Nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 68 - 71)

Nguyên nhân trong công tác đào tạo, tuyển dụng nhân lực:

Về công tác tuyển dụng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin không đảm bảo chất lượng. Thị trường nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn đang ở trong tình cảnh thiếu người làm được việc và thừa người không làm được việc, cho dù thời gian gần đây các trường đại học trong nước cũng có nhiều thay đổi về cách thức, nội dung đào tạo. Trong bối cảnh như vậy, việc tuyển dụng được nhưng người có kinh nghiệm, có tay nghề cao là điều rất khó khăn vì hầu hết các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng gặp phải khó khăn tương tự. Và các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để giữ chân người giỏi.

Về công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho chính Công ty: đối với một công ty có quy mô vừa và nhỏ như Syntek, việc duy trì một bộ phận có chức năng đào tạo nhân lực cho Công ty đòi hỏi một chi phí khá lớn. Hơn nữa, nhu cầu nhân lực của

Syntek chủ yếu là cần những người giỏi với số lượng không nhiều. Việc duy trì một bộ phận đào tạo chính quy để phục vụ cho nhu cầu đó là không hiệu quả. Chưa kể đến vấn đề nhân lực được đào tạo xong không sẵn sàng ở lại Công ty mà có thể chuyển sang công ty khác mới mức độ đãi ngộ cao hơn.

Nguyên nhân của những khó khăn về nguốn vốn:

Nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty dựa vào các nguồn chủ yếu sau: vốn của các nhà đầu tư, vốn vay ngân hàng, vốn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế, vốn vay từ các nguồn khác. Trong các nguồn vốn trên, vồn từ các nhà đầu tư hầu hết được sử dụng cho việc trang bị máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, do đặc thù là doanh nghiệp nhỏ nên việc tăng vốn từ các nhà đầu tư không nhiều. Trong số những nguồn vốn còn lại, nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó tiếp cận. Nguyên nhân là do đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty cổ phần công nghệ Syntek thì điều kiện để được vay vốn thường khó đáp ứng được như điều kiện về phương án kinh doanh khả thi, tài sản đảm bảo, cân đối tài chính… Bên cạnh đó là lãi suất cho vay của ngân hàng hiện khá cao. Thực tế quy định lãi suất trần theo thông tư số 02/2011/TT-NHNN là 14%/năm nhưng nhiều ngân hàng đã nâng lên 15-19%/năm, kéo theo lãi suất cho vay lên tới 20-22% thậm chí lên tới 27%/năm. Nguồn vốn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế cũng không nhiều. Lợi nhuận sau thuế chỉ có được khi khách hàng thanh toán các hợp đồng đã nghiệm thu. Tuy nhiên, do đặc thù khách hàng là các cơ quan, tổ chức Nhà nước, thủ tục, quy trình thanh toán cũng khá phức tạp, mất nhiều thời gian, nên nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế không phải là nguồn vốn có khả năng đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất kinh doanh của Công ty. Chỉ còn lại nguồn vốn từ vốn vay từ các nguồn khác là nguồn vốn chính phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty. Nguồn vốn này đa phần là vốn vay trong thời hạn rất ngắn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với lãi suất rất cao, có lúc lên tới 9%/tháng.

Nguyên nhân trong hiệu quả sản xuất kinh doanh:

Hiện tại Công ty đang áp dụng mô hình thác nước cho quy trình sản xuất phần mềm. Đây là mô hình phát triển phần mềm cổ điển nhất. Mô hình này yêu cầu các

hoạt động được tiến hành như các giai đoạn tách biệt, giai đoạn sau sẽ không bắt đầu chừng nào giai đoạn trước chưa hoàn thành. Sản phẩm đầu ra của giai đoạn trước trở thành đầu vào của giai đoạn.

Mô hình thác nước có ưu điểm là dễ quản lí. Đây chính là mô hình ưa thích của các nhà quản lí dự án. Thời gian hoàn thành dự án thường được dự báo với độ chính xác hơn so với các mô hình khác. Các tài liệu đầu ra của từng giai đoạn cũng được xây dựng đầy đủ và hệ thống hơn. Tuy nhiên mô hình này có một số nhược điểm lớn là:

Mô hình đòi hòi một bản yêu cầu đầy đủ và chính xác từ phía khách hàng. Yêu cầu này hiếm khi đạt được bởi khách hàng ít khi xác định được chính xác họ muốn gì ở ngay giai đoạn đầu của dự án, sở thích của họ cũng thay đổi khá thường xuyên. Việc làm lại các giai đoạn ban đầu để đáp ứng sự thay đổi của khách hàng thường mất rất nhiều công sức và phá vỡ cấu trúc của phần mềm.

Khách hàng cần phải kiên nhẫn. Họ chỉ được tham gia vào dự án ở giai đoạn phân tích yêu cầu và kiểm thử mà thôi. Ngoài ra, sản phẩm sẽ chỉ được bàn giao khi tất cả các công việc liên quan đã được hoàn thành.

Mô hình thác nước chỉ nên được sử dụng khi đội dự án đã có kinh nghiệm, yêu cầu từ khách hàng được xác định rõ ngay từ đầu và ít có khả năng thay đổi. Hiện nay, mô hình thác nước vẫn được sử dụng rộng rãi do tính gần gũi với các mô hình phát triển trong các ngành kĩ thuật khác.

Với đối tượng khách hàng là các cơ quan, tổ chức của nhà nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết các khách hàng đều có những yêu cầu đặc thù riêng biệt để thích ứng với hoàn cảnh, môi trường của khách hàng. Thường những yêu cầu, đặc thù này không được bộc lộ ngay từ khâu đầu tiên của quy trình là tìm hiểu yêu cầu của bài toán. Trong suốt quá trình phát triển phần mềm, khách hàng luôn có những thay đổi yêu cầu đối với phần mềm. Điều này là do trong quá trình xây dựng phần mềm, khách hàng mới bắt đầu có những hình dung rõ hơn về nhu cầu của chính mình.

Tuy nhiên, việc khách hàng thường xuyên thay đổi yêu cầu đối với phần mềm khiến cho quá trình xây dựng phần mềm gặp rất nhiều khó khăn. Thay đổi yêu câu dẫn đến thay đổi kiến trúc, công nghệ cần sử dụng. Điều này làm gia tăng chi phí cho việc nghiên cứu những công nghệ mới cần áp dụng. Ngoài ra việc thay đổi yêu cầu, nghiên cứu mới cũng kéo theo tình trạng kéo dài dự án, tăng chi phí sản xuất, trong khi báo giá cho khách hàng đã được thông báo, ký hợp đồng từ trước.

Việc khách hàng thường xuyên thay đổi yêu cầu có nguyên nhân khách quan từ phía khách hàng, bên cạnh đó cũng có yếu tố chủ quan từ phía Công ty. Nguyên nhân chủ quan chính là do Công ty không có bộ phận chuyên trách cho việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng. Điều này dẫn tới những đề xuất, phân tích cho các dự án không được đầy đủ. Chỉ khi dự án bắt đầu được thực hiện trong một thời gian nhất định, những yêu cầu của khách hàng mới được bộc lộ rõ. Nếu Công ty có bộ phận chuyên trách cho công tác nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, sản phẩm, Công ty sẽ tránh được những chi phí sản xuất do dự án bị kéo dài. Ngoài ra, bộ phận đó cũng sẽ giúp cho Công ty tìm kiếm được những khách hàng mới, xây dựng được những sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học ngoại thương Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại công ty cổ phần công nghệ syntek (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w