Chất tự truyện của một người Hà Nội cũ – Đỗ Phấn

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 102)

PHƯỢNG ƠI VÀ ÔNG NGOẠI HAY CƯỜ

3.3.2. Chất tự truyện của một người Hà Nội cũ – Đỗ Phấn

Một đặc điểm khác làm nên nét riêng biệt trong tản văn về Hà Nội của Đỗ Phấn đó là dường như ông lấy chính cuộc sống của mình để làm chất liệu sáng tác. Vậy nên khi đọc tác phẩm của ông, người đọc thường nhận ra một cái “tôi” tự thuật về cuộc đời của nhà văn cả quá khứ lẫn hiện tại.

Đọc những dòng tâm sự, sẻ chia sau của Đỗ Phấn, ta sẽ thấy được phần nào về những dự định đẹp đẽ của nhà văn sau khi nghỉ hưu: “Dự định của tôi là muốn ngồi viết lại toàn bộ giáo trình môn học mĩ thuật mà tôi đã nhiều năm dạy dỗ học trò… Buồn mất vài năm mới tỉnh ngộ…” [34, 59]. Trước khi trở thành nhà văn, Đỗ Phấn là một họa sĩ có danh tiếng. Ông vẫn coi nghề vẽ là nghề chính của mình còn viết văn, hay làm bạn với con chữ chỉ là “tay ngang”. Đó là cách nói khiêm tốn của người nghệ sĩ có lòng tự trọng. Cả hai lĩnh vực hội họa và văn chương ông đều

gặt hái được nhiều thành công, đều được công chúng và độc giả biết tới. Tuy nhiên, nghề họa gắn bó với ông lâu hơn, nên dù khi viết văn ông vẫn thường nhắc về nó, sử dụng nó cho mục đích văn chương của mình. Khi về hưu, ông cũng xây dựng cho mình những kế hoạch rất quan trọng để cống hiến những trí lực cuối cùng nhưng khi bắt tay vào công việc thì ông mới ngộ ra nhiêu điều và thấy buồn lòng. Cũng có khi ông như lồng tiếng nói của mình vào trang văn để nhận xét về thẩm mĩ hội họa ngày nay: “Có thật là mĩ thuật đang có những bước chuyển mình vĩ đại hòa nhập được với thế giới? Sao chưa nghe nói một tác phẩm mĩ thuật cụ thể nào được ca ngợi trên báo chí nước ngoài?” [33, 135]. Đây là những dòng trăn trở, suy nghiệm về nền hội họa, mĩ thuật trong nước dưới con mắt của người họa sĩ đích thực. Ông thấy nền mĩ thuật của nước ta càng ngày càng trở nên lạ lẫm, nhìn thì có vẻ phát triển, đang hòa nhập nhưng thực chất chỉ là vẻ bề ngoài. Và có một nỗi buồn cho những bước đi của ngành hội họa nước nhà trong những người họa sĩ như thế.

Đôi lúc ông kể về những thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình bằng những ngôn từ rất giản dị, tự nhiên: “Không gì chán cho bằng xem đá bóng một mình nên phần lớn các trận đấu tôi chỉ xem gần hết hiệp một, những diễn biến tiếp theo là việc của màn hình…xem tôi ngủ!” [33, 62]. Xem đá bóng là niềm đam mê của nhiều người, đặc biệt là vào những mùa giải quan trọng. Đỗ Phấn cũng có thói quen đó nhưng phần lớn ông thực hiện niềm đam mê qua màn ảnh nhỏ và cũng chỉ chinh phục được nửa hiệp, phần còn lại dành cho phút nghỉ ngơi của đôi mắt. Với lối kể chuyện tự nhiên, hài hước như tự thuật lại cuộc sống của ông khiến người nghe cũng cảm thấy dễ chịu, khoan khoái và hình dung ra nếp sống bình dị đáng kính của một người Hà Nội cũ như Đỗ Phấn.

