọng trào lộng châm biếm nhẹ nhàng, sâu cay

Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hướng tới những cái mới, cái tiến bộ nhưng có một vài bộ phận mang theo cả những cái lố lăng, kệch cỡm, màu mè. Có vẻ như xã hội càng hiện đại, tân tiến, con người sống càng thực dụng, tráo trở hơn. Viết về những vấn đề này, Đỗ Phấn đã thể hiện bằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm đôi khi kèm theo cả phẫn nộ gay gắt. Qua các tập tản văn của Đỗ Phấn, ta sẽ nhận ra màu sắc đa dạng trong nghệ thuật thể hiện giọng điệu tác phẩm. Bên cạnh những lời triết lí suy tư là tiếng cười mỉa mai, châm biếm nhưng lại mang điệu buồn man mác, một cảm giác tái tê, một nỗi đau đời âm thầm, lặng lẽ mà mênh mông, sâu sắc. Đỗ Phấn không chỉ giàu xúc cảm, giàu suy nghiệm về cuộc đời con người, mà còn thẳng thắn và gai góc khi tiếp cận hiện thực. Cuộc sống đang chảy trôi từng giờ, mỗi khoảnh khoắc qua đi, mỗi lời nói, hành động của con người trong cuộc sống đều là chất liệu để nhà văn xây dựng tác phẩm. Có những lúc đứng trước sự vật dở khóc dở cười, người ta không biết nên phản ứng như thế nào cho tốt hơn ngoài việc giễu nhại, châm biếm đả kích nó. Chính vì vậy, đọc tản văn Đỗ Phấn, chúng ta sẽ bắt gặp một giọng điệu nửa như bỡn như đùa nhưng kì thực là tác giả đang đả kích, phê phán đối tượng.

Đỗ Phấn rất khéo khi làm cho lời văn kể chuyện cứ thản nhiên trôi đi, mang theo tiếng cười trên khóe môi độc giả trước tình huống hài hước. Thế nhưng sau đó người đọc vẫn nhận thấy một nỗi buồn đan xen cảm giác bất lực trước cuộc sống. Đúng như nhà hài kịch người Pháp Molie đã nói:

Tiếng vui cười mạnh chắc, rất buồn và rất sâu Đến nỗi mới cười xong, ta thấy cần phải khóc

Giọng hài hước mỉa mai là một trong những sắc thái giọng điệu được Đỗ Phấn sử dụng có hiệu quả trong tản văn. Nhờ sắc thái giọng điệu này mà những gam màu lạ trong dòng chảy cuộc sống hôm nay được tác giả soi chiếu một cách tinh tế, nhiều chiều. Sau tiếng cười là sự băn khoăn trăn trở của tác giả trước những bất cập, bất ổn trong cuộc sống hôm nay. Thưởng thức tản văn của Đỗ Phấn ta không chỉ nhận ra một

nhà văn thâm trầm, giàu xúc cảm mà còn nhận ra một nhà văn hài hước dí dỏm nhưng cũng rất sâu cay qua giọng tung tẩy vừa như giỡn lại vừa như châm biếm.

Hầu hết giọng châm biếm được Đỗ Phấn sử dụng để đả kích, chỉ trích các vấn nạn của xã hội, con người. Khi thấy tình trạng nhà nhà đều treo chữ Tâm nhưng có thực ai cũng là người có tâm, ông viết: Thế nhưng như một trò đùa. Chữ “Tâm” đôi khi có mặt ở những nơi không biết nên cười hay khóc? Công an khám nhà mấy ông quan tham, thấy treo trên tường chữ “Tâm” to tổ bố mạ vàng sáng trưng…”

[34, 43]. Có một thực tế thật nực cười là những ông quan tham lại luôn ngụy trang cho mình cải vỏ bọc chân chính, thánh thiện, hiền lương nhất, và tất nhiên sẽ có những nghịch cảnh như trên. Với giọng châm biếm nhẹ nhàng nhưng nhà văn đã giúp chúng ta nhìn rõ vào thực trạng đáng buồn đang tồn tại trong xã hội. Cuộc sống hiện đại ngày nay không thiếu gì những trò bịp bợm nhưng nhận ra bản chất của nó và dám phản ánh nó không phải là điều ai cũng dám làm. Có lẽ lên tiếng được như nhà văn cũng cần có bản lĩnh của người không chịu ra luồn vào cúi.

