Về định hướng chính sách

Một phần của tài liệu Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001 2020 (Trang 163 - 170)

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Về định hướng chính sách

Thứ nhất, Việt Nam cần tham gia một cách chủ động và tích cực vào các chương trình do Liên hiệp quốc chủ trì về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ý thức về những tác hại do con người gây ra cho môi trường trái đất, gần đây đã có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn những ảnh hưởng nguy hại do biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều diễn đàn quốc tế đã ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính trị cũng như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại như Liên hợp quốc, WTO, EU, ASEM, APEC, ASEAN..., một điều chắc chắn rằng những thoả thuận kinh tế, chính trị, thương mại song phương hoặc đa phương gắn liền với vấn đề biến đổi khí hậu luôn nhận được sự tán thành và hợp tác.

Những cam kết quốc tế được cụ thể hoá vào năm 1997 khi Nghị định thư Kyoto ra đời và chính thức có hiệu lực vào năm 2005 liên quan đến Chương trình khung về vấn đề biến đổi khí hậu mang tầm quốc tế của Liên hiệp quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Kể từ tháng 11/2007 đã có khoảng 175 nước kí kết tham gia chương trình này. Nghị định thư Kyoto ràng buộc 37 quốc gia phát triển đến năm 2012 phải cắt giảm khí thải xuống 5% so với mức của năm 1990. Nghị định thư cũng được khoảng 137 nước đang phát triển tham gia kí kết trong đó có Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ vốn là những nền kinh tế mới nổi và có lượng khí

phát thải cao. Sự kiện chính phủ Nga, nước chiếm 17% lượng khí thải phê chuẩn NĐT vào năm 2004, và chính phủ Úc ký kết NĐT vào năm 2007, đã gây sức ép buộc Mỹ (nước chiếm 25% khí thải ) - hiện là quốc gia phát triển duy nhất không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto - phải thay đổi quan điểm. Thế giới hy vọng thái độ tích cực và sự tham gia có trách nhiệm của Mỹ sẽ được thể hiện cụ thể hơn nữa khi sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử.

Như vậy, Nghị định thư Kyoto được mong đợi sẽ là một thành công trong vấn đề cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Mục tiêu được đặt ra nhằm "Cân bằng lại lượng khí thải trong môi trường ở mức độ có thể ngăn chặn những tác động nguy hiểm cho sự tồn tại và phát triển của con người vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của môi trường”. Trong những năm tới, xu thế chung của hợp tác quốc tế và khu vực để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được tăng cường, tập trung vào quá trình thiết lập cơ chế hợp tác, nghiên cứu và đánh giá tác động, xây dựng biện pháp phòng ngừa và nghiên cứu công nghệ, năng lượng mới. Mặc dù vậy, quá trình hợp tác sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở do còn nhiều sự khác biệt về lợi ích giữa các nước trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu (cơ bản là việc giảm chất thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc sử dụng tiết kiệm nhiên liệu có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của nhiều nước), việc sản xuất theo Chương trình cơ cấu phát triển sạch (The Clean Development Mechanism-CDM)) đòi hỏi đầu tư lớn và công nghệ phức tạp...

Để có thể tham gia một cách tích cực và chủ động vào các chương trình của LHQ về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch, chiến lược phát triển cần được tổ chức và huy động tham gia và Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho

chương trình này. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ - TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và ngày 12/01/2009, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT chính thức công bố chương trình này. Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việc sớm triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình này sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc hưởng ứng các chương trình của LHP về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, Chương trình cũng cần được kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực để có thể tiếp nhận thành quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới, tiếp nhận sự viện trợ, giúp đỡ quốc tế. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, Việt Nam có thể đóng góp vào vấn đề đang được các tổ chức quốc tế thảo luận. Các vị lãnh đạo cao cấp nước ta cần dành thời gian, chủ động tham gia các hội nghị quốc tế do Liên hiệp quốc chủ trì về vấn đề này. Việc tham gia của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu thời gian qua còn thụ động. Vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam có thể và cần được tổ chức tham gia nghiên cứu vấn đề hệ trọng này. Một mặt, chúng ta chủ động, tích cực thực hiện phần trách nhiệm quốc gia của mình, mặt khác chúng ta cũng tích cực lên tiếng đòi các nước phát triển thực hiện cam kết thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc và các Hiệp định, Nghị định thư quốc tế về bảo vệ môi trường Trái đất vì sự sống còn của nhân loại.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự báo về biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó đối với Việt Nam.

Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra, như lũ lụt, hạn hán, bão ... Bên cạnh đó, với đường bờ biển dài, vấn đề mực nước biển dâng cao có thể làm mất 12,2% diện tích của lãnh thổ và đe dọa tới chỗ sinh sống của 17 triệu người. Vì vậy, Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu, rà soát, kiểm định lại những kết quả nghiên cứu đã có từ trước tới nay, thực hiện một số đề tài nghiên cứu có mục tiêu hướng tới những kết luận khoa học tin cậy, dự báo được chiều hướng biến động cả trước mắt cũng như ở tầm trung hạn, dài hạn (được hiểu theo nghĩa tính bằng thập kỷ và thế kỷ). Các kết luận khoa học phải trở thành cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách vì sự nghiệp phát triển bền vững cho tương lai đất nước, đặc biệt là quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, xây dựng các đô thị và vùng tập trung dân cư, các khu, cụm công nghiệp ... Cần tăng cường đầu tư, tổ chức các công tác điều tra cơ bản và mạng quan trắc sự biến đổi nhiệt độ, những biến động về quy luật vận động của khí quyển và thủy quyển và về vận động kiến tạo hiện tại ở Việt Nam, áp dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến hiện nay vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong công tác nghiên cứu dự báo và đề xuất các giải pháp ứng phó, cần tổng kết, rút ra các kinh nghiệm thành công và chưa thành công của cha ông ta trong nhiều thế kỷ qua trong việc ứng phó với các loại “thiên tai” thường xuyên xảy ra ở các vùng đồng bằng thấp, vùng ven biển. Đồng thời, để thực hiện triển khai việc quan sát và nghiên cứu có hiệu quả, rút ngắn thời gian, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về vấn đề này. Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước phát triển ở Đông Bắc Á đã có nhiều kinh nghiệm

và thành tựu nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tranh thủ sự giúp đỡ của các nước này trong việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, cần xây dựng một chiến lược quốc gia về năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch

Cần có một chiến lược đáp ứng tốt nhu cầu gia tăng rất nhanh chóng về năng lượng, nhất là điện năng, phục vụ công nghiệp hóa đất nước. Nêu cao yêu cầu tiết kiệm năng lượng, hạn chế đến mức cần thiết việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt), và sớm có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Việt Nam là nước tham gia ký kết và tích cực thực hiện “Tuyên bố Thiên niên kỷ” của Liên hiệp quốc năm 2000, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường sống của hành tinh được nhấn mạnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đặc biệt coi trọng yêu cầu phát triển nhanh, song phải bền vững, trong đó có yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái; Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa về chiến lược biển dài hạn cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường gắn liền với khai thác nguồn lợi của biển.

Rõ ràng vấn đề đặt ra vừa có yêu cầu bức xúc trước mắt, vừa có tầm quan trọng chiến lược lâu dài, cần có sự báo động và hành động trước khi quá muộn.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết và ý thức của người dân về biến đổi khí hậu và những hệ quả nghiêm trọng của nó để mọi người cùng hưởng ứng các phong trào và sáng kiến về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của con người trên khắp hành tinh và làm cho trái đất chúng ta ngày càng trở nên mỏng manh, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Song, không phải ai cũng đã ý thức được một cách rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức của mọi người. Có thể và cần thiết phải đưa vào chương trình giáo dục các cấp một số bài giảng hoặc chuyên đề về biến đổi khí hậu.

