TP. Vinh đến năm 2020
3.1.1. Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN tại TP. Vinh
Như đã biết, DNVVN có đặc điểm nổi bật là có quy mô vốn và lao động nhỏ, trình độ công nghệ của các DNVVN thấp, mặt bằng sản xuất cũng như trình độ tay nghề của người lao động, kỹ năng quản lý của nhà quản lý còn có những hạn chế, chính vì vậy để tồn tại và phát triển đòi hỏi không chỉ các DN nói chung mà các DNVVN phải nâng cao chất lượng lao động đồng thời cần sự hỗ trợ của nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở hạn chế cùng tầm quan trọng của DNVVN tác giả xin được đưa ra mục tiêu để phát triển nguồn nhân lực của mình như sau:
Mục tiêu chung:
Đảm bảo và duy trì nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có tay nghề thành thạo, có trình độ chuyên môn sâu đồng thời có phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời có kỹ năng giao tiếp, ứng xử ngày càng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của DN.
Mục tiêu cụ thể:
Đối với người lao động:
Đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 52% năm 2015 và trên 70% vào năm 2020 nhằm tạo ra sự thay đổi về chất của người lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh, gồm:
- Tăng cường năng lực, đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, nâng cao số lượng lao động lành nghề.
- Sử dụng lao động có hiệu quả, tăng năng suất lao động của người lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
- Nâng cao các chính sách đãi ngộ như lương thưởng người lao động, chú trọng việc phát triển nghề nghiệp của người lao động nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động làm việc của người lao động
- Nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý của chủ DN, các cấp quản lý trong DN. - Chú trọng xây dựng các chế độ tiền lương hợp lý với sự cống hiến sức lao động cũng như quy định của Nhà nước về tiền lương cho người lao động. Đưa mức lương bình quân đầu người lao động tại TP. Vinh trong các DNVVN là 6,4 triệu đồng vào năm 2016 và 9,3 triệu đồng vào năm 2020.
- Xây dựng nguồn kinh phí hàng năm trợ giúp hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong DN
3.1.2. Quan điểm về phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN
Quan điểm 1: Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động cho người lao động trong các DNVVN là cần thiết và cần được sự quan tâm thường xuyên của Nhà nước và của nhà lãnh đạo, quản lý trong DN.
Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển Thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đã xác định rõ quan điểm “ Phát triển TP. Vinh dựa vào lợi thế về nguồn nhân lực, gắn phát triển kinh tế với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, coi nguồn nhân lực là lợi thế so sánh chủ yếu của Thành phố … ”. Đồng thời hoạt động của DNVVN trong nền kinh tế đóng vai trò chủ chốt, đóng góp nguồn ngân sách đáng kể và giải quyết tỷ lệ lớn công ăn việc làm cho lực lượng lao động, đòi hỏi Nhà nước cần có nhiều chính sách chủ trương để phát triển loại hình DN này.
Nghị định 56/2009/NĐ – CP ngày 30/6/2009 về hỗ trợ phát triển DNVVN nêu rõ kế hoạch trợ giúp phát triển nguồn nhân lực như hỗ trợ nguồn kinh phí, điều kiện cơ sở hạ tầng cho người lao động khi họ tham gia học tập. Bên cạnh đõ Nhà nước cũng cần chú trọng việc nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nhân trong các DNVVN. Hiệu quả của quá trình quản lý của đội ngũ này sẽ quyết định thành công của DN và góp phần tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Muốn vậy, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ việc phát triển nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ doanh nhân về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Quan điểm 2: Phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN đòi hỏi sự phối hợp giữa DN, người lao động, các ban ngành các tổ chức cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng của người lao động trên cơ sở xem người lao động là trung tâm để nâng cao chất lượng đào tạo.
Như chúng ta đã biết đào tạo và PTNNL đòi hỏi đảm bảo đủ về số lượng và phù hợp về chất lượng cho nền kinh tế cũng như của các DN. Nhưng để đầu tư cho những lĩnh vực này đòi hỏi phải thường xuyên và khá tốn kém về tài chính cũng như thời gian. Muốn vậy cần có sự phối hợp đồng bộ, ăn ý giữa các bên liên quan và bản thân người lao động. Các ban ngành như sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An, Sở Công thương, Các trường ĐH, CĐ và cao đẳng nghể…. Cần xây dựng và thực hiện được kết hoạch đào tạo cũng như phát triển nhân lực cho phù hợp với nhu cầu của các DNVVN trên địa bang thành phố, cần khảo sát nhu cầu về đào tạo của các DNVVN theo từng giai đoạn để có sự điều chỉnh hợp lý. Bên cạnh đó, các DN cũng cần năng động để nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của DN. Chủ DN cần hoạch định đúng nhu cầu đào tạo cũng như phát triển nhân lực của DN mình trên cơ sở phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN cũng như khả năng tài chính của DN. Mặt khác DN cũng cần đưa ra những chính sách để khuyến khích người lao động tự giác, nhiệt tình học tập để phát triển chuyên môn như hỗ trợ chi phí học tập, thời gian cho học tập … Các tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ đào tạo và PTNNL cần phải nghiên cứu sâu nhu cầu học tập của người lao động, tình hình thực tế của DN để xây dựng bài giảng, chương trình đào tạo phù hợp, dễ hiểu, dễ vận dụng vào thực tế nhằm tạo hiệu quả cao của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Quan điểm 3: Phát triển nguồn nhân lực phải xuất phát từ điều kiện đặc thù của DNVVN đồng thời phải sát với thực tế, dễ thực hiện nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình
Đặc điểm nổi bật của hệ thống DNVVN đó là số lượng lao động ít, Vốn hạn chế. Phần lớn các DNVVN không có bộ phận, người phụ trách về công tác đào tạo, phát triển nhân lực mà người quản lý hoặc chủ DN sẽ kiêm luôn công tác này. Tuy nhiên thực tế thì trình độ, kỹ năng quản lý của chủ DN còn hạn chế, chưa hoặc ít được đào tạo. Do đó khi xây dựng các giải pháp, kế hoạch đề phát triển nhân lực cần phải thiết thực, dễ thực hiện đồng thời phù hợp với khả năng tài chính cũng như trình độ, nhận thức của DNVVN, từ đó tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.
Quan điểm 4: Đào tạo và PTNNL phải gắn với sự phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNVVN
Bất kể tổ chức, doanh nghiệp nào cũng vậy, khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đặt mục tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh làm hàng đầu, là mục tiêu quan
trọng, là sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cải tiến máy móc, tăng cường hoạt động marketing hay nâng cao tay nghề cho người lao động…. là mong muốn đóng góp, tạo tiền đề phát triển cho doanh nghiệp. Vì thế các chính sách, hoạt động nói chung và công tác đào tạo và PTNNL cho người lao động phải gắn với sự phát triển và nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của DN.