Chùa Trăm Gian

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 70 - 71)

Ở phía tây của di tích Phụng Châu- chùa Trầm, có chùa Trăm Gian. Chùa thuộc xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

Chùa chính tên là Quảng Nghiêm Tự, dựng trên một quảđồi cao khoảng dăm chục mét có tên là núi Mã, chung quanh có nhiều cây cổ thụ toả bóng mát, nhiều cây trám, cây trắc lực lưỡng, tán lá xoè rộng che rợp mặt đồi, có tới vài chục cây thông hàng trăm tuổi.

Nhiều tài liệu ghi rằng chùa được lập từ thời Lý, vào năm 1185. Cuối thời Trần,thế kỳ XIV có một vị cao tăng quê ở Bối Khê tên là Nguyễn Lữ, hiệu Bình An. Trong sách "Lĩnh Nam chích quái" có ghi: ông có nhiều phép lạ, có thể làm mưa, gọi gió. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và

tôn là "Đức Thánh Bối". Bên làng Bối (nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây) cũng có chùa thờ ông.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ bốn góc là một gian thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành ba cụm kiến trúc chính.

Cụm thứ nhất gồm bốn cột trụ và hai quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là Giá Ngự nhìn ra hồ sen, nơi đặt kiệu để "Thánh" xem trò múa rối nước trong ngày hội (!)

Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông hai tầng mái. Các ván bưng chung quanh đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,60 m, đúc năm 1794. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh, hai bên có lan can đã chạm hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật. Lại leo chín bậc đá hai bên, có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thì tới cụm thứ ba, đó là chùa chính gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là hai dãy hành lang. Trong cùng là nhà Tổ, giữa có lầu trống bên trong treo một trống lớn (đường kính tới 1 m) và một khánh đồng dài tới 1,20 m, cao 0,60 m, đúc năm 1749.

Chùa có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung. Về mặt lịch sử, có pho tượng đặt ở gian bên trái, lâu nay dân địa phương chỉ biết gọi là tượng quan Đô tức là đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng tài ba của nhà Tây Sơn. Lại có bức tượng "Đức Thánh Bối" đặt trong khám gỗ gian bên phải. Tương truyền là tượng bó hài cốt của "Thánh" tức bên trong là thi hài thật, bên ngoài bó sơn.

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 70 - 71)