Phân tích định tính kết quả thực nghiệm

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng bài tập để phát triển năng lực thực nghiệm cho học sinh trong dạy học sinh học cơ thể thực vật – sinh học 11 trung học phổ thông (Trang 121 - 124)

- Xin ý kiến của giáo viên

3.5.2.Phân tích định tính kết quả thực nghiệm

3 Năng lực phân tích kết quả thực

3.5.2.Phân tích định tính kết quả thực nghiệm

Trên cơ sở những thông tin thu nhận được từ quá trình trực tiếp triển khai thực nghiệm sư phạm và thường xuyên trao đổi với các giáo viên triển khai thực nghiệm, chúng tôi đưa ra một số nhận xét định tính như sau:

- Sự hứng thú với các bài tập thực nghiệm của HS ở lớp TN ngày càng thể hiện rõ, được biểu hiện ở sự sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ; chủ động trao đổi với giáo viên về những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Trong quá trình thực hiện các bài tập thực nghiệm, HS đã thể hiện được tinh thần làm việc hợp tác, biết cách làm việc theo nhóm. Đồng thời, trong nhóm HS thường xuyên có những thảo luận, tranh luận sôi nổi về các ý kiến đưa ra; khi HS chưa có sự thỏa mãn với ý kiến đề xuất trong nhóm, HS đã chủ động trao đổi với giáo viên.

- HS ở lớp TN đã thể hiện được tư duy sáng tạo trong quá trình thực hiện các yêu cầu của bài tập thực nghiệm. Nhất là đối với các bài tập về phương án thực nghiệm.

- GV nhận được thông tin phản hồi tích cực từ HS ở lớp TN như đề nghị GV sử dụng nhiều bài tập thực nghiệm trong giờ học trên lớp; tạo điều kiện cho HS thực hiện nhiều hơn các thực nghiệm trên đối tượng thật.

- HS đã chủ động lập thành các nhóm nhỏ để tiến hành một số thực nghiệm, làm báo cáo thu hoạch và báo cáo sản phẩm với giáo viên. Tính chủ động và sự hứng thú của HS trong việc thực hiện các bài tập thực nghiệm đã được chúng tôi động viên bằng cách có cơ chế cộng điểm khuyến khích đối với những HS này.

- Phần lớn HS thực hiện đầy đủ các yêu cầu của bài tập thực nghiệm được GV giao cho (thể hiện trong vở bài tập thực nghiệm và báo cáo thu hoạch); đồng thời càng về sau thì ý thức, tính tích cực chủ động và hiệu quả thực hiện các yêu cầu của bài tập thực nghiệm ngày càng cao.

- Các GV dạy thực nghiệm đều có phản hồi tích cực về hệ thống bài tập thực nghiệm được xây dựng, cũng như cách phân loại và phương pháp sử dụng bài tập thực nghiệm theo logic của tiến trình nghiên cứu khoa học. Các GV đều cho rằng hệ thống bài tập thực nghiệm được xây dựng là có giá trị và nếu được sử dụng hợp lý trong dạy học sẽ phát triển được năng lực thực nghiệm cho HS. Tuy nhiên, các GV cũng phản ánh có một số bài tập hơi khó và ngược lại cũng có một số bài tập lại hơi dễ đối với người học; bên cạnh đó, các GV cũng đề cập đến những khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các bài tập thực nghiệm trên đối tượng thật. Những thông tin phản hồi trên rất có giá trị đối với chúng tôi, trên cơ sở đó chúng tôi đã xem xét và có những điều chỉnh để giá trị và hiệu quả sử dụng hệ thống bài tập thực nghiệm được tốt hơn.

- Sau một năm triển khai TN, các GV dạy TN đều đề nghị được tiếp tục sử dụng hệ thống bài tập thực nghiệm mà đề tài luận án đã xây dựng vào dạy học Sinh học 11 ở các năm tiếp theo. Điều này phần nào chứng tỏ hiệu quả và tính ứng dụng của sản phẩm đề tài luận án trong thực tiễn dạy học Sinh học ở trường THPT hiện nay.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Do phạm vi triển khai thực nghiệm sư phạm và quá trình triển khai thực nghiệm sư phạm chưa nhiều nên có thể chưa đủ cơ sở thực tiễn vững chắc để khẳng định hoàn toàn giá trị của hệ thống bài tập thực nghiệm đã được xây dựng. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu đạt được của quá trình thực nghiệm sư phạm cho phép nhận định hệ thống bài tập thực nghiệm đã được xây dựng và sử dụng là có giá trị đối với việc phát triển các năng lực thành phần cấu thành năng lực thực nghiệm. Những gợi ý và quy trình đề xuất về việc sử dụng hệ thống bài tập thực nghiệm đã xây dựng trong dạy học Sinh học cơ thể thực vật - Sinh học 11 THPT là phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống bài tập thực nghiệm.

Các kết quả đạt được của quá trình thực nghiệm sư phạm cũng cho phép khẳng định tính hiệu quả và tính khả thi trong hướng nghiên cứu xây dựng và sử dụng bài tập để phát triển năng lực thực nghiệm cho học sinh phổ thông.

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng bài tập để phát triển năng lực thực nghiệm cho học sinh trong dạy học sinh học cơ thể thực vật – sinh học 11 trung học phổ thông (Trang 121 - 124)