Cụm Đình Bảng

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 49 - 50)

Trở lại quốc lộ 1A, tiếp tục đi lên phía bắc, đến km 15 là hết địa phận thành phố Hà Nội, sang tỉnh Bắc Ninh và đó là đất làng Đình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn thuộc loại giàu của tỉnh Bắc Ninh. Dân sống vừa bằng nghề nông vừa bằng nghề buôn, ngày trước buôn tơ lụa, nay buôn nhiều hàng công nghệ phẩm. Tại đây có ba di tích: Ngôi đình làng, đền Lý Bát Đế (còn gọi là đền Đô) và khu lăng mộ các vua Lý. Về những ngôi đình cổ kính nổi tiếng của đất Kinh Bắc, người ta thường truyền tụng câu ca

dao:

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm

Đình Đông Khang, từ lâu không còn nữa. Vì vậy, ngôi đình làng Bảng (tên Nôm của làng Đinh Bảng) trở thành ngôi đình nổi tiếng nhất trong số những ngôi đình còn lại ở miền quê cổ kính, giàu đẹp, hào hoa này. Đình dựng trên nền đất cao, hướng nam, chung quanh là mười bảy hồ ao lớn nhỏ vết tích của sông Tiêu Tương, tương truyền do các vua nhà Lý cho đào ăn thông với sông Đuống, để có thể từ Thăng Long về thẳng quê bằng đường thuỷ. Đình trước đây vốn có tam quan, đôi cột trụ cao đắp đèn lồng với cửa tò vò mái giả, sân gạch rộng thênh thang và hai dãy tả vu, hữu vu. Những kiến trúc này đã bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh, nay chỉ còn toà bái đường (đại đình) với ống muống ăn thông vào hậu cung thành hình chữ I. Toà bái đường hình chữ nhật, dài 20 m, rộng 14 m, chia làm bảy gian, hai chái, nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp, từ nền lên tới bờ nóc cao 8 m. Bốn mái đình lợp ngói mũi hài dày dặn, to bản, choán tới 2/3 chiều cao của đình, vươn ra trùm lên hàng hiên, trông rất bề thế nhưng vẫn thanh thoát với những đầu đao cong vút lên. Nâng đỡ bộ mái nặng hàng mấy tấn này là 60 cột lim lớn nhỏ và một bộ khung cũng toàn bằng gỗ quý, được trau chuốt, trạm trổ tinh vi với những đồ án trang trí quen thuộc như rồng, phượng, tùng cúc, trúc, mai, bầu rượu, thanh gươm... đặc biệt là rất nhiều rồng (có tới trên 500 hình rồng). Bốn mặt bái đường đều lắp khung lùa cửa bức bàn. Nền bái đường, chính giữa lát gạch lá nem, các gian bên bắc rầm xà, lát ván làm sàn, cao hơn nền đình 0,70 m, kiểu thức này gợi lên bóng dáng ngôi nhà sàn của người Việt cổ. Kết cấu bộ khung đinh rất vững chắc tuy chỉ gắn bó với nhau bằng các loại mộng.

Năm 1954, trước khi rút chạy, giặc Pháp đã từng buộc xích vào cột rồi cho xe tăng kéo, hòng giật đổ đình, nhưng đình vẫn đứng vững. Đồ trần thiết trong đình, đáng chú ý nhất là bức cửa võng và tấm trần che mái ở gian giữa, chạm trổ tinh vi với các đồ án chữ triện, hoa lá, thể hiện tài năng điêu luyện của các nghệ nhân trang trí. Đặc biệt, bức trạm nổi "bát mã quần phi" trên ván nong phía dưới bao lớn nối đàng cột cái với cột con được tạo nên bởi những nét tài hoa, phóng khoáng, mô tả những đáng hình ngựa phi, ngựa lồng, ngựa nô rỡn, gặm cỏ, uống nước ... sống động vô cùng. Đình được khởi công xây dựng từ năm 1736, hoàn thành sau hàng chục năm thi công liên tục thờ ba vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệđại vương (Thần Trồng Trọt) - những phúc thần phù hộ dân làng làm ăn sinh sống. Hàng năm, vào ngày 12 tháng hai âm lịch, dân làng Đình Bảng lại mở hội để tưởng nhớ công lao của các phúc thần.

Trong ngày hội, trên bãi rộng trước cửa đình có các cuộc vui nhưđánh cờ, đánh vật, đánh đu, chọi gà... Ban đêm có hát chèo. Đặc biệt, trên hồ có hát quan họ trên thuyền, bên gái bên trai cử người hát đối đáp và hát đệm hoà theo. Tiếng hát trầm bổng, du dương, thiết tha, tinh tứ hoà quyện với gió xuân ấm áp, đem lại nguồn cảm hứng vô tận cho dân làng và người tứ xứ về dự hội.

Đình cũng là nơi thờ Lục Tổ tức sáu vị có công lập làng vào thế kỷ XV. Ngày kỵ Lục Tổ là mồng sáu tháng giêng âm lịch. Cách đình khoảng 500 m về phía bắc là đền Lý Bát Đế còn gọi là đền Đô thờ tám vua Nhà Lý (1009 -1225). Đền có từ lâu đời song đã bị quân Pháp xâm lược phá trụi vào năm 1950.

Gần đây, năm 1990 đền đã được làm lại, bên trong có tám pho tượng các vua Lý và tám cỗ kiệu để rước trong ngày hội rằm tháng ba âm lịch. Bên cạnh ngôi đền chính còn một ngôi đền nhỏ thờ bà Chiêu Hoàng là vị vua thứ chín đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Ở giữa cánh đồng làng, xưa vốn là một cánh rừng lớn, tên là Rừng Bàng, bị triệt phá hồi đầu thế kỷ XX, ởđó có các lăng mộ tám vua nhà Lý.

Một phần của tài liệu Ha Noi - Trai tim Viet Nam.pdf (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)