Chùa tên chính là Sùng Phúc Tự, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, có 18 pho tượng các vị sư tổ rất đặc sắc.
Chùa dựng trên một ngọn núi cao chừng năm chục mét, hình cong cong như chiếc lưỡi câu nên có tên núi Câu Lâu. Nhìn từ xa, núi này cùng với những ngọn đồi vùng Kim Quan trông như một đàn trâu, mà núi Câu Lâu là con đầu đàn đang quay đầu lại tìm nước uống phía đầm sen.
Từ chân núi leo lên 239 bậc lát đá ong lên đến đỉnh núi cũng là vừa đến cổng chùa. Chùa có ba nếp, mỗi nếp có hai tầng mái. Các cột gỗđều kê trên tảng đá xanh, tròn, có chạm hình cánh sen. Mái ngói
lợp rất công phu, lớp trên là thứ ngói mũi đúc hình lá đề nổi, lớp dưới là ngói lót hình vuông đều tăm tắp. Chung quanh diềm mái của ba nếp nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá cuốn. Trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung. Các đầu đao mái chùa cũng bằng đất nung, đường nét nổi lên hình hoa lá rồng phượng.
Chùa Tây Phương hội tụ những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc dân tộc (bao gồm cả chạm trổ, phù điêu và tạc tượng). Khắp chùa hầu như chỗ nào có gỗ là có chạm trổ các hình lá dâu, là đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... vốn là các kiểu cách trang trí quen thuộc của dân tộc Việt.
Đến thăm chùa, du khách sẽ thấy một thế giới tượng, một cuộc sống riêng của bảy tám chục pho tượng bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trong đó có những pho nổi tiếng như tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tuyết Sơn; tượng các Tổ của Thiền Tông... Trong số này có những pho đáng liệt vào hạng tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam như pho La Hầu, La Đa và tượng Tuyết Sơn. La Hầu, La Đa vốn là người Ấn Độ. Nhưng trừ hai dái tai dài theo công thức của các tượng Phật còn nói chung là chân dung một cụ già Việt Nam: Khuôn mặt dài, mắt nhỏ mũi thấp, gò má cao, môi mỏng và hơi xếch hai mép ngoài. Dưới cái áo rộng với những nếp tự nhiên là thân hình gầy gò. Những nếp áo tượng La Hầu, La Đa này có thể nói là có một không hai trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam diễn đạt y phục và hình thể một cách tài tình. Những phần để lộ da thịt ra (nhưở ngực, tay, bàn tay), chứng tỏ nghệ nhân am hiểu cả về giải phẫu học. Hai bàn tay gầy guộc thấy rõ từng đốt xương, dáng điệu một tay cầm gậy, một tay để trên gối thật thoải mái.
Tượng Tuyết Sơn mô tả Thích Ca ở giai đoạn đi tu buổi đầu, lúc ngồi tham thiền nhập định ở chân núi. Ởđây Thích Ca cũng đã được Việt Nam hoá có hình dạng một người đứng tuổi, rất gầy, chân co chân chống, tay gác lên gối. Tượng rõ là một nhà sưđang tập trung tư tưởng cao độ, da khô đét, má hóp, mắt sâu thẳm.
Theo lời văn bia cổ hiện có ở chùa thì vào năm 1632 chùa được sửa lại, dựng thượng điện ba gian và hậu cung cùng hành lang hai mươi gian. Sau đó một năm, có việc tạc tượng và đúc chuông .... Tới năm 1794, thời Tây Sơn, chùa được làm lại như hiện nay.