Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế lớn mạnh trên thế giới thì việc dần dần phải loại bỏ những rào cản, tiến tới mở cửa thịtrường lao động là xu hướng tất yếu. Việc thu hút lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Chính vì vậy, quản lý nhà nước về lao động nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng thể hiện ở các phương diện sau:
Thứ nhất, với vai trò là chủ thể nắm giữ quyền lực trong hệ thống chính trị của xã hội, nhà nước phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có việc quản lý lao động nước ngoài ở các doanh nghiệp thuộc các KCN, khu chế xuất, KKT… Nhà nước được nhìn nhận trước hết là người quản lý lao động với ưu thế nắm trong tay bộ máy quyền lực mạnh nhất, có khả năng giải quyết các công việc quan trọng trong quá trình lao động. Với vai trò là người tư vấn, hỗ trợ quá trình xác lập và vận hành quan hệ lao động, và thực hiện việc cung cấp thông tin, cung cấp phương tiện và phương pháp hỗ trợ (kể cả phương diện tài chính)… cho thị trường lao động vận hành có hiệu quả. Với vai trò là trọng tài quyền lực, nhà nước sẽ trở thành trung gian trong việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn phát sinh từ quan hệ lao động bên cạnh cơ chế tự giải quyết. Đồng thời là một bên - bên thứ ba trong quan hệ lao động, việc nhà nước tham gia vào quan hệ lao động là nhằm ngăn ngừa các xung đột có thể xẩy ra và có thể tác động xấu đến nền kinh tế xã hội mà nhà nước có trách nhiệm cao nhất trong quản lý [27, tr.120-125]. Ngoài ra, khi tham gia vào quản lý lao động, nhà nước có vai trò trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động.
Như vậy, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường không phải là thay thế thịtrường mà là cải thiện các chức năng của nền kinh tế thị trường.
Hơn nữa, bất cứ quyết định nào nhằm can thiệp vào hoạt động của các lực lượng thị trường đều phải được cân nhắc cẩn thận, toàn diện và tổng thể giữa cái hại do các quy định đó gây ra với lợi ích mà các can thiệp đó đem lại. Đó chính là nguyên lý căn bản của hiệu quả pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong việc quản lý quan hệ lao động. Bởi việc sử dụng, khai thác nguồn nhân lực quốc gia có tác động trực tiếp tới việc thực hiện chính sách xã hội của nhà nước.
Thứ hai, quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài làm việc tại các KCN, khu chế xuất, các ngành nghề đặc thù... có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp, trong việc áp dụng và chuyển giao những quy trình công nghệ mới cho nước sở tại. Quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài tạo môi trường cạnh tranh một cách lành mạnh giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài, tạo động lực để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước.
Thứ ba, hoạt động quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài còn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế giữa các quốc gia, góp phần đẩy mạnh đầu tư và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ giữa các nước.
Thứ , quản lý nhà nước tốt sẽ kiểm soát và hạn chế được lượng lao động phổ thông di cư bất hợp pháp vào Việt Nam. điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng Bởi trước hết, lực lượng lao động này đã tước đi cơ hội việc làm của lao động trong nước, đại đa số lao động trái phép này chỉ làm công việc giản đơn hoặc những công việc mà lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận được. Chính điều này làm giảm thu nhập thuần trong tổng thu nhập quốc gia, kết quả là làm giảm tổng thu nhập quốc gia tiếp nhận. Thêm nữa, tình trạng này có thể tạo ra làn sóng nhập cư bất hợp pháp, khó kiểm soát gây ra những vấn đề tiêu cực đối với xã hội. Trước thực trạng đó, công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế xã hội đúng với chủtrương, đường lối đã đặt ra.
Càng ngày, việc ban hành tiêu chuẩn lao động càng trở nên quan trọng đối với nhà nước bởi vì đó là một trong những cách thức quản lý và bảo đảm lợi ích tốt nhất của các bên và của chính nhà nước. Trong điều kiện các nước đang chuyển đổi như Việt Nam, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cùng với quan điểm và hạn chế vốn có của điều kiện này càng đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vai trò của quản lý nhà nước đối với xã hội. Phần lớn các học giả đều khẳng định rằng, trong xã hội hiện đại có nhà nước càng phát triển thì quản lý nhà nước không những không giảm mà càng mở rộng về phạm vi, nội dung với phương thức tác động càng phong phú.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, để bảo đảm bình đẳng và tự do cạnh tranh của các chủ thể, nhà nước ghi nhận và bảo đảm quyền được tự do kinh tế, tự chủ sản xuất trong đó có tự chủtrong lĩnh vực sử dụng lao động theo nhu cầu và sự tự nguyện của người lao động. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về mục đích sử dụng lao động: NSDLĐ sử dụng sức lao động của NLĐ nhằm thu lợi nhuận và NLĐsử dụng sức lao động của mình nhằm tìm kiếm thu nhập. Trong hầu hết các trường hợp, NSDLĐ thường tìm mọi cách tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất (trong đó có tiền lương), trong khi tiền lương cao là mục đích chính của NLĐ khi tham gia quan hệ lao động. Do đó, nhà nước bằng pháp luật có trách nhiệm điều tiết các mối quan hệ xã hội đó, “dung hòa” những mâu thuẫn lợi ích đó nhằm bảo đảm lợi ích của các bên và lợi ích chung của nhà nước, của xã hội [26, tr.8-9].
Việc xác định cụ thể phạm vi, nội dung nào nhà nước cần quản lý, phạm vi, nội dung nào nhà nước giao thị trường điều tiết hoặc để các chủ thể khác quản lý, tức là nhà nước cần hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp không cần thiết vào các quan hệ lao động. Đặc biệt, liên quan đến quản lý lao động có yếu tố nước ngoài, đồng thời ở khu vực KCN nên đòi hỏi nhà nước cần có phương thức quản lý riêng biệt. Để làm được điều này, nhà nước cần chủđộng xây dựng một bộ máy chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, đồng thời sử dụng có hiệu quả các yếu tố thị trường, thiết chế tự quản của NLĐ và NSDLĐ trong quá trình sử dụng lao động.