Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài
từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 LVS được phân bố và trải dài
trên cả nước với tổng diện tích trên 1.167 triệu km2. Tổng lượng nước mặt trung
bình năm của Việt Nam khoảng 830 tỉ m3 được tập trung chủ yếu trên 8 LVS
lớn, bao gồm: LVS Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và song Mê Công (Cửu Long), trong đó ở LVS Cửu Long (khoảng 57%), ở LVS Hồng - Thái Bình hơn 16%, ở LVHT sông Đồng Nai (hơn 4%), còn lại ở các LVS khác. Tuy nhiên, khoảng 63% nguồn nước mặt của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ m3) có nguồn gốc ở ngoài biên giới quốc gia, chỉ có gần 310 tỉ m3 mỗi năm được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, tập trung ở
các sông Đồng Nai, Cả, Ba, Vũ Gia - Thu Bồn. Theo kết quả thống kê, rà soát sơ bộ, cả nước có trên 2.900 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang
xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3 (Bộ
TN&MT, 2015).
Do đặc trưng dòng chảy, sự phân bố lượng nước không đồng đều theo
mùa và sự suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm nên nguy cơ cạn kiệt nguồn
nước trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, hiệu quả sử dụng nước thấp, cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả... là những thách thức đặt ra trong việc sử dụng bền vững tài nguyên nước quốc gia.