Cũng với giọng hài hước có pha chút châm biếm nhẹ nhàng trên, nhà văn Đỗ Phấn không ngần ngại vạch trần những trò lố lăng, bịp bợm của quan chức cấp cao trong xã hội ngày nay. Tiếng là dẹp loạn tiêu cực, nhưng: “ trong lúc ông bộ trưởng tất tả ngược xuôi khắp miền dẹp loạn tiêu cực thì gian lận thi cử xảy ra ngay cạnh chỗ ông ngồi trên bộ. Các quan đất ở thị xã Đồ Sơn bị phạt mỗi bác năm mươi ngàn đồng, chưa bằng số tiền họ bỏ ra mua những tờ báo có đăng bài viết về mình…”

[34, 37]. Chốn quan trường có không ít những vấn đề bất cập nhưng nếu có bị phát hiện thì cũng chỉ giơ cao đánh khẽ, phạt cho có hình thức, có lệ. Quan chức, lãnh đạo cấp cao vi phạm pháp luật lại được lấp liếm cho qua. Thật đau lòng khi những vị quan “đáng kính” ấy không làm được việc gì để góp phần xây dựng đất nước tiến bộ nhưng lại rất hay ca ngợi mình. Viết về lỗ hổng của xã hội, về những “con sâu làm dầu nôi canh”, Đỗ Phấn không chỉ có bản lĩnh của một cây bút cứng cỏi, mà còn có lương tâm, trách nhiệm của một con người, một công dân đối với đất nước. Là một độc giả có lương tri chắc hẳn chúng ta cũng không thể bàng quan, dửng dưng làm ngơ trước thực trạng đó.

Trong tản văn của Đỗ Phấn, độc giả còn thấy một hiện trạng cha truyền con nối đáng sợ ở trường học. Bản thân Đỗ Phấn cũng giật mình khi nhận ra: “Dù đã

từng ở nơi ấy ra, tôi vẫn không thể nào tưởng tượng nổi cái nghề “học” nay lại trở thành “gia truyền” thì ra chữ nghĩa cũng không khác gì bán phở, rang xay cà phê!..”

[33, 44]. Có thực là Đỗ Phấn đang tự hào, hãnh diện khi được xếp vào hàng cha chú của những ông “thày con” đó? Nếu muốn cạy nhờ, bám víu một nơi như vậy có lẽ Đỗ Phấn đã không “cáo lão về quê” khi còn đương chức, đương quyền. Đỗ Phấn từng có nhiều năm làm giảng viên trường mĩ thuật nhưng ông cũng không thể tưởng tượng nổi cơ chế gia truyền lại có thể xuất hiện trong trường học. Cách ví von của ông “chữ nghĩa cũng không khác gì bán phở, rang cà phê!” cho thấy sự hỗn loạn, tạp nham của nghề dạy học hiện nay. “Thật tuyệt”, có đúng là nhà văn đang ngợi ca, đang khen những đứa con ngoan biết nối nghiệp của cha chú hay chỉ là cách nói châm biếm, xỉa xói nạn gia truyền trong một số cơ quan? Các thày con luôn có một vị trí chắc chắn như vậy thì chỗ nào, cơ hội nào cho những người tài giỏi khác? Xã hội sẽ có một sự bất công không hề nhẹ. Đỗ Phấn viết với giọng châm biếm nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu cay về vấn đề này.

