Những nghiên cứu về thực trạng NTTS ở Việt Nam nói chung, và 09 tỉnh miền Trung nói riêng được phân tích đánh giá theo nhiều cấp độ, nhiều phạm vi và với các tác giả khác nhau, tập trung vào:
- Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống đối với các đối tượng nuôi chủ lực của vùng, đơn cử như: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất tôm sú giống sạch bệnh”; Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất tôm TCT bố mẹ sạch bệnh (SPF)” với mục tiêu tạo được công nghệ sản xuất tôm TCT bố mẹ sạch 05 bệnh nguy hiểm thường gặp (TSV, IHHNV, WSSV, MBV, YHV). Kết quả đạt được của nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất tôm TCT bố mẹ SPF (sạch 5 loại bệnh); xây dựng hồ sơ lý lịch của đàn tôm bố mẹ và tôm giống; Đề tài “Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử để tạo vật liệu ban đầu cho chọn giống tôm sú theo tính trạng tăng trưởng”. Trong năm 2012-2013, đề tài đã thu thập được 4 nhóm tôm trong đó 3 nhóm tôm có nguồn gốc tự nhiên và 1 nhóm tôm gia hóa, phục vụ cho lai hỗn hợp và chọn giống về sau.
- Phát triển công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng mới có giá trị cao (dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng”. Dự án đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng ở quy mô đại trà và việc chủ động sản xuất con giống chất lượng tốt, đủ số lượng tại địa phương, thúc đẩy sự phát triển của các trại sản xuất giống hải sản, cũng như các trang trại nuôi cá biển. Quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng sẽ được chuyển giao cho trung tâm giống và chi cục NTTS các tỉnh).
- Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng chủ lực (dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus homarus)”. Việc sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm của dự án mở ra triển vọng sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế nguồn thức ăn cá tạp, qua đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho tôm hùm, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam. Sản phẩm của đề tài đã được các hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa cũng như một số tỉnh Nam Trung bộ sử dụng và đánh giá cao”.
- Nghiên cứu bệnh học và cách xử lý bệnh đối với một số đối tượng nuôi chủ lực của vùng như: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh trên tôm hùm nuôi lồng ở khu vực miền Trung”; Đề tài “Nghiên cứu bệnh sữa ở tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và biện pháp phòng trị”. Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh sữa tôm hùm bông có liên quan đến việc sử dụng thức ăn tươi sống là các loại giáp xác.
Các đề tài, dự án nghiên cứu có ý nghĩa lớn về mặt lý thuyết và thực tiễn, tuy nhiên khó khăn chung của các đề tài nghiên cứu là khả năng nhân rộng kết quả trong thực tiễn và tính thương mại hóa của các đề tài nghiên cứu.