Các di tíc hở tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 78 - 80)

Trở ra Phủ Lý theo quốc lộ 1A đi vào phía trong đến thị xã Ninh Bình.

Hoa Lư

Trên cánh đồng chiêm bát ngát một màu xanh mát mắt của hai huyện Gia Viễn và Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình là 99 ngọn núi đá vôi lô nhô nối tiếp nhau kéo dài như bức trường thành. Đôi chỗ có một ngọn đột ngột vươn cao như toà tháp canh sừng sững vây quanh những thung lũng rộng thoáng, có sông ngòi uốn khúc, có hồđầm mặt nước lấp loáng như gương in bóng cảnh núi non hùng vĩ và bầu trời khoáng đãng. Đó là thắng cảnh "Hạ Long trên cạn" của Ninh Bình, có khu di tích Hoa Lư- kinh đô của nước Đại Việt xưa.

Cồ Việt quốc đường Tống Khai Bảo Hoa Lưđô thị Hán Trường An

(nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo; Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt cũng như

Tràng An là kinh đô nhà Hán vậy).

Đôi câu đối bên cột đền vua Đinh ở Hoa Lư nói lên lòng tự hào của tổ tiên ta trước tầm vóc lớn lao của Tổ quốc bước vào giai đoạn độc lập tự chủ.

Những ghi chép trong sách cũ thì cốđô Hoa Lư nằm trên địa phận của hai xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ ngày nay. Tường thành cao từ 8 - 10 m, đắp bằng đất, bó gạch lớn, có in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên". Thành Hoa Lư rộng khoảng 300 héc ta, chia làm hai khu vực: Thành ngoại ở phía đông và thành nội ở phía tây ăn thông với nhau qua một ngách núi gọi là quèn Võng. Giữa hai khu từng có cổng lớn xây bằng đá, cầu đá bắc qua hào sâu, mang tên Cầu Đông, Cầu Dền... Từ thời Đinh đến Tiền Lê, qua 41 năm (968-1009), nhiều cung điện được xây dựng trong thành.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê Đại Hành cho xây dựng điện "Bách Bảo Thiên Tuếở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc". Thành ngoại cũng có nhiều công trình kiến trúc, dinh thự, kho tàng... Khu vực này còn di tích chùa Một Cột với cột Kinh Lăng hình trụ tám cạnh dựng năm 988; hàng trăm cột kinh Phật của Nam Việt Vương Đinh Liễu tiến cúng; đền thờ công chúa Phật Kim con vua Đinh Tiên Hoàng; Am Tiên, vốn là nơi nuôi hổ báo để trị tội đồ, sau biến thành nơi thờ Phật; Núi Cột Cờ cao hơn hai trăm mét, cắm cờ của triều đình Đại Cồ Việt; Núi Chợ, Ao Giải, Hang Muối, Hang Tiền, Đầu Đông Quân, tuyến đường lát gạch in hoa cúc, phượng múa, hai bên có nhiều cột lim nối liền núi Cột Cờ với núi Thanh Lân ở tuyến thành phía đông... Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, có cho dựng lại ở kinh đô mới một số cầu, cổng, đền chùa....vốn có ở Hoa Lư như chùa Một Cột, Cầu Đông, Cầu Dền...

Về thăm Hoa Lư, từ Hà Nội theo quốc lộ 1A rẽ theo đường Tiên Yết, vào tới khu di tích.

Thoạt đầu là động Thiên Tôn - trạm gác tiền tiêu của cốđô, nằm dưới chân núi Dũng Đương. Động chia làm hai phần: Phần ngoài rộng khoảng 200 m vuông, nền đẳng, trần cao, giữa có hương án khá đồ sộ, chạm đẹp. Bên trái là bệ thờ 18 vị La hán. Bên phải treo quả chuông lớn đúc thời Cảnh Hưng. Phía sau hương án là một hành lang ngắn ăn thông vào một hang nhỏ tạo thành hình chuôi vồ, có án thư, bệ

thờ, Long Đình đôi rồng chầu toàn bằng đá. Trong Long Đình có tượng Trấn Vũ Thiên tôn bằng đồng, nặng khoảng bốn tạ, đứng chống gươm trên lưng rùa đá, trông oai nghiêm đường bệ. Phía sau Long Đình có một giếng tròn gọi là giếng Rồng, quanh năm có nước. Từđộng Thiên Tôn đi tiếp đến Quèn Ổi - cửa ngõ phía đông của đô thành Hoa Lư.

