Đối sách của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001 2020 (Trang 66)

II. ĐỐI SÁCH CỦA CÁC NƯỚC VÀ VÙNG LÃNH THỔ ĐÔNG BẮC Á

3. Đối sách của Trung Quốc

Cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Đông Bắc Á, Trung Quốc rất coi trọng vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Theo ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu hành động cụ thể trong việc khống chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2020, và quyết tâm thực hiện mục tiêu này thông qua việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng, và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái sinh.

Năm 2011, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm thảo luận về các biện pháp hài hòa giữa ưu tiên phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển các ngành công nghiệp xanh và xây dựng các thành phố phát thải ít khí carbon. Tham dự diễn đàn này có hơn 200 đại biểu gồm các quan chức, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc và các nước châu Âu. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã đề xuất, gợi ý các cách thức mới để kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà

kính và phát triển thị trường carbon. Theo đó, Trung Quốc cần tiến hành cải tiến các ngành công nghiệp nhằm giảm phát thải khí carbon trên cơ sở các phát minh công nghệ mới.

Theo ông Xie Zhenhua - Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc sẽ chú trọng thực hiện Kế hoạch hành động Bali và kêu gọi tất cả các nước phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto cùng tích cực hơn nữa trong các vòng đàm phán tới đây về biến đổi khí hậu.

Về các giải pháp chính sách cụ thể, năm 2011 Trung Quốc đã công bố Sách trắng về biến đổi khí hậu. Theo đó, trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Trước đó, trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2005-2010), Trung Quốc cũng đã áp dụng hàng loạt các chính sách và biện pháp quan trọng nhằm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, và đã thu được kết quả rõ rệt. Tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP năm 2010 của Trung Quốc đã giảm 19,1% so với năm 2005, tức giảm hơn 1,46 tỷ tấn khí thải các bon. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường xây dựng năng lực và áp dụng biện pháp thích hợp trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên nước, hải dương, y tế, khí tượng nhằm giảm nhẹ tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân.

Dưới sự chỉ đạo của chính phủ và vai trò của các tổ chức quần chúng và các phương tiện truyền thông, ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Trung Quốc đã từng bước được nâng cao. Hiện nay, cuộc sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu lượng khí thải cácbon đã phát triển thành phong trào rộng lớn ở nhiều thành phố của Trung Quốc.

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức tại thành phố biển Can-cun, Mê-hi-cô vào đầu tháng 12/2010, để đáp ứng mong đợi ngày càng cao của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã thể hiện thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, cùng với các nước nỗ lực thúc đẩy hội nghị này thu được thành quả tích cực theo yêu cầu của Nghị định thư Kyoto, Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và Lộ trình cắt giảm khí nhà kính. Cũng trong trong thời gian tham gia Hội nghị này, đoàn đại biểu Trung Quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã tổ chức một Hội nghị bên lề với chủ đề "Ứng phó với biến đổi khí hậu-Trung Quốc đang hành động" nhằm giới thiệu những chính sách, biện pháp và hành động về ứng phó biến đổi khí hậu của Trung Quốc cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc về ứng đối biến đổi khí hậu.

Theo các báo cáo được công bố tại Hội nghị này, kể từ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 11 đến nay, Trung Quốc đã kiên trì thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng xanh, các-bon thấp, đẩy mạnh trồng rừng nhằm tăng khả năng hấp thụ khí CO2 trong khí quyển. Trung Quốc cũng đã khởi động xây dựng thí điểm các tỉnh các-bon thấp và thành phố các-bon thấp; xây dựng hệ thống ngành nghề và mô hình tiêu dùng với đặc điểm lượng thải các-bon thấp, tiết kiệm năng lượng giảm thiểu khí thải và đã thu được những kết quả quan trọng.

