Theo quốc lộ 1A, qua thị trấn Từ Sơn (km 18), đi thêm 6 km đến ga Lim, ở phía phải là đồi Lim (còn gọi là núi Hồng Vân). Đây là đất hội tụ của trai gái quanh vùng vào dịp xuân, hát giao duyên quan họ, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Từ bao đời, họ hát trên đồi, hát trên đồng cỏ, hát cảở mạn thuyền lướt trên sông Tiêu Tương chạy dưới chân đồi.
Đồi Lim cũng là điểm khởi đầu của con đường đi theo hướng Bắc - Nam chạy về núi Phật Tích. Trước hết, chạy giữa hai ngọn núi Long Khám và Vân Khám. Trên đỉnh Vân Khám trước đây có ngôi chùa Bách Môn (trăm cửa) kiến trúc hình vuông, có tới hàng trăm cửa. Từ hai núi Khám, con đường chạy qua một cánh đồng rộng tới núi Đông Sơn. Vòng quanh núi Đông Sơn, tới đợt núi Bát Vạn cao hơn 150m.
Đến lượt thứ tư là núi Lạn Kha (rìu mục) tên gọi này bắt nguồn từ câu chuyện chàng Vương Chắt một lần lên núi dồn củi thấy hai ông già đánh cờ. Chàng dựa rìu vào đá, đứng xem. Hết ván cờ, hai ông già bay lên trời, thì ra họ là tiên. Vương Chất cầm rìu toan đi đốn củi thì cán rìu đã mục, tức là hàng trăm năm đã trôi qua! Núi Lạn Kha còn có tên núi Phật Tích vì ở sườn núi phía nam có ngôi chùa Phật Tích (tức chùa Vạn Phúc). Ngôi chùa này được tạo dựng năm 1057, đã qua nhiều đợt tu bổ. Trong những năm 1947 - 1948, quân viễn chinh Pháp đã phá chùa tan hoang. Nay, ngôi chùa mới được dựng lại, di vật cổ chỉ còn: ba lớp nền bó bằng đá, 16 tượng thú bằng đá, một tượng Kim cương, các tảng đá kê cột có chạm khắc đẹp, pho tượng A-di-đà bằng đá tạc từ thế kỷ XI. Đặc biệt trong chùa có pho tượng một nhà sư, không bằng gỗ, bằng đá mà là tượng bó cốt tức là thi hài thật được bó bằng sơn ở tư thế ngồi. Đây cũng là một bằng chứng của cách ướp xác thời xưa. Nhà sư này có thể là người ở thế kỷ XVII.