Đền Phù Đổng

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 37 - 38)

Đền Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương theo quốc lộ số 1 tới cầu Đuống, vượt sang bên kia sông rồi rẽ phải đi thêm 5 km là xã Phù Đổng - quê hương của Thánh Gióng, vị thánh mới chỉ ba tuổi đã vươn mình lớn dậy, đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ quê hương, đất nước.

Đền Phù Đổng được vua Lý Thái Tổ cho lập từ khi dời đô ra Thăng Long (1010) và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Ngôi đền hiện nay gồm: bái đường, hậu cung, nhà thuỷđình múa rối nước ở ao trước đền. Trong đền, tượng Thánh Gióng khá lớn ngồi giữa, hai bên là tượng các quan hầu. Giá trị nhất là đôi rồng đá cách điệu đặt ở bậc thềm, đôi sư tửđá tạc vào thế kỷ XIX, cỗ ngai chạm trổ rất đẹp, tấm bia đá khắc năm 1660 và đôi choé sứ.

Phù Đổng còn có các di tích đền Hạ thờ mẹ Thánh Gióng và miếu Ban, Cố Viên gắn với truyền thuyết Gióng chào đời, mẹ Gióng đến hái rau rồi ướm chân mình vào chân người khổng lồ; Giá Ngự và mộ Trần Đô Thống - vị tướng tiên phong trong đoàn quân phá giặc Ân; chùa Kiến Sơ, nơi Lý Công Uẩn được Thánh Gióng chúc mừng bằng bài thơ hiện lên thân cây, khi người đến thăm chùa.

Hàng năm, tại đền Gióng, cứ vào ngày 9 tháng 4 âm lịch, dân làng Phù Đổng mở hội diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân.

Đền Sái

Đền Sái ở trên một quảđồi thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, cách di tích Cổ Loa khoảng 5 km về phía bắc. Di tích gắn liền với việc xây thành Cổ Loa của An Dương Vương.

Theo truyền thuyết, khi vua Thục đắp thành Cổ Loa, có bạch kê tinh ở Thất Diệu Sơn (núi Sái) quấy phá. Nhờ có thần Kim Quy giúp, thành ốc được xây xong. Để tưởng nhớ công tích đó, Thục An Dương Vương lập đền thờ Huyền Thiên trên núi Thất Diệu.

Ngôi đền dựng trên toà núi đất nổi giữa cánh đồng. Các công trình kiến trúc kế tiếp nhau từ lưng chừng núi lên đỉnh. Dưới cùng là ngũ môn đồ sộ, tiếp đến gác chuông ba gian hai chái, sau đến đền kính thiên, tiền tế, bái đường và hậu cung. Các công trình kiến trúc có niên đại cuối Lê, đầu Nguyễn. Cổ nhất là hậu cung, nền nhà lát bằng nhiều viên gạch có trang trí nổi hình rồng, vật liệu kiến trúc tiêu biểu của thời Lê. Quanh đền còn có "Tiên Tỉnh", "Tiên Trì", "Mã Tích Tiên Đề", "Thạch Sùng".

Hiện nay, đền Sái còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, sáu tấm bia đá, cây hương đá dựng từđời Lê Chính Hoà.

Hội đền Sái tổ chức vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. Ngoài các lễ thức, trò chơi thượng võ truyền thống, còn có hội "Rước vua giả" diễn lại kỳ tích xây thành Cổ Loa.

Đền Sóc

Đền Sóc thuộc thôn Cảo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km về phía tây bắc.

Cùng với đền Phù Đổng ở Gia Lâm, đền Sóc ở Sóc Sơn và đền Sóc ở Cảo Đỉnh thờ Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương).

Theo truyền thuyết ởđịa phương, sau khi đánh tan giặc Ân, trên đường về núi Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), Gióng đã dừng chân nghỉ tại đây để xuống tắm ở Hồ Tây và ăn cơm với cà (cà Cảo). Khi lên đường, Gióng quên chiếc roi sắt đã bị gãy trong trận chiến, dân trong vùng bèn lập đền thờ.

Dấu tích của đền nay còn lưu lại qua hệ thống chân tảng bằng đá có nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII), tấm bia trùng tu dựng năm Chính Hoà thứ bảy (1686), chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhì ( 1794) và đặc biệt là pho tượng Thánh rất lớn: cao 4,5 m (cả bệ), ngang 1,6 m.Các vết tích còn lại cho biết ngôi đền trước đây có qui mô rất đồ sộ trên một mặt bằng rộng. Các hạng mục kiến trúc chính gồm nhà mộc dục, tam quan dẫn vào sân rộng, lên khu đền chính được bố cục theo chiều dọc với hậu cung cao 1,4 m so với tiền tế. Chung quanh là hệ thống cây lưu niên toả bóng.

Hiện nay, Xuân Đỉnh vẫn còn đặc sản "cà Cảo", món ăn mà ông Gióng đã dùng khi xưa.

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 37 - 38)