Tính đến cuối năm 2010, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP của Trung Quốc đã giảm khoảng 20% so với năm 2005. Trước Hội nghị Cô-pen-ha-ghen năm 2009, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, lượng phát thải khí CO2 trên một đơn vị GDP sẽ giảm từ 40% đến 45% so với năm 2005. Trong quy hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 12, công

tác tiết kiệm năng lượng giảm thiểu khí thải cũng đã được tăng cường thêm một bước so với kế hoạch 5 năm lần thứ 11.

Theo đánh giá của bà Rê-na-ta Lốc Đơ-xai-lin, điều phối viên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Trung Quốc, Trung Quốc đã có nhiều cố gắng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có một số việc làm đáng chú ý sau:

"Trước hết, Trung Quốc coi biến đổi khí hậu là việc quan trọng trong chương trình nghị sự phát triển của mình, đồng thời tích cực thí nghiệm thành lập mô hình các-bon thấp mới và cũng là phát triển bền vững về các mặt khác;

Hai là, Trung Quốc đã ấn định kế hoạch dạt dào chí lớn về mặt hiệu suất sử dụng năng lượng và bảo vệ năng lượng, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đối với việc giảm thải các-bon;

Ba là, Trung Quốc đã đầu tư to lớn về phát triển năng lượng tái sinh. Trong mấy chục năm qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã có sự hợp tác gắn bó với Trung Quốc về tất cả những mặt này."

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Trung Quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã ký một hiệp định tăng cường hợp tác trong việc giúp các nước đang phát triển khác chia sẻ kinh nghiệm và nhận thức trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là làm thế nào để ứng phó với biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm và sự không ngừng cải cách của Trung Quốc có thể giúp đỡ các nước đang phát triển khác tiết kiệm thời gian và ngân sách cần thiết của họ trên con đường phát triển các-bon thấp.

Một trong những giải pháp cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính của Trung Quốc là đánh thuế các-bon. Hiện vấn đề này đang gây ra nhiều tranh luận về tính khả thi của nó rằng liệu đây có phải là chính sách thực

hay chiêu bài đối phó với sức ép của dư luận quốc tế. Qua nghiên cứu các bài phân tích của các học giả công kích Trung Quốc và phản ứng của giới học giả Trung Quốc xung quanh chủ đề này, có thể khẳng định rằng chủ trương chính sách của Trung Quốc là hoàn toàn có thực, song tính khả thi và hiệu quả của nó thì cần phải có thời gian mới có thể có câu trả lời đầy đủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phần dưới đây xin tổng hợp một số ý kiến tranh luận chủ yếu.

Trong một bài phân tích đăng trên tờ Wall Street chỉ một tuần sau thông cáo của Trung Quốc, học giả John Lee thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Hudson (Washington D.C.) kiêm trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế – CISS (Đại học Sydney) cho rằng, thực chất đây chỉ là một “màn kịch chính trị” của Bắc Kinh nhằm đối phó với sức ép dư luận quốc tế. Với nghi vấn ”Tại sao Trung Quốc lại công bố ý định ban hành thuế các-bon khi mà bản thân nền kinh tế nước này đang có nhiều rạn nứt?“, John Lee lập luận rằng, sở dĩ như vậy là vì các luồng chỉ trích quốc tế đối với Trung Quốc kể từ Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen – 2009 ngày càng gia tăng, Trung Quốc không thể kéo dài mãi sự phớt lờ nên buộc phải ra chiêu bài chống đỡ.

Theo John Lee, mặc dù Trung Quốc khẳng định rất quan tâm đến biến đổi khí hậu, song mặt khác lại ra tuyên bố các giải pháp chống biến đổi khí hậu không được phép ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, và trong thời gian áp dụng thuế các-bon vẫn phải ưu tiên mục tiêu tăng trưởng. Việc áp biểu thuế phát thải đối với ngành hàng không Trung Quốc thua xa so với Liên minh Châu Âu (EU) cũng là minh chứng cho thấy quốc gia dẫn đầu về dân số thực sự không muốn đặt gánh nặng thuế lên các doanh nghiệp trong nước.

