Hiện trạng về tổ chức quản lý sản xuất và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 58 - 62)

NTTS tại các tỉnh miền Trung

1. Các cơ chế, chính sách hiện hành đối với phát triển NTTS các tỉnh miền Trung

1.1. Tác động của một số chính sách phát triển thủy sản cơ bản

1.1.1. Chương trình nuôi trồng thuỷ sản 1999-2010 và đề án phát triển NTTS đến năm 2020

Ngày 08 tháng 12 năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 244/1999/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999- 2010, đây là một quyết định quan trọng, làm căn cứ cho ngành Thuỷ sản phát triển nuôi trồng thuỷ sản phát triển trong thời kỳ này, với các nguyên tắc chỉ đạo “Phát triển NTTS theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái” và “Hướng mạnh vào phát triển nuôi thủy sản nước lợ và nuôi biển”.Tiếp theo đó, ngày 03 tháng 03 năm 2011Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 332/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020. Đề án đưa ra mục tiêu “Phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

- Tác động của chương trình/đề án NTTS

Tác động tích cực:

Nhờ có các chương trình này ngành thuỷ sản đã đẩy mạnh việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản lên một bước mới với những dự án được sự đầu tư của Nhà nước như xây dựng cơ sở hạ tầng, các vùng nuôi thuỷ sản tập trung theo hình thức nuôi thâm canh, công nghiệp làm cho sản lượng từ nuôi trồng thuỷ sản tăng lên rõ rệt từ 879.100 tấn năm 2001 lên đến 3.620.000 tấn năm 2014, và diện tích tăng từ 887.500 ha năm 2001 lên 1.280.000 ha năm 2014 (Vụ NTTS, 2014).

Sự phát triển này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những người làm nghề nuôi trồng thuỷ sản góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở vùng nông thôn và miền núi, làm tăng tỷ lệ hộ giàu và khá trong nhân dân nhất là ở vùng ven biển, đã tạo thêm nhiều việc làm như dịch vụ mua bán con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm thuỷ sản.

Tác động tiêu cực:

Việc diện tích NTTS mặn lợ tăng quá nhanh đã khiến cho ở vùng ven biển việc nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ bị ô nhiễm môi trường.

Việc phát triển quá nóng diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả vùng đã quy hoạch và vùng chưa quy hoạch làm cho nhu cầu về giống thủy sản nhân tạo tăng lên đột ngột sẽ đặt ra hai vấn đề:

+ Số lượng giống bố mẹ sẽ bị suy giảm nghiêm trọng do bị săn bắt quá mức để đáp ứng nhu cầu về tôm giống, do thiếu giống bố mẹ nên giá bán một con giống bố mẹ

có nơi có lúc đã gấp nhiều lần. Cũng do sức ép của giống nhân tạo nên nhiều khi những nhà sinh sản giống thuỷ sản nhân tạo đã đưa ra thị trường lượng giống không đạt yêu cầu về chất lượng.

+ Việc nuôi trồng thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp, do vậy ở nhiều vùng nhân dân tự chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản trong khi chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có kinh nghiệm và tiền vốn để phát triển nên đã làm nhiều nơi bị thất thu, vấn đề này không những gây ảnh hưởng đến thu nhập mà còn làm môi trường khu vực bị ô nhiễm tốn nhiều tiền của cải tạo để nuôi tiếp.

1.1.2. Chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản

Ngày 25/8/2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 103/2000/QĐ-TTg (dưới đây gọi tắt là quyết định 103) về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản và ngày 03/11/2002 Bộ Thuỷ sản ra Thông tư số 04/2000/TT-BTS (dưới đây gọi tắt là thông tư 04) hướng dẫn thực hiện một số điều trong quyết định 103/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Năm 2004, Chính phủ ban hành thêm Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 26/3/2004 (QĐ 112) của Chính phủ về chương trình phát triển giống thuỷ sản đến năm 2010. Có thể nói các quyết định nói trên dù đã hết hiệu lực nhưng vẫn còn có tầm ảnh hưởng lớn đến các chương trình phát triển giống tại các tỉnh miền Trung. Tiếp theo đó, ngày 25 tháng 12 năm 2009 Chính phủ đã ký quyết định số 2194/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020. Trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể đối với ngành thuỷ sản là: Đảm bảo 75% giống phục vụ nuôi trồng thuỷ sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao được sản xuất trong nước. Năng suất nuôi trồng các loại thuỷ sản tăng trên 50%.

Trong giai đoạn những năm 2000-2005, số lượng các trại giống, Trung tâm giống và sản lượng giống thuỷ sản mặn, lợ đã có mức độ gia tăng rất lớn do nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, người dân đổ xô vào nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ và do vậy cầu về lượng giống thuỷ sản mặn lợ rất cao và khả năng trong những năm tới cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu. Do vậy việc Quyết định 103, Thông tư 04 và Chương trình 112 ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của thực tế.

Tác động tích cực:

Quyết định 103 và thông tư 04 cũng như Chương trình phát triển giống 112 ra đời đã đáp ứng được nhu cầu phát triển tự nhiên của ngành NTTS, đã làm thu nhập của những người tham gia sản xuất giống nhân tạo tăng lên và qua đó cũng làm cho những người nuôi trồng thuỷ sản có đời sống ngày một cải thiện thông qua giá giống (nhiều cơ sở cung cấp thì giá cả trung bình phải giảm xuống theo quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường), giảm sức ép của nhu cầu về giống đang ngày một gia tăng.

