Trong giai đoạn 2010-2014, NTTS của các tỉnh miền Trung tạo ra sự đa dạng về giống loài thủy sản nuôi trồng, đa dạng hóa về hình thức, phương thức nuôi để khai thác tiềm năng mặt nước đưa vào sản xuất phù hợp với từng vùng. Điều đáng chú ý giai đoạn này của vùng miền Trung là từng bước khai thác hiệu quả vùng đất cát bằng việc nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, khai thác hiệu quả vùng đầm phá, vũng vịnh kín, ương giống và nuôi tôm hùm thương phẩm tiếp tục phát triển. Phát triển là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước, sản xuất con giống ngày càng tốt hơn, đảm bảo chất lượng, số lượng để cung cấp cho các vùng nuôi thương phẩm trên phạm vi cả nước.
1. Thành tựu cụ thể
- Nuôi mặn lợ phát triển với một số đối tượng chính: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển, rong biển.
- Các tỉnh miền Trung có điều kiện phù hợp với trồng rong biển. Năm 2014, một nhà máy chế biến rong sụn được khánh thành tại Ninh Thuận góp phần thúc đẩy hoạt động trồng rong phát triển cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
- Nuôi ngọt: Di nhập và thuần hóa đối tượng cá tầm đã góp phần vào đa dạng hóa đối tượng nuôi, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân vùng núi, hồ chứa. Cá tầm là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng ở vùng núi và có tiềm năng để sản xuất các sản phẩm giá trị cao.
- Nuôi trồng thủy sản ở một số đầm phá đã có nhiều chuyển biến. Việc thực hiện đa dạng đối tượng nuôi, áp dụng phương thức nuôi xen ghép, nuôi xen trồng rừng ngập mặn đã mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường bền vững.
- Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, hình thức nuôi thâm canh tại vùng có xu hướng phát triển, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng. Hoàn thiện nhiều quy trình nuôi tiên tiến cho năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nhiều mô hình nuôi thâm canh trên cát đem lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm,phát triển kinh tế cho vùng đất cát khô cằn.
- Công nghệ nuôi lồng biển có thể chịu được sóng và gió đang xu hướng phát triển ở một số tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.
- Sản xuất giống: Các tỉnh miền Trung là nơi sản xuất và cung ứng giống thủy sản quan trọng của cả nước. Năm 2014 có 497 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 305 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; 184 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể; 116 cơ sở ương giống tôm hùm. Trong đó tập trung ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên.
- Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đã tạo được nhiều giống mới, chủ động nhiều loại giống, chủ động qui trình công nghệ cung cấp, chuyển giao cho các vùng nuôi.
- Cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi tập trung đã đầu tư hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao lắng và ao xử lý chất thải.
- Toàn vùng có hệ thống đào tạo tương đối hoàn chỉnh, nổi bật nhất là các cơ sở có truyền thông trong đào tạo nguồn nhân lực thủy sản: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm Huế. Phần lớn dân cư phân bố dọc ven biển, cơ cấu dân số trẻ so với cả nước và các vùng kinh tế khác, lao động nghề cá truyền thống đông đảo, có kinh nghiệm.
- Công bằng xã hội: Tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ gia đình, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
- Góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản: sản lượng và năng suất nuôi trồng tăng làm giảm áp lực lên công tác đánh bắt, từ đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Một số tồn tại, hạn chế
- Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ khó cân đối nguồn lực phát triển ngành. Doanh nghiệp năng lực cạnh tranh thấp, thiếu liên kết giữa thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất, chưa có sản phẩm chủ lực có thương hiệu.
- Lao động nghề cá chưa qua đào tạo còn lớn; tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng cao yêu cầu doanh nghiệp thấp; thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao.
- Phương thức nuôi thâm canh còn hạn chế do đầu tư chi phí cao bà con khó có nguồn lực để đầu tư theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Các hoạt động phát triển NTTS tự phát, người nuôi ý thức phòng chống dịch bệnh còn hạn chế đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, bùng nổ dịch bệnh, ô nhiễm nước cục bộ và ảnh hưởng đến tính bền vững của nuôi trồng thủy sản.
- Cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ hậu cần NTTS còn yếu kém, hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ đặc biệt là hệ thống cung cấp và thoát nước thải; hệ thống thủy lợi nhiều nơi vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi nông nghiệp; một số vùng nuôi vẫn chưa có hệ thống lưới điện không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.
- Một số mô hình tiên tiến được các doanh nghiệp trong vùng áp dụng và bước đầu thu được kết quả khả quan như: công nghệ Biofloc, mô hình nhà ương, ...Tuy nhiên những mô hình này mới chỉ áp dụng ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.
3. Cơ hội phát triển
- Các tỉnh miền Trung đường bờ biển dài, nước biển ven bờ có độ mặn cao và sạch, là điều kiện thuận lợi để Vùng trở thành khu vực sản xuất giống hải sản tốt nhất của cả nước. Diện tích mặt biển lớn với các eo, vịnh, đầm phá thuận lợi phát triển nuôi biển.
- So sánh lượng cung – cầu theo dự báo cho thấy nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản sẽ cao hơn lượng cung tiềm năng trong đó tiêu thụ thủy sản với nhịp độ cao hơn là do sự gia tăng nhanh hơn về dân số và thu nhập.
- Tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao cho NTTS trở thành động lực thúc đẩy trong quá trình phát triển thủy sản.
- Chính sách: Nghị định 67 được ban hành đã hỗ trợ đầu tư đối với các hạng mục hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; vùng sản xuất giống tập trung.
- Môi trường xã hội của khu vực: Môi trường an ninh xã hội ổn định. Không có sự chênh lệch giàu nghèo đáng kể ở các khu vực có NTTS. Những cá nhân/ hộ gia đình tham gia NTTS có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phục vụ việc sản xuất của mình (tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, thông tin).
4. Thách thức
- Điều kiện khí hậu và tự nhiên khắc nghiệt, các tỉnh miền Trung là vùng nhiều thiên tai, vùng có tần số bão và áp thấp nhiệt đới lớn nhất Việt Nam đồng thời chênh lệch nhiệt độ khá lớn làm nước bốc hơi nhanh, tôm cá dễ bị sốc và chết gây khó khăn và thiệt hại cho hoạt động NTTS.
- Vùng ven biển Trung bộ có trữ lượng nước ngầm là không lớn, chỉ có khả năng cung cấp đủ nhu cầu với quy mô vừa và nhỏ như tưới nước cho nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, nhưng rất ít so với nhu cầu nước ngọt để điều chỉnh độ mặn. Do đó, rất khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước cho nuôi tôm trên cát, đặc biệt tập trung khai thác khối lượng lớn theo thời gian và mùa vụ.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng nhóm ngành mà Vùng cũng có lợi thế phát triển như du lịch, công nghiệp, cảng biển và quá trình đô thị hóa tạo nên mâu thuẫn trong sử dụng các nguồn lực để phát triển thủy sản (mặt đất, mặt nước, nguồn nước, vốn, lao động). Mạnh nhất mâu thuẫn về mặt nước, mặt đất để phát triển NTTS.
- Việc phát triển du lịch, quá trình đô thị hóa khiến những vùng NTTS có xu hướng dịch chuyển ra xa ra đảo, tăng thêm chi phí đầu vào làm tăng giá thành giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
PHẦN 3. PHÂN TÍCH, DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG, ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NTTS TẠI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG