V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
5. Giải pháp bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh
* Đối với các cơ sở nuôi:
- Không được sử dụng thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Bao bì đựng thuốc thú y, hóa chất dùng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần được khuyến khích áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến như VietGAP, CoC, BMP và các quy định khác có liên quan.
- Sử dụng con giống thủy sản sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng và phải được kiểm dịch trước khi thả nuôi; thả giống đảm bảo đúng mùa vụ. Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng, trị bệnh trên các đối tượng nuôi. Kiện toàn hoạt động hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh.
- Việc lựa chọn, thiết kế, xây dựng và vận hành các vùng NTTS cần tuân thủ nghiêm các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của các bộ ngành liên quan, phải phù hợp với quy hoạch. Tất cả các dự án phát triển khu NTTS thâm canh/bán thâm canh có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, các dự án NTTS quảng canh có diện tích mặt nước từ 50 ha trở lên và tất cả các dự án khu nuôi trồng thuỷ sản trên cát đều phải làm đánh giá tác động môi trường:
+ Chất thải phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường về chất thải; + Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thuỷ sản;
+ Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản; không được sử dụng hoá chất độc hại hoặc tích tụ độc hại;
+ Không được phá rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn để phát triển nuôi trồng thủy sản.
* Đối với vùng nuôi theo hình thức quản lý cộng đồng: Bên cạnh các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi, cần xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng chỉ áp dụng khi được sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả thành viên trong tổ đồng quản lý. Trên cơ sở đó, các hộ thống nhất mùa vụ thả nuôi, cùng tiến hành cải tạo ao theo đúng kỹ thuật. Việc cấp và thoát nước phải chịu sự giám sát của ban quản lý tổ đồng quản lý. Cần có chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, sau đó tổ đồng quản lý thu phí để duy tu, bảo dưỡng hàng năm.
* Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện xã hội hóa công tác khôi phục rừng ngập mặn tại những khu vực có tiềm năng (đầm Đề Gi, đầm Nại…), một số diện tích bị bỏ hoang; tăng cường nghiên cứu, bảo vệ các bãi đẻ tự nhiên; xây dựng chế tài để quản lý hoạt động khai thác giống thủy sản tự nhiên (tôm hùm, cá chình...).
* Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, quy trình nuôi sạch, tiết kiệm tài nguyên nước, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải trong nuôi trồng
thủy sản; xây dựng hệ thống xử lý chất thải đối với các vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản tập trung; thực hiện việc áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).