Phản ánh thực trạng bằng cấp, danh tước chức vị giả ngày nay, Đỗ Phấn cũng đã mỉa mai bằng cách nói hài hước: “Có nhiều ngàn cách để tạo ra một ông tiến sĩ thật. Bằng chứng là ở một tỉnh nọ còn có chủ trương mỗi năm sẽ gửi đi đào tạo lấy vài chục bác…” [33, 58]. Có thể thấy một thực trạng đáng buồn ngày nay, nhiều ông tiến sĩ chễm chệ, oai phong nhưng kì thực chỉ là những ông tiến sĩ giấy, giả mạo. Danh hiệu, bằng cấp là thứ cân đai áo mão của các ông tiến sĩ, vậy cái gì mới là nội dung của các ông ấy và làm thế nào để biết? Câu trả lời tưởng đùa nhưng là thật: làm tiến sĩ. Viết về vấn đề này giọng văn của Đỗ Phấn như vừa nhạo báng, vừa châm biếm những ông tiến sĩ rởm, những con người rởm lợm.

Ở một khía cạnh khác khi nhìn về cuộc sống văn minh đô thị và những con người sống trong thành phố ấy, nhà văn có những nhận xét khá thú vị nhưng cũng đầy chua xót về những nỗ lực tập làm người văn minh: “Giờ thì anh đã hiểu vì sao có nhiều người cứ một mực suy tôn cái đô thị “giả cổ” này đến vậy! Suy tôn đếm mức còn phong cho nó những danh hiệu to tát cỡ như “di sản chẳng hạn. Họ có lẽ giống anh ở một điểm là đã nếm mùi thất bại trong nỗ lực tập làm người đô thị văn minh?” [33, 70]. Với cách nói có phần châm biếm, mỉa mai về những danh hiệu

“giả cổ” “di sản văn hóa” của thành phố càng thêm khẳng định những thất bại của con người trong việc tập tành sống làm người đô thị văn minh. Một đô thị văn minh không thể nói là đô thị cổ được. Chỉ khi chúng ta không thể hiểu nó, không thể bắt kịp và hòa tan vào nó chúng ta mới tìm những cách ngụy biện tức cười.

Tác giả vẫn dùng giọng châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu cay khi nói về những lời đồn đại của thiên hạ, cái tật trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay của người đời. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Nguyễn Công Trứ ngày trước lại lấy mo cau buộc vào đuôi con bò và nói là để che miệng thiên hạ. Quả thực miệng lưỡi thế gian khó lường. Nhà văn cảnh báo trước: “Trừ một vài vĩ nhân có vô số huyền thoại rực rỡ sau lưng, bạn cũng như tôi không thể tránh khỏi những đồn đại nhiều khi rất hoang đường, thất thiệt”. Trí tưởng tượng của con người vô cùng phong phú, người ta có thể nói tất cả những gì người ta nghĩ mà không cần biết đúng hay sai. Và hậu quả là nạn nhân sẽ có một vài cái tôi của mình nữa xuất hiện. Một cái tôi nào đó lạ hoắc không phải là mình nhưng lại mang danh mình. Có nhiều người điêu đứng cũng vì những lời đồn đại như thế. Viết về vấn đề này, ta thấy nhà văn châm biếm hơn là cảm thông cho trí tưởng tượng phong phú của con người.

Tóm lại, với giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai, lúc nhẹ nhàng, lúc gay gắt quyết liệt, tác giả đã biểu hiện thái độ đầy lo lắng, trăn trở trước những cái lố lăng, kệch cỡm, và cả sự tha hóa, biến dạng nhân tính, đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trong cuộc sống. Từng trang văn chất chứa nỗi niềm của một người con, một công dân thủ đô nặng lòng với quê hương yêu dấu. Đọc tản văn của Đỗ Phấn, độc giả không thể quên một giọng văn hài hước nhẹ nhàng nhưng cảnh tỉnh, sâu cay đến vậy.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w