1. Hoạt động KHCN
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào NTTS đã đóng góp tích cực trong việc phát triển NTTS các tỉnh miền Trung.
(i) Về giống thủy sản đã giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, góp phần đáp ứng nhu cầu số lượng giống tăng cao và từng bước nâng cao chất lượng giống. Bên cạnh việc hoàn thiện, mở rộng ứng dụng công nghệ sản xuất giống đã làm chủ đối với các loài cá nước ngọt phổ biến (cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá mrigal…), các đối tượng có giá trị kinh tế và đối tượng xuất khẩu chủ lực (tôm sú, tôm TCT, cá rô phi…); đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công và thu được con giống các loài: cá lăng chấm, lăng vàng, cua biển, ghẹ, tôm rằn, tôm TCT, điệp, ngao, sò huyết, ốc hương, tu hài…
(ii) Về công nghệ NTTS: Nhiều mô hình nuôi tiên tiến: nuôi trong hệ thống tuần hoàn khép kín, nuôi ít thay nước, nuôi biofloc, nuôi luân canh, xen canh trong ao đầm; các công nghệ nuôi cá trong lồng vùng biển mở (công nghệ nuôi cá bằng lồng Na
Uy, công nghệ nuôi trong lồng đồng) đã được du nhập, giới thiệu, thử nghiệm trong điều kiện NTTS các tỉnh miền Trung.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt, NTTS miền Trung còn gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng KHCN vào sản xuất:
- Đối với sản xuất tôm giống, công nghệ mới thực hiện ở khâu sinh sản nhân tạo và ương nuôi ấu trùng, chưa chủ động được nguồn tôm bố mẹ mà còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên (tôm hùm, tôm sú) và các nguồn nhập (tôm TCT) nên chưa đảm bảo sản xuất được tôm giống sạch bệnh. Gia hóa tôm sú, tôm TCT vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm chưa áp dụng ở quy mô thương mại.
- Công nghệ nuôi lồng trên biển (công nghệ nuôi lồng Na Uy, lồng bằng vật liệu đồng) mặc dù đã được giới thiệu và thử nghiệm ở các miền Trung song chưa phát triển, chưa tạo được đột phá thay thế phương thức nuôi lồng truyền thống do đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, hiệu quả kinh tế còn thấp.
- Công nghệ nuôi tôm hiện nay áp dụng chưa đồng nhất, phần lớn người nuôi thiếu kiến thức, không nắm chắc kỹ thuật, lựa chọn quy trình công nghệ không phù hợp với điều kiện vùng nuôi, chưa tuân thủ đầy đủ các yêu cầu.
- Vấn đề xử lý chất thải rắn từ nuôi tôm chưa có cách giải quyết, sau mỗi vụ nuôi một lượng bùn đáy rất lớn chứa đầy mùn bã hữu cơ được nạo vét đưa ra mương hoặc lên bãi cát làm môi trường cả vùng bị ô nhiễm.
2. Hoạt động khuyến ngư
Hiện nay các tỉnh trong vùng đều có bộ phận phụ trách công tác khuyến ngư tại địa phương (tỉnh Thừa Thiên Huế có trung tâm khuyến nông lâm ngư; các tỉnh còn lại đều có trung tâm khuyến nông khuyến ngư).
Các hoạt động trong công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nâng cao được trình độ về kỹ thuật NTTS cho nông dân, nhất là kỹ thuật nuôi tôm nước lợ theo hướng VietGAP, kỹ thuật nuôi tôm hùm cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh những đối tượng nuôi truyền thống của vùng như tôm sú, tôm TCT, tôm hùm, nhuyễn thể,... các trung tâm khuyến nông khuyến ngư các tỉnh còn chuyển giao các loài mới có giá trị kinh tế cao đến người nuôi như mô hình nuôi cá chình trong ao (Bình Thuận); mô hình trồng rong Sụng trong lồng lưới trên biển (Ninh Thuận); mô hình nuôi cá Bóp, cá chim vây vàng trong lồng biển bằng thức ăn công nghiệp (Khánh Hòa); mô hình nuôi cá lăng nha trong ao (Phú Yên); mô hình nuôi ghép tôm, cá đối thương phẩm (Quảng Ngãi); mô hình nuôi cá diêu hồng lồng theo hướng VietGAP, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng (Quảng Nam); mô hình nuôi cá đối mục trong vùng nuôi tôm bị bỏ hoang (Thừa Thiên Huế)... góp phần từng bước đa dạng hóa đối tượng cho người nuôi.
Trong giai đoạn 2010–2014, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư của các tỉnh miền Trung bằng nguồn kinh phí nhà nước, đã tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo về kỹ thuật NTTS, mô hình trình diễn cho bà con nông ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản ở trong và ngoài vùng cũng tham gia tổ chức riêng hoặc phối hợp với đơn vị quản lý thủy sản các tỉnh, trung tâm khuyến nông – khuyến ngư các tỉnh trong vùng tổ chức hội thảo kỹ thuật riêng về kỹ thuật NTTS (năm 2012, chi cục NTTS tỉnh Ninh Thuận phối hợp với công ty TNHH Anh Việt và công ty Tân Sao Á tổ chức hội nghị ”Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm tại Ninh Thuận” với hơn 100 lượt người tham gia...).
Tuy nhiên, công tác khuyến ngư trong vùng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: trong tập huấn và hội thảo vẫn còn có sự chồng chéo, chưa có đội ngũ cán bộ khuyến ngư chuyên trách (cán bộ khuyến ngư cấp huyện, xã phụ trách cả khuyến nông và khuyến ngư), khả năng nhân rộng của các mô hình khuyến ngư trình diễn còn thấp.