Đặc điểm về quy trình công nghệ

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 51 - 52)

Hiện nay, Công ty đang tập trung vào việc sử dụng công nghệ Java cho các sản phẩm phần mềm của mình. Java là một nền tảng phát triển các ứng dụng phần mềm có vị trí rất lớn trong những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21. Đánh dấu sự trưởng thành của mô hình lập trình hướng đối tượng, nó được coi là một nền tảng mang tính cách mạng trong ngành phần mềm. Mô hình máy ảo JVM đã cho phép các ứng dụng viết bằng Java có thể chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Ngoài ra khả năng độc lập với nền tảng, công nghệ Java còn có những ưu việt sau như: khả năng tái sử dụng, tính tương thích, khả năng mở rộng và dễ dàng tích hợp với các hệ thống khác, cũng như đáp ứng tốt về yêu cầu bảo mật thông tin và hệ thống.

Công nghệ Java giúp hiệu suất làm việc của lập trình viên lớn hơn với khả năng nắm bắt nhanh, tính an toàn, tính trọn vẹn trong thiết kế, tính chuẩn tắc, tính tương thích cao, kiến trúc mở… Công nghệ Java hiện nay đã hỗ trợ trên hầu hết tất cả các nền tảng, từ nền tảng máy tính cá nhân (với công nghệ J2SE), đến nền tảng máy chủ, web (với công nghệ J2EE) đến nền tảng trên các thiết bị di động (với công nghệ J2ME). Do đó, những hệ thống phần mềm do Công ty xây dựng đều có sự thống nhất về công nghệ, đảm bảo cho việc nâng cấp, mở rộng hệ thống sau này. Thêm vào đó, gần như trong mọi lĩnh vực ứng dụng cũng như công nghệ, luôn có thể khai thác từ các cộng đồng Java những sự hỗ trợ hết sức hiệu quả. Chẳng hạn như tại công ty cổ phần Công nghệ Syntek, đa số các giải pháp và sản phẩm cung cấp cho thị trường đều dựa trên các giải pháp mã nguồn mở. Các giải pháp này đều dựa trên công nghệ Java.

Trong các nền tảng của công nghệ Java, Công ty chú trọng sử dụng, khai thác tối đa nền tảng công nghệ Java EE, hay J2EE. Đây là một nền tảng lập trình giành cho việc phát triển ứng dụng phân tán kiến trúc đa tầng, chủ yếu dựa vào các thành phần mô-đun chạy trên các máy chủ ứng dụng. Java EE còn được xem như một tiêu chuẩn vì khi các nhà phát triển công bố các sản phẩm của họ tương thích với Java EE, các nhà cung cấp phải tuân thủ các yêu cầu đã đặt ra.

Java EE bao gồm một số đặc tả kỹ thuật Giao diện lập trình ứng dụng (API – Application Programming Interface), như cơ cấu kết nối với cơ sở dữ liệu (JDBC), gọi thủ tục từ xa (RMI), thư điện tử (email), dịch vụ thông điệp của Java (JMS), dịch vụ mạng (Web services), XML v.v và đồng thời Java EE còn định nghĩa cấu trúc kết nối giữa các thành phần kỹ thuật trên với nhau. Java EE còn bao gồm một số đặc tả chỉ tồn tại trong các thành phần của J2EE. Những thành phần này bao gồm EJB, Servlet, Portlet, JSP và một số kỹ thuật về dịch vụ web (web services). Điều này cho phép nhà phát triển tạo ra một chương trình ứng dụng doanh nghiệp không chỉ có thể sử dụng trên các nền tảng khác nhau, mà còn có thể mở rộng hệ thống ở quy mô lớn hơn và có thể tích hợp được với những công nghệ kế thừa từ trước đó. Trình chủ của Java EE có thể quản lý các giao dịch, các nhiệm vụ bảo mật, quản lý khả năng mở rộng, quản lý khả năng chạy song song và quản lý các thành phần đã được triển khai trong môi trường của Java EE. Điều này cho phép các nhà phát triển tập trung vào các logic nghiệp vụ của các thành phần thay vì phải quan tâm đến cơ sở hạ tầng và các nhiệm vụ tích hợp khác.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w