Theo quốc lộ 32, từ Trạm Trôi đi thêm 5 km sẽ tới chợ của làng Đại Phùng. Cách chợ chừng 200 m là đình làng. Đại Phùng nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nằm trải dài trên bờ trái của sông Đáy. Toàn bộ kiến trúc đình gồm nhà tiền tế, đại đình hình chuôi vồ, nhưng chỉ có đại hình là cổ (thế kỷ 17), còn hai nếp nhà kia mới xây gần đây.
Đình lợp ngói mũi hài, bốn mái có dộ dốc lớn bốn góc đao cong vút. Các vị trí kiến trúc đều có điêu khắc trang trí với các đề tài sinh hoạt thật đa dạng: Uống rượu, trai gái tự tình, cô gái tắm hồ sen, ông tiến sĩ vinh quy bái tổ, đấu vật... Vềđề tài động vật thì ngoài khỉ, hươu, chó, có rồng giao tranh với kỳ
đà, rồng quấn quít thành bầy, đùa giỡn với người, rồng uốn lưng cho người cưỡi... Ngoài phần trang trí chạm nổi, đình còn một số tượng hình tròn như voi, ngựa, tiên có cánh...
Đình Đại Phùng thờ Vũ Hùng, một võ tướng thời Trần Anh Tông (thế kỷ XIV) có công xây dựng xóm làng an khang.
Quán Giá
TừĐại Phùng theo đê sông Đáy xuôi về phía nam độ 5 km sẽ tới làng Giá, tên chữ là Yên Sở. Làng Giá nay thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Quán thờ thành hoàng làng.
Quán Giá thờ Lý Phục Man - một chiến tướng đời Lý Nam Đế. Rất tiếc là năm 1947, lính Pháp đã đốt phá di tích này. Nay chỉ còn hai tam quan, hai bức tường và hậu cung. Về hai tam quan, cái ngoài cách cái trong 20m được các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình và đền Việt Nam. Trên tam quan thứ hai có gắn 49 mảnh đất nung có trang trí. Nhưng đặc biệt hơn là ở hai bức tường liền với hai cột trụ lớn có những viên gạch nung hình vuông, có đường chỉ viền chung quanh, giữa là những hình nổi. Không hình nào giống hình nào, tạo thành một bức tranh sinh động. Dân gian coi đó là phong cảnh sinh hoạt: Người dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ao sen, người cưỡi voi, người cỡi ngựa, người gánh củi, hai người đánh cờ, người bơi thuyền đánh cá, chú bé chăn trâu có hai em khác đứng bên đùa nghịch... Nhưng các nhà nghiên cứu đạo Phật thì coi đó là những tích trong Phật thoại: cảnh hươu và mặt trời (hay hoa) là minh hoạ cảnh Phật Thích Ca thuyết pháp lần đầu ở Lộc Uyển, cảnh ao sen có người tắm là phản ánh cảnh Phật tắm trước khi lên ngồi gốc cây bồđề, cảnh voi và hai người ngả vật là cảnh voi điên ở Rajafgrha...
Trong hậu cung hiện vẫn còn tượng Lý Phục Man. Làng Giá có lệ mở hội vào tháng ba âm lịch, nổi bật nhất là đám rước. Người đi rước đầu mặc áo đỏ, đội khăn đỏ, chỉnh tề như hành quân. Sau khi rước có tổ chức một cuộc múa lớn ở trước tam quan gọi là trò "Nghiêm quân", có hàng trăm ngời tham gia. Múa "Nghiêm quân" đi theo hình trôn ốc, diễn lại một trận đánh bị quân giặc bao vây bốn phía, nhưng người tướng cầm lá cờđại để phá vây, lộn từ trong trở ra rất tài. Người xem khó nhận ra người tướng đó vòng trở ra lúc nào.
Hội Giá từ lâu đã thu hút người xem dọc hai bờ sông Đáy. Làng Giá trồng rất nhiều dừa, cho nên còn có tên là làng Dừa.