Đánh giá sơ bộ hiệu quả quy hoạch

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 121 - 122)

Việc xây dựng quy hoạch góp phần làm căn cứ, cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực NTTS nói riêng của các tỉnh miền Trung; xác định các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm để thúc đẩy lĩnh vực NTTS phát triển bền vững; xây dựng các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

1. Hiệu quả về kinh tế

Hiệu quả kinh tế của dự án được thể hiện thông qua các chỉ tiêu sau:

- Về sản lượng: Giai đoạn 2015-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, đến năm 2020 tổng sản lượng thủy sản là 167.410 tấn (thủy sản mặn, lợ là 125.910 tấn, thủy sản nước ngọt là 41.500 tấn). Giai đoạn 2021-2030 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,7%/năm, đến năm 2030 tổng sản lượng thủy sản là 213.490 tấn (thủy sản mặn, lợ là 162.100 tấn, thủy sản nước ngọt là 51.390 tấn).

- Về giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010): Tổng giá trị sản xuất thủy sản từ nuôi trồng đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2020 (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 10,6%/năm) và đạt 25.000 tỷ đồng vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 2,5%/năm).

- Về giá trị xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản từ nuôi trồng đạt 1.200 triệu USD vào năm 2020 (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 7,0%/năm) và đạt 1.490 triệu USD vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 2,4%/năm).

2. Hiệu quả về xã hội

Việc thực hiện quy hoạch sẽ góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thủy sản (hệ thống điện, giao thông, thủy lợi…), làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, quy hoạch sẽ tạo điều kiện để giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 80.000 lao động vào năm 2020 và 85.000 lao động vào năm 2030, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn ở các tỉnh miền Trung.

3. Hiệu quả về môi trường sinh thái

Diện tích quy hoạch NTTS của các tỉnh miền Trung kéo dài trên một vùng đất rộng lớn với chế độ thủy văn phức tạp, chịu nhiều ảnh từ các yếu tố tự nhiên như triều cường, xâm nhập mặn, sóng, gió, bão... Vì vậy, trong quy hoạch đã đề xuất những chương trình, dự án trọng điểm và các giải pháp về môi trường nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đồng thời hạn chế những tác động của NTTS đến môi trường xung quanh.

4. Hiệu quả về quốc phòng an ninh

Khi Quy hoạch được triển khai sẽ có nhiều chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư tại các vùng nông thôn, ven biển và hải đảo. Các chương trình, dự án này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu hoạt động gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực. Đặc biệt, các mô hình nuôi trồng hải sản trên biển ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 121 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w