II. ĐỐI SÁCH CỦA CÁC NƯỚC VÀ VÙNG LÃNH THỔ ĐÔNG BẮC Á
a. Nghiên cứu dự báo
Chẩn đoán và đánh giá khoa học về biến đổi khí hậu là rất quan trọng trong việc thiết lập các định hướng các chính sách kinh tế cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Các nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho việc ban hành các biện pháp ứng phó. Các nhà khoa học các nước đã tiến hành nhiều dự án nghiên cứu nhằm đưa ra các biện pháp đối phó từng bước và có hệ thống với những thay đổi thời tiết thông qua việc phân tích sâu sắc về biến đổi khí hậu và tác động của nó trên phạm vi toàn quốc và khu vực.
Các nghiên cứu này bao gồm phân tích hiện trạng và dự báo về biến đổi khí hậu, chẩn đoán về sản xuất nông nghiệp theo chiều hướng biến đổi khí hậu, xem xét các trường hợp để phân tích tác động trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước khác và ảnh hưởng lan tỏa của biến đổi khí hậu đối với các nền kinh tế nông nghiệp.
Để thực hiện các giải pháp chính sách toàn diện về biến đổi khí hậu, Nhật Bản rất chú trọng công tác quan sát thu thập dữ liệu, phân tích và nghiên cứu dự báo về biến đổi khí hậu, và đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh công tác quan sát khí hậu và đại dương
Để dự báo biến đổi khí hậu và đưa ra được các đối sách phù hợp, trước hết cần phải hiểu đúng bản chất của biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan như quan hệ giữa lưu lượng không khí hay khí CO2 và hệ thống khí hậu. Việc quan sát (giám sát) liên tục ổn định để tích lũy dữ liệu quan sát một cách tập trung, nghiên cứu để khám phá ra các cơ chế, và phát triển các công nghệ quan sát mới là những việc làm được Nhật Bản chú trọng từ rất lâu.
Nhật Bản đã quan sát liên tục và có hệ thống thời tiết và đại dương kể từ cuối thế kỷ 19. Các kết quả này đã giúp quốc gia này rất nhiều trong việc hình thành một bức tranh chi tiết về biến đổi khí hậu trong dài hạn. Việc quan sát một cách hệ thống, liên tục và ổn định như vậy đã cung cấp cho các nhà khoa học Nhật Bản những tài liệu quan trọng làm cơ sở cho việc dự báo biến đổi khí hậu và các biện pháp đối phó. Đặc biệt để xác định sự tích tụ CO2 trong đại dương (dữ liệu cần thiết cho việc dự báo biến đổi khí hậu), trong lúc dự án quan sát CO2 đại dương toàn cầu đang được tiến hành thì Nhật Bản từ lâu đã xây dựng được mạng lưới quan sát của riêng quốc gia này và hiện đang rất chú trọng tăng cường đầu tư hơn nữa về vốn, khoa học và công nghệ cho công tác này.
Những phát hiện khoa học được nghiên cứu từ những quan sát về môi trường toàn cầu đã tạo lập một nền tảng kiến thức và công nghệ cần thiết cho Nhật Bản trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học Nhật Bản đã thu được rất nhiều thành tựu kể từ khi công nghệ quan sát mới như các vệ tinh nhân tạo được đưa vào sử dụng từ cuối thế kỷ 20. Nhờ đó, các vấn đề liên quan đến phân bố nhiệt ở đại dương, sự tăng giảm băng biển cũng như tuyết và băng ở Bắc Băng Dương đã được nhận biết một cách cặn kẽ.
Hiện tại, việc dự báo chính xác sự cân bằng CO2 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do có sự đóng góp của thảm thực vật trên cạn và hệ sinh thái biển. Vì vậy, các nhà khoa học đã sử dụng các tháp quan sát đặt trong các khu rừng và các phao thả nổi trên đại dương để thu thập các dữ liệu cần thiết. Nồng độ khí nhà kính, đặc biệt là CO2, được đo tại các điểm quan sát khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây vẫn còn có những khu vực không có bất kỳ thiết bị quan sát nào. Kể từ tháng 1 năm 2009, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng vệ tinh Ibuki, vệ tinh nhân tạo quan sát khí nhà kính tiên tiến đầu tiên trên thế giới. Vệ tinh này có thể quan sát sự phân bố của CO2 và nồng độ khí mê-tan trên toàn bộ trái đất cùng với các biến thể của chúng theo thời gian. Cùng với các thiết bị quan sát trên mặt đất, trên đại dương, các vệ tinh nhân tạo đã giúp Nhật Bản tăng cường khả năng đo lượng khí thải CO2 và nồng độ các khí nhà kính khác tại từng khu vực cụ thể. Ngoài ra, các nhà khoa học Nhật Bản cũng sử dụng một số phương pháp khác để quan sát CO2 như sử dụng các chuyến bay tư nhân thường xuyên, phát triển thiết bị quan sát mới (LIDAR) có thể quan sát sự phân bố theo chiều dọc của CO2 bằng cách sử dụng tia laser.
Thông qua những nỗ lực nói trên, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đã và đang được quan sát liên tục. Các nhà khoa học Nhật Bản đặt mục tiêu quan sát và nghiên cứu là khám phá cơ chế của biến đổi khí hậu, nâng cấp các mô hình dự báo và xây dựng các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu một cách phù hợp hơn trên cơ sở các kết quả quan sát thu được.
