Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 96 - 98)

1. Quan điểm

- Quy hoạch phát triển NTTS miền Trung phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiếp tục đưa thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa với khả năng cạnh tranh cao.

- Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống hải sản tại các tỉnh miền Trung theo hướng đồng bộ, hiện đại để trở thành trung tâm sản xuất giống hải sản tập trung lớn nhất của cả nước; đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, cung cấp đủ giống tốt, sạch bệnh cho nuôi trồng của vùng và cả nước, làm động lực thúc đẩy phát triển nuôi trồng hải sản cả nước.

- Quy hoạch phát triển NTTS miền Trung trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy. Hình thành các vùng nuôi tập trung, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái gắn kết với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Quy hoạch phát triển NTTS miền Trung trong mối quan hệ kết hợp hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác và phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương; đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo.

- Quy hoạch phát triển NTTS miền Trung hướng đến cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của cộng đồng ngư dân, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, gắn với xây dựng, phát triển nông thôn mới, tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển miền Trung.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển NTTS miền Trung theo hướng hiện đại, toàn diện, hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Đồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tổng diện tích NTTS đạt 38.380 ha, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 21.908 ha chiếm 57,1%, diện tích nuôi trồng thủy sản nước nước ngọt là 16.472 ha chiếm 42,9%.

- Tổng sản lượng NTTS đạt khoảng 167.420 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 125.910 tấn chiếm khoảng 75,2%; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 41.510 tấn chiếm khoảng 24,8%.

- Sản xuất giống thủy sản: cung cấp cho thị trường 100 tỷ giống hải sản các loại và 400 triệu giống thủy sản nước ngọt.

- Thu hút và giải quyết việc làm lao động nuôi trồng thuỷ sản 80.000 người. - Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.200 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,0%/năm (giai đoạn 2015-2020).

b) Đến năm 2030

- Tổng diện tích NTTS đạt 39.560 ha, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 22.068 ha chiếm 55,8%, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 17.492 ha chiếm 44,2%.

- Tổng sản lượng NTTS đạt khoảng 213.490 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 162.100 tấn chiếm khoảng 75,9%; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 51.390 tấn chiếm khoảng 24,1%.

- Sản xuất giống thủy sản: cung cấp cho thị trường 120 tỷ giống hải sản các loại và 600 triệu giống thủy sản nước ngọt.

- Thu hút và giải quyết việc làm lao động nuôi trồng thuỷ sản 85.000 người. - Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.490 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,4%/năm (giai đoạn 2021-2030).

3. Định hướng phát triển

- Tiếp tục duy trì phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển, đầm phá phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa để phát triển nuôi thủy sản tạo nguồn thực phẩm phục vụ nội địa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân cư trung du, miền núi. Tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống hải sản tại các tỉnh Nam Trung bộ để đến năm 2020 Nam Trung bộ trở thành trung tâm sản xuất giống hải sản tập trung lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, các loài cá biển, trồng rau câu tập trung chuyên canh trên các đầm phá. Phát triển nuôi các đối tượng có tiềm năng như tôm hùm, cá song, cá giò, cá hồng, bào ngư, vẹm xanh, rong biển,… khu vực trên biển và hải đảo.

- Đối với vùng nước lợ: Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng các đối tượng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái phục vụ xuất khẩu. Hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn GAP phù hợp với từng thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao. Duy trì, phát triển các hình thức nuôi sinh thái, nuôi quảng canh cải tiến ở các vùng đầm phá, rừng ngập mặn để vừa tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

- Đối với nuôi nước mặn: Phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Tập trung phát triển nhanh, mạnh các đối tượng có thị trường tốt, đã có truyền thống, có thương hiệu, chủ động sản xuất giống và quy trình sản xuất như: nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm hùm (Phú Yên, Khánh Hòa), ốc hương, sò điệp…

- Vùng NTTS nước ngọt: Phát triển NTTS nước ngọt để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của gia đình và tiêu thụ tại địa phương. Ổn định diện tích nuôi ao, hồ nhỏ tập trung phát triển nuôi các loài thủy sản truyền thống, thủy đặc sản (lươn, ếch, baba, cá trắm đen, cá chình,...). Phát triển tiềm năng mặt nước lớn, các hồ thủy điện, thủy lợi nuôi cá lồng, gắn liền với du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường; phát triển nuôi các đối tượng cá nước lạnh (cá tầm) ở các vùng núi có điều kiện phù hợp.

- Tổ chức các mô hình nuôi biển phù hợp như: mô hình quân dân kết hợp nuôi biển ven các đảo và quần đảo Trường Sa, Đá Tây, Lý Sơn, Phú Qúy; mô hình đầu tư tư nhân; mô hình liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế.

- Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, trước hết đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá rô phi.

- Tăng cường quản lý Nhà nước để quản lý nghiêm ngặt chất lượng con giống, hệ thống sản xuất, lưu thông, tiêu thụ giống thủy sản. Tiếp tục tập trung đầu tư cho các trung tâm quốc gia giống thủy sản, các trung tâm giống thủy sản cấp I và vùng sản xuất giống tập trung ở Nam Trung bộ.

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w