Cần tuyên truyền giáo dục mọi người có ý thức hơn đối với môi trường thông qua từng công việc cụ thể của mỗi cá nhân, tạo cho mỗi người có ý thức thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày theo hướng tiết kiệm năng lượng. Chỉ cần một cái nhấn nút tắt đèn hay các thiết bị điện, điện tử khi ra vào phòng ở hay nơi làm việc thì cũng giảm thiểu được khá nhiều chi phí phải trả. Một số việc làm cụ thể khác như hạn chế xả chất thải bẩn, trồng và chăm sóc cây xanh, đi xe đạp ở những cự ly ngắn hoặc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng... đều là những việc làm hữu ích cho việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần giáo dục mọi người nhận thức đầy đủ hơn về nguyên nhân và hậu quả của sự biến đổi khí hậu để vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là đối với những người “ra quyết định”. Ví dụ: đối với người có quyền nhập khẩu thiết bị sản xuất thì nhất quyết phải nói không với công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhiên liệu và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Việc ứng dụng những thành tựu mới vào trong hiện thực cuộc sống là sự đóng góp thiết thực nhất của doanh nghiệp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đối khí hậu. Hiện nay, các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đã và đang chú trọng nghiên cứu ứng dụng những nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, sức gió, sóng biển... để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong xây

dựng có việc chú ý đến kiến trúc sinh thái, trong du lịch có việc xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm du lịch sinh thái... đều là những hướng đi tích cực. Việc tuyên truyền, trao đổi thông tin trên blog cá nhân hay diễn đàn trực tuyến cũng có tác dụng to lớn và nhanh chóng. Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giải trí thể thao, tình nguyện và phát triển sẽ giúp chúng ta đưa vấn đề bảo vệ môi trường xâm nhập vào cộng đồng một cách hữu hiệu hơn. Đó là những việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển bền vững cần được xem như hành động cụ thể của thế hệ hôm nay để cho thế hệ tương lai không phải gánh chịu những hậu quả và di chứng xấu.

Về mặt xã hội, cần phát động rộng rãi phong trào hưởng ứng và tham gia tích cực sáng kiến “Giờ Trái đất”. Đây cũng là một sáng kiến toàn cầu của tổ chức WWF (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên thiên) về biến đổi khí hậu. Các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và những tổ chức xã hội được kêu gọi tắt đèn trong 1 giờ để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với hành động chống lại biến đổi khí hậu. Sự kiện này được bắt đầu tại Sydney vào 31/3/2007, với hơn 2 triệu người và 2.000 doanh nghiệp đã tham gia tắt đèn. Sáng kiến tắt đèn đã thu hút sự chú ý của hàng triệu công dân trên toàn thế giới. Trong năm 2008, hơn 50 triệu người của 35 quốc gia đã tham gia. Năm 2009, Giờ Trái Đất thu hút hơn 1 tỉ người và 1.000 thành phố tham gia với thông điệp “Hành động của mỗi chúng ta có thể làm thay đổi thế giới”. Chỉ tính riêng nước Úc đã có hơn 100 đô thị và thành phố tham gia vào sự kiện này. Cùng với những đô thị lớn trên thế giới, Giờ Trái Đất đã chứng kiến đèn được tắt tại những biểu tượng nổi tiếng nhất hành tinh, bao gồm Tượng chúa cứu thế tại Rio De Janeiro, Núi Bàn ở Cape Town, Toà tháp Liên bang (Moscow), Nhà hát Opera Sydney, Sân vận động Thiên niên kỷ tại Cardiff và toà nhà 101 tại Đài bắc - Đài Loan... Giờ Trái đất còn có một ý nghĩa chính trị sâu sắc hơn là chuyển thông điệp về một sự uỷ

nhiệm toàn cầu tới những nhà lãnh đạo thế giới tham dự các cuộc họp cấp cao về biến đổi khí hậu để họ có thái độ tích cực hơn trong việc tiến tới ký kết một thoả thuận mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto.

Việt Nam đã hưởng ứng sáng kiến Giờ trái đất trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, việc hưởng ứng này mới chủ yếu ở một số thành phố lớn. Chúng ta cần tích cực tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của nó để những năm tới phong trào này có thể được lan rộng hơn nữa trên phạm vi toàn quốc. Việc tiết kiệm khối lượng điện tiêu thụ trong 1 giờ đồng nghĩa với việc giảm bớt được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tương đương với lượng khí thải tạo ra để sản xuất ra khối lượng năng lượng điện tiết kiệm được, góp phần tích cực ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông điệp của sự kiện này là “tắt đèn, bật tương lai”. Vì vậy, chúng ta hãy tích cực cùng tham gia hành động.

Một phần của tài liệu Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001 2020 (Trang 163 - 170)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)