Giữa thuế các-bon và lộ trình thương mại hóa khí thải cắt giảm, Trung Quốc đã lựa chọn công cụ thứ nhất, nghĩa là chỉ tăng giá các-bon mà

không đặt mục tiêu giảm lượng phát thải. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, đến năm 2030, 80% năng lượng của Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ, và lượng tiêu thụ than đá hàng năm vẫn tăng thêm khoảng 17%. Tuy nhiên, nếu vấp phải chỉ trích hay phê phán quốc tế thì giờ đây Trung Quốc đã có bình phong là “thuế các-bon”.

Ai chịu thuế các-bon? Theo John Lee, tuy chi tiết chưa được công bố nhưng rõ ràng thuế các-bon của Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng cho các nhà phát thải lớn nhất, đó chính là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu vốn chiếm từ 20 – 50% tổng lượng phát thải của nước này. Những ngành sản xuất này chủ yếu do nước ngoài đầu tư, sản phẩm cũng được tiêu thụ ở thị trường bên ngoài. Như vậy, gánh nặng thuế chủ yếu rơi vào những nhà đầu tư và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Một số tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trong các ngành điện và xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng, song bù lại họ được bảo hộ thông qua nhiều hình thức khác nhau như trợ giá, ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuế…

Tuy nhiên, theo Alvin Lin và Yang Fuqiang (một là giám đốc một là cố vấn cao cấp về chính sách năng lượng và biến đổi khí hậu thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc (NRDC), cả hai đều là thành viên Chương trình nghiên cứu thuế các-bon của Chính phủ Trung Quốc), trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2005-2010), Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện nhỏ, có tổng công suất phát điện 20 triệu KW. Thuế các-bon là công cụ dựa vào thị trường góp phần cắt giảm lượng phát thải CO2 và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét. Tuy các nước áp dụng có khác nhau nhưng đều chung mục tiêu cơ bản là hướng vào giảm phát thải, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tăng cường bảo toàn năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và đẩy mạnh các giải pháp xanh.

Cũng theo Alvin Lin và Yang Fuqiang, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Trung Quốc đã xây dựng Khung Chương trình Hành động cấp quốc gia về Giảm thiểu phù hợp (NAMA). Trong giai đoạn 2005 – 2010, giai đoạn thực thi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã cắt giảm được khoảng 1,5 tỷ tấn khí nhà kính, trở thành nước giảm phát thải nhiều nhất thế giới.

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chính thức khởi động các dự án thử nghiệm về thương mại các-bon tại 5 thành phố. Theo nhận định của các học giả Trung Quốc, về lâu dài, việc phát triển các thị trường các bon đầy đủ sẽ là giải pháp căn bản của Trung Quốc trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước khi các thị trường các bon được phát triển đầy đủ thì thuế các bon được coi là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Trong giai đoạn quá độ, cả hai công cụ là thuế các bon và thị trường các bon sẽ được thực hiện đồng thời. Khi thị trường các-bon đã được phát triển một cách đầy đủ, việc đánh thuế các-bon có thể sẽ không cần nữa. Các học giả Trung Quốc cũng khẳng định “phát triển xanh, các-bon thấp” là con đường tất yếu mà Trung Quốc sẽ phải đi ... Điều này khác với con đường “phá trước, khắc phục sau” của các nền kinh tế phát triển. Trong thời kỳ đầu áp dụng, thuế các-bon có thể sẽ còn có những bất cập, song về lâu dài, lợi ích thu được vẫn chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, các học giả Trung Quốc cũng cho rằng, khi áp dụng chính sách thuế các bon, Chính phủ nên gia hạn cho các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giúp họ kịp thích ứng và lấy lại vị thế cạnh tranh. Trong thời kỳ gia hạn này, có thể trích một phần ngân sách từ thuế các-bon để khuyến khích doanh nghiệp hoàn thành bước chuyển dịch.

Một phần của tài liệu Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001 2020 (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)