Trở ra quốc lộ 32, đi ngược lên phía tây bắc đến km 52 rẽ trái đi khoảng 1 km sẽ gặp một ngôi đình cổ cũng rất đặc sắc, đó là đình làng Tây Đằng, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
Đây là một công trình kiến trúc tín ngưỡng có giá trị nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ và trang trí trên các cấu kiện bằng gỗ của công trình. Chính ở nếp đình này, những người thợ của xứĐoài đã gửi vào thớ gỗ, nhát đục, đường xoi…những sáng tạo mang lý tưởng thẩm mỹ lạc quan và hồn nhiên.
Đình Tây Đằng có thểđược xây dựng vào thế kỷ XVI, là nơi thờ Sơn Tinh, một nhân vật thần thoại, một anh hùng văn hoá có công trị thuỷ, ngự trị trên đỉnh núi Tản Viên.
Đình gồm năm gian bốn mái. Các đầu đao đều uốn cong có gắn các con giống hình long, ly, quy, phượng bằng đất nung. Ở hầu hết các cấu kiện bằng gỗđều có chạm khắc hình rồng, phượng, và hoa lá chiếm tỷ lệ lớn trong các đề tài trang trí, hình rồng ởđây mềm mại và linh hoạt lạ thường. Chim
phượng cũng vậy, được chạm theo lối phượng múa. Loại hình điêu khắc này là nét độc đáo riêng biệt của đình Tây Đằng.
Hoa lá được chạm trổ nhiều, phổ biến là những hình hoa cúc cánh nở xoè, ở giữa có những lớp cánh còn cụm lại, bên cạnh là những lá cúc được cách điệu đôi chút. Ngoài hoa cúc còn có phù dung với các cánh hoa nở xoè uốn sang hai bên một cách cân đối với những đường cong nhẹ mát.
Hình mây cũng thật đặc biệt: Toàn là loại mây xoắn ốc hoặc mây có cánh nhọn, chứ không phải các loại mây hình tròn đăng đối hoặc mây hình lưỡi mác quen thuộc ở các công trình khác.
Nhưng độc đáo là những bức chạm trên các bức cốn, các ván lóng... phản ánh sinh động nhiều mặt cuộc sống của người dân thôn dã. Chỉ với vài ba nét đục giản dị, nghệ nhân đã để lại trên thớ gỗ bao cảnh đời khác nhau; từ những cảnh lam lũ như người tiều phu đốn củi, hào hứng như người làm trò trồng cây chuối, say sưa như cảnh bơi thuyền chuốc rượu hay tình tứ như cảnh trai gái chải tóc cho nhau hoặc trăn trở như bức chạm "Mẹ gánh con". Ởđây, chân mẹ như lún sâu trên đường đất gồ ghề. Cái nón đầy và rộng như úp chụp lên toàn bộ thân hình người phụ nữ thời xưa... Tất cả nói lên rằng đây chính là những nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI, XVII.