Bên cạnh những câu chuyện liên quan đến ngành hội họa, có những lúc ông cũng viết về công việc sáng tác văn chương của mình, nhưng với vẻ e dè hơn chứ không được mạnh bạo như khi ông viết về hội họa: “Ông đã từng tặng tôi nhiều sách. Dĩ nhiên tôi đọc kĩ với lòng kính trọng khôn cùng một nhà văn lớp đàn anh nhưng không phải vì thế mà không có những nhận xét của riêng mình. Nhưng tôi

chưa bao giờ nói với ông những nhận xét ấy, phần vì tự ti (thiếu can đảm khi gặp cây đa!), phần vì nghĩ viết sách là nghề của ông, điều mình cảm nhận có lẽ ông biết tỏng!” [33, 98]. Có thấy tâm lí tự ti, non tay không dám “múa rìu qua mắt thợ” của nhà văn, ta càng trân trọng hơn về đức tình khiêm nhường của một nhà văn biết người biết ta. Nói về niềm đam mê văn chương chữ nghĩa ông viết mới một giọng đầy hào hứng: “Tôi hăm hở bắt tay vào việc với tất cả sự cẩn trọng và thích thú, chỉ ao ước cầm cuốn sách trên tay tặng bạn bè, những người tôi yêu quý và biết ơn”, nhưng khi nhận ra sự thật là không có nhiều người để tặng thì ông thấy buồn lòng: “thế nhưng khi cuốn sách ra đời mới thấm thía một nỗi buồn. Không có nhiều người để tặng!”. Tặng ai đó cuốn sách mình viết ra không phải chuyện dễ. Những người thân thiết thì biết quá rõ mình viết những gì, người lạ thì chẳng mấy ai quan tâm mình viết gì… Sự nghiệp viết lách quả thực lắm gian nan.

Gần gũi và giản dị hơn cả là ông viết những lúc được chơi đùa cùng đứa cháu ngoại. Khi được ở nhà chăm cháu, trông cháu là ông lại có biết bao câu chuyện vui để kể: “Cháu chưa đầy tuổi tôi, ông hưu non. Nhà có hai ông cháu không đi làm nhà nước, thế nhưng độ quan trọng của hai người khác hẳn nhau. Ông rõ ra hết tích sự… Cháu còn bé, chỉ làm mỗi một việc là chờ lớn…” [33, 86]. Hai ông cháu cứ vậy quấn quýt với nhau cả ngày. Mệt nhưng vui. Niềm vui của tuổi già đôi khi chỉ cần giản đơn như thế. Được nghe cháu bi bô, nói cười, được kể rất nhiều chuyện tào lao cho cháu nghe mặc dù có thể cháu không hiểu, nhưng miễn cháu ngoan là được. Cuộc sống của nhà văn đôi khi diễn ra nhẹ nhàng như thế. Nhưng cũng lắm lúc cứ cất bước ra đường gặp những cảnh lổn nhổn, bừa bãi của thành phố thì ông ngoại ấy lại thấy lăn tăn, suy tư...

Còn rất nhiều chuyện khác nữa mà Ông ngoại hay cười đã kể lại, tự thuật lại về cuộc sống thường nhật của nhà văn. Câu chuyện của Đỗ Phấn có vẻ đời thường nhưng là bức tranh chân thực về cuộc sống của nhiều công chức về hưu ở Hà Nội. Đó là cuộc sống của những người Hà Nội cũ, thâm trầm và lặng lẽ. Họ như tách mình khỏi những xáo động, ồn ào bên ngoài bằng cách chọn niềm vui giản đơn bên gia đình.

Tóm lại, với màu sắc tự thuật, các bài tản văn của Đỗ Phấn đã giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống, tâm tư tình cảm của nhà văn cũng như hiểu hơn những trăn trở, âu lo của những lớp người Hà Nội cũ. Họ sống giản dị, bình lặng và luôn cố gắng gìn giữ những nét đẹp của mảnh đất Hà Thành. Cái “tôi” tự thuật ấy sẻ chia, giãi bày thủ thỉ tâm tình như tiếng nói của một thế hệ trước đã đi qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến biết bao đổi thay của đất kinh kì Hà Nội. Tiếng nói ấy giúp con cháu, và các thế hệ tương lai hiểu rõ hơn về Hà Nội, và phần nào đó cảm nhận được nỗi niềm của những người Hà Nội cũ như ông.

Một phần của tài liệu Luận văn: Tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn (Trang 102)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w