- Dự báo về biến đổi khí hậu
Trên cơ sở các dữ liệu quan sát thu thập được, các nhà khoa học có thể phân tích các trạng thái của khí quyển và đại dương và dự báo biến đổi khí hậu bằng cách mô hình hóa các biến động. Với sự xuất hiện của siêu máy tính hiệu suất cao có thể chạy các mô phỏng biến đổi khí hậu trong
tương lai với độ chính xác cao, các nhà khoa học Nhật Bản đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Báo cáo đánh giá số 4 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC AR4). Tuy nhiên, như đã được chỉ ra trong IPCC AR4, mô hình dự báo biến đổi khí hậu hiện nay hàm chứa những điều không chắc chắn về những ảnh hưởng của các đám mây và sương mù cũng như thông tin phản hồi tuần hoàn carbon, có ảnh hưởng đáng kể đến các kết quả dự báo. Những vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm đưa ra được những kết luận chính xác hơn. Các nhà khoa học hy vọng các kết quả dự báo đáng tin cậy sẽ được thể hiện trong Báo cáo đánh giá số 5 (AR5) của IPCC, dự kiến công bố vào năm 2013-2014.
Liên quan đến việc xây dựng báo cáo số 5 này, hiện các nhà khoa học Nhật Bản cùng với các nhà khoa học khác của nhiều nước đang sử dụng các siêu máy tính tiên tiến nhất của thế giới để tính toán độ không chắc chắn trong các dự báo định lượng. Các dự đoán về các hiện tượng cực đoan (bão và mưa lớn) do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu và nghiên cứu dự báo biến đổi khí hậu qua việc xem xét chuyển động của các chất khác so với CO2 cũng đang được chú trọng. Các nhà khoa học Nhật Bản hiện đang mở rộng hướng nghiên cứu và phát triển đáp ứng các yêu cầu về dự báo biến đổi khí hậu dài hạn (đến 2300), dự báo trong tương lai gần (20 đến 30 năm sau), và dự báo hiện tượng cực đoan (bão và mưa lớn) theo yêu cầu của IPCC AR5.
Để dự báo xu hướng nóng lên toàn cầu và thời tiết bất thường cũng như những thay đổi về khí hậu trong tương lai, Nhật Bản đang xây dựng các mô hình khí hậu khu vực chính xác cao, có tính đến các ảnh hưởng của địa lý như các dãy núi, thung lũng và đồng bằng lớn với độ phân giải theo chiều ngang từ 4-5 km. Với việc đẩy mạnh công tác quan sát, nghiên cứu dự báo về biến đổi khí hậu và cung cấp các kết quả dự báo nóng lên toàn cầu cho các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia vào việc đánh
giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng, các nhà khoa học Nhật Bản đã và đang có những đóng góp đáng kể trong các nghiên cứu về các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với sự nóng lên toàn cầu.
Hình 2: Phát triển mô hình khí hậu khu vực hiệu suất cao của Nhật Bản
- Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã được Nhật Bản triển khai thực hiện trong từng lĩnh vực bằng nhiều cách khác nhau. Kết quả là, ở Nhật Bản, một loạt các hiện tượng đã được phát hiện có thể do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi xem xét đánh giá tính dễ tổn thương với biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng, điều vô cùng quan trọng là phải theo dõi những ảnh hưởng thực tế do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó cần phải thực hiện liên tục và có hệ thống việc giám sát tập trung vào phát hiện những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về dự báo những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đây có thể là quan hệ định lượng giữa các ảnh hưởng chủ yếu trong từng lĩnh vực với sự gia tăng nhiệt độ. Đối với một số loại ảnh hưởng, thậm chí người ta có thể ước tính mức độ thiệt hại bằng tiền dựa trên một kịch bản nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, việc đánh giá chính xác những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn còn một số thách thức. Đó là, việc dự báo chính xác ảnh hưởng ở cấp
vùng và địa phương khó đạt được; việc dự báo phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra dựa trên nhiều mô hình phức tạp khó đạt được trong thực tiễn; các kỹ thuật đánh giá tính dễ tổn thương và hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được chuẩn hóa. Trong 5 năm tới, Nhật Bản hy vọng sẽ có phát minh mới về tri thức khoa học thực tiễn có thể sử dụng để xem xét các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn. Trong những năm sắp tới công tác nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở Nhật Bản bao gồm một số định hướng cụ thể sau:
- Dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn quốc bằng các mô hình biến đổi khí hậu hiện đại có độ chính xác cao;
- Xây dựng các mô hình dự báo và đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đồng thời với việc phát triển các kỹ thuật dự báo ảnh hưởng có thể xảy ra dựa trên các kết quả dự báo khí hậu phức tạp.
- Xây dựng các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải và kịch bản thích ứng khác nhau. - Phát triển các kỹ thuật đánh giá dễ sử dụng để đánh giá độ
rủi ro và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đánh giá hiệu quả của việc thích ứng và các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật này có thể được áp dụng rộng rãi cho các địa phương của Nhật Bản hoặc các nước đang phát triển. - Phát triển công nghệ để có thể thực hiện các chính sách thích
ứng một cách toàn diện (kết hợp các biện pháp giảm nhẹ với các biện pháp thích ứng, các giải pháp ứng phó với xã hội già hóa và các vấn đề đặc thù của địa phương).
- Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nghệ thuật sẽ được huy động tham gia trong những nghiên cứu này nhằm đưa ra
những đánh giá kinh tế xã hội và các đề xuất chính sách phát triển.
- Ngoài việc nghiên cứu, các nhà khoa học cần tăng cường thông tin liên lạc chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự, đồng thời khuyến các hoạt động theo nhóm, hoặc theo tổ chức để tăng cường các biện pháp thích ứng và đạt được một xã hội carbon thấp và xã hội thích ứng với khí hậu.