Đền thờ vua Đinh và đền thờ vua Lê được xây dựng trên nền cung điện chính thuở xưa, nằm ở trung tâm khu vực thành ngoại. Đền vua Đinh tựa lưng vào dãy núi Phi Vân, phía trước là Mã Yên Sơn (núi Yên Ngựa). Theo lời các cố lão ởđịa phương thì đền được xây từ thời Lý, quay về hướng bắc. Sau đợt trùng tu lớn vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII); đền mới hướng về phía đông. Đền làm theo kiểu "nội công ngoại quốc". Ngoài cùng là cổng lớn được gọi là "Ngọ môn quan", tiếp đó là hồ sen núi giả, rồi đến nghi môn ngoại (cổng ngoài). Một con đường lát gạch, hai bên là vườn hoa, dẫn tới hai cột trụ cao có đôi câu đối nêu bật địa thế hiểm trở của núi non sông nước Hoa Lư. Gần đó là tấm bia lớn dựng năm Chính Hoà thứ 17 (1696), ca tụng công chúa Phật Kim. Qua hai trụ cổng là đến sân rồng. Giữa sân rồng là một sập rồng, đặt trên bệ cao dài khoảng 1,90 m rộng 1,40 m, mặt sập và thành sập là nguyên một khối đá, một con rồng lớn có sừng giữa trán, tai như tai trâu, râu xoắn dưới cằm, bờm hất ngược, vùng vẫy trong mây, choán gần hết mặt sập. Viền quanh sập, trên chân sập kiểu "châu quỳ dạ cá" là các hình rồng, phượng, hoa tranh, lá dẻ, vân mây... và còn có cả tôm tép, cua cá, chuột.

Hai bên sập rồng có đôi nghê đá rất sống động. Đền gồm ba lớp: ngoài là toà bái đường; giữa là gian thiêu hương thờĐinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lu Cơ Bổn, những "khai quốc công thần" triều Đinh.

Lớp trong cùng là toà chính cung, chính giữa có tượng Đinh Tiên Hoàng đúc bằng đồng, khoác mũ áo thiên tử, ngồi trên bệ rồng. Bên trái là tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn; bên phải là tượng Đinh Toàn, Đinh Hạng Lang, là các con của vua Đinh.

Đền vua Lê cách đền vua Đinh khoảng 500 m, bên một nhánh của sông Hoàng Long, dựa vào núi Đìa, phía trước là núi Đèn, kiểu thức xây dựng vềđại thể cũng giống nhưđền thờ vua Đinh, cũng có nghi môn ngoại, hồ sen núi giả, nghi môn nội, sân rồng, sập rồng, bia ca tụng công đức vua Lê Đại Hành dựng năm Hoàng Đinh thứ 9 (1608), ba toà bái đường thiêu hương, chính cung. Đền vua Lê còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc trang trí cổ. Đặc biệt có sáu đầu bẩy chạm sáu con rồng, mỗi con một dáng vẻ, con vờn ngọc, con đấu hổ, con phun lửa... rất sinh động và bộ cánh cửa toà chính cung có hình độc long trên nền gấm chữ triện hoa, tranh chạm trổ rất công phu. Nhiều mảng trạm trổ trên cổng ván bưng, trên điểm bia, bệđá... với các hình rồng ổ, rồng đàn, tôm, cua, khỉ, sóc... thể hiện cảm hứng nghệ thuật phóng khoáng và tài năng điêu luyện của các nghệ nhân đương thời. Trong chính cung đền Lê có đặt tượng vua Lê Đại Hành ngồi trên ngai vàng, mang dáng dấp võ tướng; bên phải là tượng Lê Long Đĩnh, bên trái là tượng Dương Vân Nga xiêm y lộng lẫy, nét mặt thanh tú.

Lăng vua Đinh Tiên Hoàng đặt trên đỉnh Mã Yên Sơn có thể nhìn bao quát toàn cảnh khu di tích. Ở giữa là dòng Hoàng Long quanh co uốn khúc. Bên tả sông Hoàng Long có ngọn Kiếp Lĩnh (núi cắm gươm). Ven sông, ruộng đồng chia ô như bàn cờ. Dưới những lùm cây xanh tốt um tùm vây quanh chân núi, thấp thoáng ẩn hiện những lớp mái rêu phong của các đền miếu cổ xưa.

Hằng năm để tưởng nhớ công lao người anh hùng đã dựng nền thống nhất độc lập cho đất nước, nhân dân vùng Trường Yên - Hoa Lư tưng bừng mở hội vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch. Người bốn phương kéo về dự hội rất đông. Hội có lễ dâng hương có tổ chức nhiều trò chơi mang tinh thần thượng võ, có những màn đồng diễn "cờ lau tập trận", xếp chữ "Thái Bình" là niên hiệu đầu tiên của Đinh Tiên Hoàng, đua thuyền, đấu vật, rước rồng... kéo dài tới ba bốn ngày.

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)