Hầu hết các nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển và duy trì cuộc sống của xã hội hiện đại đều bắt nguồn từ vỏ Trái đất. Hầu như tất cả các quá trình địa chất đều dẫn đến sự thành tạo, biến đổi, hoặc phá huỷ các nguồn khoáng sản.
Các hoạt động magma và nhiệt dịch, được tạo ra từ việc đốt nóng do phân
rã phóng xạ trong nhân Trái đất, có thể tạo ra và tập trung phần lớn các kim
loại thông qua việc lưu chuyển của các dòng dung nhiệt dịch hay bằng sự kết tinh mang tính quy luật của các loại khoáng vật khác nhau. Các hiện tượng biến
chất đi kèm với hoạt động magma cũng góp phần tập trung (hoặc phá huỷ)
quặng.
Các quá trình gần mặt đất chứa các nguồn nước ngầm quan trọng, và là nơi tập trung và thành tạo các nguồn chất đốt (than, dầu, khí đốt…).
Các quá trình trên bề mặt như bồi lắng hoặc bốc hơi cũng tạo ra các nguồn khoáng sản như các sa khoáng của khoáng vật nặng và bền vững, hoặc các mỏ muối, sắt, mangan.
Tuy nhiên khai thác và sử dụng khoáng sản có tác động rất mạnh tới môi
trường sống. Có 2 cách cơ bản để khai thác khoáng sản: Khai thác trên bề mặt
và khai thác ngầm. Khai thác trên bề mặt thường tạo ra các ảnh hưởng môi
trường rõ ràng hơn đối với khai thác ngầm bởi vì một khối lượng đất đá lớn bị
di chuyển, các moong khai thác lớn và một khối lượng khổng lồ đá thải được
tạo ra.
Quá trình tuyển luyện các loại quặng để lấy 1 lượng kim loại nhỏ từ quặng tạo ra một khối lượng chất thải khổng lồ. Trong khi đó nung luyện và chắt lọc quặng có thể thải ra môi trường rất nhiều độc tố gây ô nhiễm (lưu huỳnh, dioxyt carbon...).
Sử dụng một số khoáng sản, đặc biệt là việc đốt các loại khoáng sản cháy và các chế phẩm của chúng (than, dầu) thải ra không khí một khối lượng khổng lồ các loại khí gây ô nhiễm bầu không khí (CO2, NOx, SOx, Pb, As,... ). Kết quả kéo theo là mưa axít, hiệu ứng nhà kính và lỗ thủng tầng ozon. Trong khi đó sử dụng các loại vật liệu hạt nhân trong các lò phản ứng nguyên tử vấp phải một vấn đề rất lớn là quản lý các chất thải được làm giàu plutonium.