1. Hiện trạng môi trường
Trong những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền Trung ngày càng phát triển dẫn đến sự gia tăng chất thải vào môi trường. Hầu hết các diện tích NTTS chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải và bùn thải tập trung. Nước thải sau quá trình nuôi được thải trực tiếp ra môi trường kênh rạch dẫn nước, kết hợp với việc dẫn nước mặn phục vụ nuôi thông qua hệ thống kênh mương đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng nuôi.
Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tháng 8/2015 cho thấy nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ tại các điểm quan trắc ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, An Ninh Đông (Phú Yên), Tân Thủy (Khánh Hòa) đều có biểu hiện ô nhiễm các chất hữu cơ, một số nơi có độ mặn và độ kiềm không phù hợp, mật độ vi khuẩn vibrio vượt giới hạn cho phép, không phù hợp cho tôm nuôi. (Xem bảng 17, 18 phần phụ lục)
- Tại các nguồn nước cấp ở Quảng Nam: độ mặn thấp hơn khoảng giá trị giới hạn tại tất cả các điểm; NH3, phootphate, COD cao hơn giá trị giới hạn cho phép tại tất cả các điểm.
- Tại các nguồn nước cấp ở Bình Định: độ kiềm thấp hơn giá trị giới hạn cho phép tại tất cả các điểm; COD cao hơn giá trị giới hạn cho phép ở tất cả các điểm.
- Tai các nguồn nước cấp ở Phú Yên: COD cao hơn giá trị giới hạn cho phép tại An Ninh Đông.
- Tại các nguồn cấp ở Khánh Hòa: COD và mật độ vi khuẩn vibrio cao hơn giá trị giới hạn cho phép tại Tân Thủy.
- Tại nguồn cấp ở Từ Thiện – Phước Dinh (Ninh Thuận): các thông số chất lượng nước đều nằm trong giá trị giới hạn cho phép.
Tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm: đã phát hiện một số loài tảo độc, mật độ vibrio cao hơn giá trị giới hạn, cụ thể như sau:
- Tại các điểm quan trắc ở Phú Yên: DO thấp hơn giá trị giới hạn tại điểm An Hòa; mật độ vi khuẩn vibrio cao hơn giá trị giới hạn tại Phú Dương và An Hòa; phát hiện tảo độc tại một số thủy vực nuôi tôm hùm như Xuân Thành (Nitzshia sp:
24.000tb/l), Xuân Phương (Nitzshia sp: 270.000 tb/l; Chaetoceros sp: 67.500 tb/l); An Hòa (Chaetoceros sp: 3.750 tb/l).
- Tại các điểm quan trắc ở Khánh Hòa: COD cao hơn giá trị giới hạn cho phép tại Xuân Tự; mật độ vi khuẩn vibrio cao hơn giá trị cho phép tại Vũng Ngán; phát hiện tảo độc tại một số thủy vực nuôi như Đầm Môn (Chaetoceros sp: 23.333 tb/l; Peridinium sp: 8.333 tb/l), Xuân Tự (Thalassionema nitzchloldes 1.500 tb/l; Chaetoceros sp 2.250 tb/l), Vũng Ngán (Nitzchia sp: 2.166 tb/l; Chaetoceros sp 6.500 tb/l).
Vấn đề quản lý cộng đồng vùng nuôi nhiều nơi chưa được quan tâm đầy đủ, chưa tổ chức được các loại hình tự quản như hợp tác xã, tổ, nhóm để triển khai thực hiện quy chế quản lý vùng nuôi tôm an toàn, chưa có quy định nơi chứa bùn nào vét và chất thải rắn, nhất là vùng nuôi tôm trên cát, còn hiện tượng xả nước thải từ các ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh vào môi trường nước. Có rất nhiều loại thuốc, hóa chất mới không được các nhà quản lý phổ biển cho cộng đồng mà được hệ thống dịch vụ quảng bá đưa đến người nuôi, trong đó có cả những sản phẩm không đảm bảo.
2. Tình hình dịch bệnh
Trong giai đoạn 2010-2014, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động NTTS các tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích NTTS bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đạt đỉnh năm 2010: 916 ha và giảm dần trong giai đoạn 2011-2014, năm 2014 diện tích nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh là 63 ha. Trong khi đó 7 tỉnh (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam) diện tích nuôi bị thiệt hại tăng dần trong giai đoạn trước năm 2012 và thiệt hại nặng nhất vào giai đoạn 2012-2013 sau đó diện tích bị thiệt hại giảm dần.
Bảng 23. Diện tích NTTS bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh các tỉnh miền Trung giai đoạn 2010 - 2014
Đơn vị tính: Ha
TT Địa phương Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014
1 Bình Thuận 70 25 105 150 45 2 Ninh Thuận 160 279 525 105 40 3 Khánh Hòa - - 2.045 411 432 4 Phú Yên 468 423 903 534 461 5 Bình Định 90 175 165 78 33 6 Quảng Ngãi 290 220 300 129 132 7 Quảng Nam 130 145 74 103 171 8 Đà Nẵng 10 10 10 10 10
9 Thừa Thiên Huế 961 199 182 120 63
Tổng 2.179 1.476 4.309 1.640 1.387
(Nguồn: Báo cáo của các sở NN&PTNT các tỉnh miền Trung)
Đối với đối tượng tôm nước lợ: Một số bệnh thường gặp như hội chứng hoại tử gan tụy, đốm trắng, đỏ thân, đen đầu… tác nhân gây bệnh lúc này được xác định do virus MBV và đốm trắng trong đó bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nhất, bệnh có thể gây chế tôm trong vòng vài ngày đến 1 tuần với tỷ lệ chết rất cao trên 80%.
Trong giai đoạn 2012–2013, bệnh sữa, đỏ thân, long đầu gây thiệt hại năng cho các hộ nuôi tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tôm hùm chết thường ở giai đoạn từ 300-700 g/con, vào những tháng có thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên cao khi có gió mùa Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm). Tôm chết bị rụng chân, tại các vùng hoại tử có mùi rất thối, quan sát bằng mắt thường có rất nhiều sinh vật nhỏ li ti ký sinh. Số tôm còn lại tại các lồng có tôm chết do hiện tượng trên có sức ăn giảm hoặc bỏ ăn, hoạt động yếu. Số lượng hộ nuôi và lồng có hiện tượng bệnh này dưới 10%, tôm có kích cỡ từ 200-300 g/con, mật độ nuôi 100 con/lồng. Nhận định ban đầu theo kết quả phân tích của Trung tâm quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), trùng lông bơi có thể là tác nhân ban đầu xâm nhập mở đường để các tác nhân cơ hội khác tiếp tục xâm nhập như nấm, vibrio gây hiện tượng chết tôm.
Vào tháng 6/2014, tại vịnh Nha Trang, cá bớp (giò) có hiện tượng bỏ ăn, bơi lờ đờ và chết ở 46 lồng nuôi. Vào cuối tháng 10/2014, cá bớp tại Ninh Hòa bị chết xuất hiện ở 180 lồng. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh cho đàn cá nuôi kết hợp với sự biến đổi một số yếu tố môi trường gây nên hiện tượng cá chết.
Dịch bệnh xảy ra tại các vùng nuôi bên cạnh các nguyên nhân khách quan do sự biến đổi bất thường của thời tiết, còn có những nguyên nhân chủ quan: (i) việc thiếu các cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi (các kênh mương nội vùng được hình thành trong quá trình xây dựng ao nuôi do người dân tự đào đắp. Nguồn nước cấp và thoát nước ở hầu hết các khu NTTS tập trung đều có một kênh duy nhất đảm nhiệm. Các hộ nuôi thiếu hệ thông ao chứa, lắng và ao sử lý nước thải theo quy định), (ii) các hộ nuôi sử dụng con giống tôm trôi nổi không qua kiểm dịch, một số đối tượng nuôi chưa xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm tra (tôm hùm, cá biển, ốc hương, tu hài...) nên hạn chế trong việc kiểm soát được chất lượng con giống cũng như việc nuôi thương phẩm, (iii) chưa thực hiện tốt việc huy động sự đóng góp quỹ phòng chống dịch bệnh của người dân nên công tác khoanh vùng, cách ly, dập dịch,... chưa được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và hiệu quả như còn tình trạng xử lý hoá chất không đúng liều lượng, xả nước ra môi trường trước thời gian an toàn làm lây lan mầm bệnh trên diện rộng,...