Các trại giống thủy sản miền Trung nuôi nước lợ, mặn trên thực tế đã được chủ trương xây dựng trở thành nơi cung cấp các giống thủy sản có giá trị cho cả nước như: tôm sú, cá hồng, cá tráp, cá song, cá giò...

Tác động tiêu cực:

Với sự bùng nổ số lượng trại giống, sản lượng tôm bố mẹ tự nhiên đã bị sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đó vấn đề nuôi về tôm bố mẹ thành thục chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

1.1.3. Chính sách tín dụng, đầu tư

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ quy định: Đối với các hạng mục hạ tầng vùng NTTS; vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng, cấp tỉnh; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường NTTS, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm định NTTS cấp Trung ương và cấp vùng:

- Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng đối với các dự án do Bộ, ngành trung ương quản lý.

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư tối đa 90% đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, tối đa 50% đối với địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương đối với các dự án do địa phương quản lý.

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định: “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các biện pháp, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

1.1.4. Việc vận dụng các chính sách vào NTTS tại các tỉnh miền Trung

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ phát triển NTTS nói trên đều mang lại những tác động to lớn đối với nghề NTTS nói chung và tại các tỉnh miền Trung nói riêng. Có thể nói, các chính sách đã được phân tích ở trên là khung pháp lý để các địa phương vận dụng và thúc đẩy nghề NTTS phát triển. Tuỳ vào điều kiện kinh tế xã hội mà các địa phương đều vận dụng hoặc ra các quyết định nhằm cụ thể hoá các quyết đinh, nghị định của Chính phủ:

- Quyết định 67/2014/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015 trong đó có quy định việc sớm triển khai chính sách hỗ trợ các trại giống, các cơ sở ương dưỡng phát triển sản xuất giống cá nước lợ, mặn; nước ngọt nhằm chủ động con giống cho người nuôi và giảm chi phí.

- Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc Ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2013- 2016. Trong đó các chủ hộ đào ao, cải tạo vùng nuôi sẽ được hỗ trợ kinh phí tố đa 100 triệu đồng/hộ đào ao nuôi thuỷ sản.

- Quyết định số 1652/QĐ-UBND ngày 21/5/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đề án “Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm”. Mục tiêu của đề án: Phát triển NTTS theo hướng bền

vững. Xây dựng và nâng cao năng lực quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhằm đảm bảo về VSATTP phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của khu vực và trên thế giới; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Hiện trạng về tổ chức sản xuất trong NTTS

Tổ chức sản xuất trong nghề NTTS tại khu vực miền Trung hiện nay vẫn chủ yếu là theo hình thức cá nhân, hộ gia đình, chỉ có một số ít mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức Hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp. Nhìn chung, phần lớn các mô hình nuôi theo hình thức cá nhân, hộ gia đình đều manh mún, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Chỉ có một số khu vực nuôi tập trung, thường là của các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kiểu mới, là có đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi tương đối tốt.

Các hợp tác xã (HTX) kiểu mới và tổ hợp tác khá phát triển tại các tỉnh miền Trung. Nhiều tỉnh đã xây dựng được các chính sách hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình kinh tế tập thể như HTX hay tổ hợp. Ví dụ như tỉnh Bình Thuận có 35 HTX thủy sản, với số vốn hoạt động bình quân 1,56 tỷ đồng/HTX và số xã viên bình quân khoảng 25 người/HTX. Các HTX đã có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức, quản lý, mở rộng dịch vụ, phát triển thêm ngành nghề, làm đầu mối tiếp nhận chương trình chuyển giao kỹ thuật và các nguồn vốn phục vụ trực tiếp cho kinh tế hộ, tham gia tích cực vào việc cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Ngày 12 tháng 4 năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tiếp tục đổi mới, củng cố phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, theo đó tỉnh đẩy mạnh việc giao đất cho các HTX nông nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ xã viên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, NTTS tạo điều kiện cho HTX phi nông nghiệp được thuê đất dài hạn theo các quy định ưu đãi của Nhà nước. Tỉnh cũng sẽ dùng nguồn kinh phí cần thiết thông qua hệ thống khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và vốn sự nghiệp KHCN để hỗ trợ trực tiếp cho các HTX trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã và đang vận động thành lập tổ chức tổ đồng quản lý để quản lý vùng nuôi. Các tổ chức này nhằm tập hợp được cộng đồng những người nuôi, để triển khai các chủ trương chính sách, các qui định của Nhà nước về NTTS như lịch thời vụ nuôi, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển NTTS, các qui định về công tác phòng chống dịch bệnh, công tác thú y thuỷ sản để giúp đỡ nhau trong sản xuất và kinh doanh.

Nhìn chung, xu thế phát triển NTTS theo mô hình kinh tế tập thể kiểu mới đang được khuyến khích phát triển tại các tỉnh miển Trung. Có thể nói đây là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, khi nghề NTTS đang phát triển nhanh nhưng lại có nguy cơ thiếu bền vững. Dù là mô hình quản lý cộng đồng hay HTX… thì về mặt bản chất các mô hình này đều là sự phối hợp, liên kết giữa những người nuôi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất.

Một phần của tài liệu DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w