Một số kiến nghị đối với ngành và cơ quan quản lý Nhà nước Phát triển nguồn nhân lực phần mềm

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 104 - 110)

1 MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ SYNTEK

2.6.4 Một số kiến nghị đối với ngành và cơ quan quản lý Nhà nước Phát triển nguồn nhân lực phần mềm

Phát triển nguồn nhân lực phần mềm

Để phát triển nguồn nhân lực phần mềm nói riêng và nguồn nhân lực CNTT nói chung, Nhà nước cần xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực về CNTT, đặc biệt chú trọng cải cách triệt để và toàn diện hệ thống đào tạo CNTT của các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng đào tạo chính quy: xúc tiến triển khai chương trình đào tạo kỹ sư/cử nhân CNTT bằng tiếng Anh; cải cách chương trình đào tạo tại các khoa CNTT theo hướng liên tục cập nhật, tiếp cận thực tế, đổi mới nội dung, tăng thêm các môn học chuyên môn, tăng thời lượng học chuyên môn, loại bỏ các môn học lạc hậu, đưa thêm các môn học sát thực vào giảng dạy; bổ sung các kỹ năng thiếu bằng cách mời các giáo sư, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, từ các công ty phần mềm và cả các chuyên gia nước ngoài vào để giảng dạy; đầu tư các trang thiết bị, các hệ thống mạng lưới đủ để đảm bảo các điều kiện thực hành; trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ cho thực hành (máy tính, mạng lưới, đường truyền Internet); chú trọng đào tạo nâng cao cho đội ngũ giảng viên đại học về CNTT.

Thúc đẩy đào tạo phi chính quy, hướng nghiệp thực hành. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong đó đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư mở trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Cho phép thành lập các cơ sở đào tạo CNTT, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học quốc tế giảng day CNTT tại Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Thành lập các trung tâm phát triển phần mềm dựa trên sự liên kết giữa các trường đại học uy tín, chất lượng và các doanh nghiệp phần mềm nhằm thu hút các sinh viên giỏi về CNTT. Các trung tâm này sẽ hoạt động như hình thức các vườn ươm công nghệ, cung cấp đầu ra có chất lượng cho các doanh nghiệp phần mềm.

Hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường

Nhà nước nên thúc đẩy khoán chi hành chính trong mua sắm sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng cường đưa các dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước ra thuê các doanh nghiệp bên ngoài cung cấp; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại cho công nghiệp phần mềm Việt Nam; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xúc tiến thương mại cho công nghiệp CNTT; hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, tiếp thị và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ CNTT của Việt Nam tại các thị trường trong và ngoài nước; nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, định mức cho các dự án CNTT, đặc biệt là các dự án phần mềm; tăng cường các hoạt động thi đua khen thưởng cho các đơn vị, tổ chức sử dụng phần mềm và ứng dụng CNTT hiệu quả.

Hỗ trợ thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp phần mềm

Để hỗ trợ cho việc thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp phần mềm, Nhà nước nên ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến đầu tư vào công nghiệp phần mềm; sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tăng cường ưu đãi cho công nghiệp phần mềm (không chỉ là ưu đãi chung cho cả ngành công nghiệp CNTT như hiện nay); ban hành các chính sách cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài chính, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển từ Ngân sách Nhà nước và nguồn trái phiếu Chính phủ huy động trên thị trường tài chính quốc tế; tập trung đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển các khu công nghiệp phần mềm tập trung tại các thành phố lớn, nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin; cho phép các khu công nghiệp phần mềm được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế, giá thuê đất, mặt bằng, giá cước và đường truyền Internet, và các hạ tầng dùng chung; ban hành chính sách ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu phát triển về phần mềm và nội dung số; đầu tư một số

phòng thí nghiệm, kiểm thử về phần mềm, đa phương tiện và nội dung số đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hỗ trợ nâng cao năng lực năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp phần mềm Việt Nam

Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp mua thương hiệu có quy tín của nước ngoài; tăng cường hợp tác với các công ty, tập đoàn CNTT lớn trên thế giới có thế mạnh về phần mềm (như Ascenture, Motorola, IBM, Microsoft, ...) để tổ chức các khoá đào tạo về các công nghệ mới, về quy trình sản xuất phần mềm và quy trình quản lý chất lượng phần mềm cho các doanh nghiệp phần mềm; Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý chất lượng, bảo mật thông tin hoặc các quy trình khác theo các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế (tương tự như hỗ trợ CMMi theo QĐ 50/2009/QĐ-TTg); xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp phần mềm tại một số tỉnh/thành phố trọng điểm, đặc biệt là tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; ưu tiên tuyển chọn các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam tham gia các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước; hàng năm tăng dần kinh phí hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam; các Tập đoàn viễn thông nhà nước ưu tiên đầu tư vốn đầu tư phát triển để đầu tư cho phát triển công nghiệp phần mềm, hình thành và phát triển các doanh nghiệp phần mềm trực thuộc các tập đoàn này; tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải ưu tiên đầu tư vốn vào các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam

Nhà nước nên sửa đổi Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg hoặc ban hành Thông tư liên tịch của Bộ TTTT và Bộ tài chính để đưa công nghiệp phần mềm được hưởng ưu đãi về vay vốn theo Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg; ban hành chính sách ưu đãi vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án và được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay nước ngoài cho từng trường hợp cụ thể; ban hành chính sách cho phép áp dụng

hình thức Chỉ định thầu trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước để mua sắm sản phẩm phần mềm trọng điểm; miễn thuế suất thuế nhập khẩu hoặc áp dụng mức thuế suất sàn trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với các loại vật tư, trang thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm phần mềm; bổ sung các dự án đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm vào danh mục các dự án được vay vốn đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước; sửa đổi thuế giá trị gia tăng theo hướng đưa sản phẩm và dịch vụ phần mềm vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; Sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm và sản xuất sản phẩm nội dung số được hưởng mức ưu đãi tương tự như doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm; Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu bằng không (hoặc mức thuế suất sàn trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia) và áp dụng mức thuế suất trần thuế nhập khẩu với thời hạn cho đến khi kết thúc lộ trình miễn, giảm thuế kết thúc mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện với quốc tế đối với các sản phẩm và dịch vụ phần mềm;

KẾT LUẬN

Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự là một vấn đề rất quan trọng, là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, các doanh nghiệp phải tính toán các chỉ tiêu hiệu quả, thông qua đó phân tích, đánh giá về tình hình thực tế của các hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, xem các hoạt động đó có hiệu quả hay không, hiệu quả ở mức độ nào, các nhân tố nào ảnh hưởng tới chúng và từ đó định ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh đó.

Thông qua việc nghiên cứu hoạt động kinh doanh tại Công ty cổ phần công nghệ Syntek, luận văn đã đạt được một số kết quả sau đây:

Hệ thống hóa lại các vấn đề về hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên cơ sở vận dụng những nguyên lý, phương pháp phân tích, đánh giá hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó luận văn cũng đã phân tích thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty cổ phần công nghệ Syntek, từ đó đánh giá những điểm phù hợp và những tồn tại trong mô hình hoạt động của Công ty. Về những mặt tồn tại của Công ty chủ yếu bao gồm các vấn đề như: nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý, khả năng ứng dụng các quy trình quản lý, quy trình sản xuất trong công ty, cũng như công tác xây dựng chiến lược kinh doanh, việc tiếp cận các nguồn thông tin để nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm nhiều.

Trên cơ sở phân tích trên, luận văn xác định đẩy mạnh hoạt động kinh doanh là tính tất yếu và đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện và tình hình của Công ty. Luận văn đã đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình của doanh nghiệp. Bao gồm: thay đổi cách thức đào tạo và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao; đổi mới và hoàn thiện quy trình sản xuất bằng cách áp dụng phương pháp quản lý sản xuất mới là Kanban; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc thành lập phòng marketing.

Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh phần mềm tại Công ty cổ phần công nghệ Syntek. Nếu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn cùng với việc tìm hiểu những công cụ khác hỗ trợ trong quá trình phát triển phần mềm, luận văn sẽ có ích trong việc đưa ra một mô hình phát triển hoạt động kinh doanh có thể áp dụng cho một nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 104 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w